Nhật Bản chuẩn bị phương án đối phó Trung Quốc đánh Đài Loan và tập trận tái chiếm đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 25/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói khi trả lời phỏng vấn: nếu xuất hiện tình hình khẩn cấp ở Đài Loan, Nhật Bản sẽ áp dụng các biện pháp chu toàn nhất.
Đối phó Trung Quốc, Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự lớn trên khắp nước từ 19 đến 30/11 (Ảnh: Đông Phương).
Đối phó Trung Quốc, Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự lớn trên khắp nước từ 19 đến 30/11 (Ảnh: Đông Phương).

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi từ chối giải thích nội dung cụ thể với lý do tính chất của vụ việc, chỉ tiết lộ rằng nói chung sẽ bao gồm việc di tản các công dân Nhật Bản khỏi Đài Loan.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 26/11, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi hôm 25/11 nói với Kyodo News rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế, và mong muốn các bên liên quan giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ thúc đẩy hợp tác với đồng minh Hoa Kỳ và kêu gọi Trung Quốc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một cường quốc. Còn các chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản với tư cách khách mời nhà nước, hiện chưa phải ở giai đoạn bàn bạc lịch trình cụ thể. Về việc một số nước đang cân nhắc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ được tổ chức vào năm sau, ông nói Nhật Bản chưa đưa ra quyết định vào thời điểm này và nhắc lại rằng Tokyo sẽ đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp sau khi xem xét toàn diện các tình huống khác nhau.

Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi trả lời phóng viên Kyodo News hôm 25/11 (Ảnh: Kyodo)

Ngoại trưởng Nhật Yoshimasa Hayashi trả lời phóng viên Kyodo News hôm 25/11 (Ảnh: Kyodo)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 25/11 tuyên bố: “Một số cá nhân ở Nhật Bản đã gắn Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh với các vấn đề chính trị song phương. Thực chất của việc này là chính trị hóa thể thao và báng bổ tinh thần Olympic. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”. Ông nói: “Hai nước Trung Quốc và Nhật Bản có sự nhất trí quan trọng về việc ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai Thế vận hội. Trung Quốc trước đây đã hoàn toàn ủng hộ Nhật Bản đăng cai Thế vận hội Tokyo, nay Nhật Bản nên giữ chữ tín cơ bản”.

Cùng ngày, ông Yoshimasa Hayashi đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Ngoại trưởng Nga Lavrov lần đầu tiên sau khi nhậm chức, bày tỏ quan ngại nghiêm túc về các hoạt động quân sự rầm rộ của Nga và Trung Quốc xung quanh Nhật Bản. Hai bên cũng trao đổi về việc đàm phán hiệp ước hòa bình bao gồm vấn đề lãnh thổ Bốn đảo phía bắc (Nga gọi là Quần đảo Nam Kuril), và xác nhận rằng họ sẽ tiến hành các cuộc tham vấn dựa trên sự đồng thuận giữa hai nước cho đến nay. Ông Yoshimasa Hayashi cũng tìm kiếm sự hiểu biết và hợp tác của Nga về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản.

Gần đây, quân đội Trung Quốc và Nga liên tục tiến hành tập trận chung ở gần Nhật Bản (Ảnh: Xinhua).

Gần đây, quân đội Trung Quốc và Nga liên tục tiến hành tập trận chung ở gần Nhật Bản (Ảnh: Xinhua).

Cũng theo Đông Phương, đối mặt với việc Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tiến hành các cuộc tập trận lớn trên khắp đất nước từ ngày 19 đến ngày 30 tháng này. Hôm thứ Năm (25/11), Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thông báo với giới truyền thông về cuộc tập trận thực binh tổng hợp của các Lực lượng Phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không (Lục quân, Hải quân và Không quân) ở đảo Tanegashima, tỉnh Kagoshima, nhằm mô phỏng các hoạt động đổ bộ và chiếm lại các đảo bị đối phương chiếm đóng.

Tổng cộng 600 binh sĩ đã tham gia cuộc tập trận ở đảo Tanegashima. Trong đó, khoảng 100 binh sĩ của Trung đoàn cơ động thủy bộ đã sử dụng 9 xe tấn công đổ bộ AAV7, đổ bộ lên bãi biển từ một tàu vận tải ngoài khơi cách bờ khoảng 10 km. Hai tàu đổ bộ đệm khí sau đó cũng chạy lên bờ với các chiến xa lớn.

Binh sĩ Nhật tập trận đổ bộ chiếm lại đảo từ tay đối phương (Ảnh: Đông Phương).

Binh sĩ Nhật tập trận đổ bộ chiếm lại đảo từ tay đối phương (Ảnh: Đông Phương).

Trước khi đổ quân, Lực lượng Phòng vệ trên biển (Hải quân) đã xác nhận hợp tác với Lực lượng Phòng vệ trên bộ (Lục quân) về cảnh báo thủy lôi và các vấn đề hợp tác khác. Vào ngày đổ bộ, Lực lượng Hải, Lục, Không quân đã phối hợp thực hiện trước diễn tập các cuộc tập trận tấn công của lực lượng tàu chiến, máy bay. Trung đoàn Cơ động thủy bộ được thành lập vào năm 2018 và đã được huấn luyện chung với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ để nâng cao khả năng của mình. Đây là cuộc tập trận đổ bộ lần thứ 24 của lực lượng này.