Đại biểu Quốc hội có 2 quốc tịch là không trung thành với nhân dân

Bùi Quốc Tuấn
Bùi Quốc Tuấn

Luật sư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mới đây, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và sẽ được xem xét bãi nhiệm trong thời gian tới, nhưng theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn – Đoàn Luật sư TP. HCM, thì ĐBQH có hai quốc tịch là không trung thành với nhân dân.

Ai được mang 2 quốc tịch?

Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi bổ sung năm 2014, trước hết phải hiểu “người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam”, như vậy người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam đang định cư ở một số nước mà ở đó khi nhập quốc tịch nước sở tại không bắt buộc phải thôi quốc tịch Việt Nam, do đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài có 2 quốc tịch.

Luật quốc tịch Việt Nam không cho phép công dân Việt Nam mang 2 quốc tịch trừ trường hợp đặc biệt như người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn mang quốc tịch Việt Nam. Trẻ em là con nuôi; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ.

Công dân Việt Nam khi có 2 quốc tịch phải có trách nhiệm thực hiện sao cho phù hợp với quy định của mỗi quốc gia để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích lâu dài, việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý không giống nhau sẽ không tránh khỏi sự lúng túng.

Như chúng ta biết nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế hay các nghĩa vụ liên quan đến an ninh, chính trị, nghĩa vụ bị hạn chế do sự khác biệt quy định về độ tuổi trong một số lĩnh vực kinh doanh… Do đó một người sống ở nước ngoài, có quốc tịch của nước đang sống, thì họ phải theo quy định của Luật pháp nước sở tại. Hoặc khi họ về Việt Nam sinh sống thì phải chịu pháp luật Việt Nam điều chỉnh.

Quyền và nghĩa vụ của người có 2 quốc tịch

Người có 2 quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam. Nếu vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử lý như người có 1 quốc tịch.

Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ xác định hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc có liên quan đến bất cứ giai đoạn nào của hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì thuộc sự điều chỉnh của BLHS, bất luận đó là người nước ngoài, không quốc tịch, song tịch hay chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam.

Cụ thể hơn, Khoản 1, Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật này được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam) được quy định như sau: “Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao”.

Có trường hợp người sử dụng quốc tịch Việt Nam để được ưu đãi nhập cảnh, đầu tư nhưng khi có hành vi vi phạm lại dùng quốc tịch nước ngoài để được hưởng bảo hộ ngoại giao, bảo hộ lãnh sự cho hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Tình trạng này từng được nhiều báo đưa tin cảnh báo ở những quốc gia thừa nhận 2 quốc tịch vì hệ quả việc thừa nhận thường dẫn đến những tranh chấp rất phức tạp, khó giải quyết, nhiều khi gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan.

Đại biểu Phạm Phú Quốc. Ảnh- Trung tâm báo chí Quốc hội.
Dư luận ồn ào khi phát hiện đại biểu Phạm Phú Quốc2 quốc tịch. Ảnh - Trung tâm báo chí Quốc hội.


Đại biểu Quốc hội có được phép 2 quốc tịch hay không ?

Theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, ĐBQH phải là công dân Việt Nam, đủ 21 tuổi trở lên, có quyền ứng cử, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua hiệp thương nhân dân đưa vào danh sách ứng cử ĐBQH, có đủ số phiếu cần thiết để trở thành ĐBQH và được Ủy ban thẩm tra tư cách ĐBQH xác định đủ tư cách làm ĐBQH.

ĐBQH là đại diện cho ý chí, quyền lợi của nhân dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc Việt Nam, vậy thì những trường hợp người đại biểu có 2 quốc tịch như báo chí phản ánh đã không hoàn toàn trung thành với Tổ Quốc, với nhân dân. Đặc biệt, nếu ĐBQH là Đảng viên, thì họ sẽ tuyên thệ với Đảng. Do đó, ĐBQH có quốc tịch nước khác không thể là đại diện cho nhân dân.

Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội hiện hành quy định về tiêu chuẩn của ĐBQH gồm 5 tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm… Thì căn cứ vào đó đã thấy người đại biểu đó đã là không trung thành rồi, thì làm sao đại diện cho nhân dân được?

Thêm nữa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội (từ ngày 1/1/2021 mới có hiệu lực) bổ sung vào một tiêu chuẩn của ĐBQH là: “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” (khoản 1.a, điều 22).

Đồng thời Luật quy định cho Quốc hội và cử tri có quyền bãi nhiệm tư cách ĐBQH nếu thấy đại biểu đó không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư Tp HCM)