|
Bị cáo Trầm Bê. Ảnh: Tiền Phong |
Bị cáo Phan Thành Mai là người bị cáo buộc cùng ông Phạm Công Danh tiến hành vay tiền của 3 ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank, và góp sức gây ra thiệt hại tới 18.000 tỷ đồng cho VNCB (Ngân hàng Xây dựng).
Theo cáo trạng, có hơn 6.000 tỷ đồng do nhóm các công ty sân sau của Phạm Công Danh vay từ các ngân hàng đã chuyển lại cho Phạm Công Danh sử dụng. Trong đó, VNCB – do Phạm Công Danh làm Chủ tịch - đã bảo lãnh cho các khoản vay này và từ đó làm VNCB thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng do bị bắt nợ khi các công ty không trả được nợ.
Tại phiên toàn ngày 10/1, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng VNCB đã chuyển 600 tỷ đồng cho bà Hứa Thị Phấn - người đã chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng Đại Tín (sau đổi thành VNCB) cho Phạm Công Danh. Do vậy, hội đồng xét xử cần xem xét lại vấn đề này để xác định thiệt hại chính xác cho VNCB.
Đồng thời, bị cáo Mai cho rằng vay được tiền, lãnh đạo VNCB đã đưa 4.200 tỷ đồng vào để tăng vốn điều lệ cho chính ngân hàng. Dù việc tăng vốn điều lệ theo cách này là chưa đúng quy định của pháp luật, nhưng số tiền này đã "hòa chung vào các dòng tiền của ngân hàng", nên đề nghị tòa xem xét lại cách tính thiệt hại.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử dẫn giám định của Ngân hàng Nhà nước cho biết, khoản tiền tăng vốn điều lệ của VNCB không ở ngân hàng như lời của ông Mai khai.
Trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Trầm Bê - nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank - cho biết ông "không phục" vì bị truy tố trong vụ án này. Cụ thể là không phục với việc cáo trạng kết luận ông là đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh gây thất thoát cho VNCB 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, năm 2013, ông Trầm Bê đã ký phê duyệt hai tờ trình của Sacombank chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho 6 công ty sân sau của ông Phạm Công Danh vay tổng cộng 1.800 tỷ đồng với bảo lãnh của VNCB.
Khi cả 6 công ty trên không trả được nợ, Sacombank đã buộc VNCB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng cách trừ tiền trong tài khoản tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử liên quan tới quyết định cho Phạm Công Danh vay, bị cáo Trầm Bê cho biết do ông Danh là khách quen từ khi ông Trầm Bê còn là phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam.
Về quy trình cho vay, ông Trầm Bê cho biết ông Danh muốn vay tới 2.000 tỷ đồng. Ông Trầm Bê sẵn sàng đồng ý, với điều kiện phải có tài sản đảm bảo là bất động sản có giá trị cao, tiền tiết kiệm và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Lý do đồng ý cho ông Danh vay, theo ông Trầm Bê, là do quy định “chủ tịch ngân hàng không được vay tiền của ngân hàng mình nhưng được phép đi vay tiền của ngân hàng khác".
Trước cáo buộc của Hội đồng xét xử đặt về việc theo quy định cho vay, khách hàng phải có phương án kinh doanh, phương án trả nợ và đây là điều kiện quan trọng nhất, trong khi ông lại chỉ quan tâm tới tài sản và bảo lãnh, ông Trầm Bê khẳng định "việc cho vay tiền là tùy nhận thức mỗi người".
Đồng thời, cựu Phó chủ tịch Sacombank cũng khẳng định liên quan tới tính pháp lý của các khoản vay này thì đã “giới thiệu Phạm Công Danh gặp tổng giám đốc Phan Huy Khang. Khang là người nắm nghiệp vụ ngân hàng rất vững" - ông Trầm Bê “bẻ” lại chất vấn của Hội đồng xét xử.
Về hạn mức cho vay, ông Trầm Bê cho biết, quyền phê duyệt khoản vay của Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank như ông tối đa là 1.800 tỷ đồng, và đó chính là số ông ký văn bản đồng ý cho triển khai cho ông Danh.
Giải thích về việc đồng ý cho ô Danh vay, ông Trầm Bê lập luận: "Có 3-4 ngân hàng như TPBank, BIDV… đều cho Phạm Công Danh vay tiền chứ không phải chỉ mình Sacombank cho vay. Tôi nghĩ không lẽ một mình Sacombank làm thì Sacombank yếu kém, nhưng 3-4 ngân hàng đều như vậy?”.
Đặt câu hỏi ngược đó, ông Trầm Bê muốn lưu ý hội đồng xét xử về việc Luật Các tổ chức tín dụng hoàn toàn không cấm việc cho vay tiền thế này. Do đó, bị xử lý về việc cho ông Danh vay 1.800 tỷ khiến ông Trầm Bê “không phục”.