Theo đó, HĐQT STB đã thống nhất trình Đại hội đồng cổ đông thông qua Mã chứng khoán của Sacombank sau thay đổi là SCM.
Các bước trình tự gồm: Hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); Hủy đăng ký, niêm yết chứng khoán STB trên Sàn Giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE); Đăng ký chứng khoán SCM tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD); Đăng ký, niêm yết chứng khoán SCM trên Sàn giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Để thực hiện kế hoạch trên, HĐQT STB đã giao Văn phòng HĐQT phối hợp với các Đơn vị liên quan thực hiện công bố thông tin việc bổ sung vấn đề thay đổi Mã chứng khoán của Sacombank vào nội dung lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản theo đúng quy định.
Giao Tổng Giám đốc (bà Nguyễn Đức Thạch Diễm) chỉ đạo các Đơn vị liên quan dự thảo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, trình HĐQT thông qua trước khi gửi phiếu lấy ý kiến cổ đông theo đúng quy định của Pháp luật và Điều lệ Sacombank.
Trước đó, ngày 06/10/2017, P.TGĐ HoSE Trần Anh Đào đã ký ban hành Thông báo số 1109/TB-SGDHCM, thông báo về ngày đăng ký cuối cùng của mã chứng khoán STB, cho lý do và mục đích: “Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông”.
Theo văn bản này, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 17/10/2017, ngày đăng ký cuối cùng là 18/10/2017.
Sacombank dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông trong khoảng thời gian từ 23/10 – 22/11/2017. Tỷ lệ thực hiện là 01 cổ phiếu phổ thông tương đương với 01 quyền biểu quyết.
Tại văn bản này của HoSE, nội dung lấy ý của Sacombank mới chỉ có 5 vấn đề: (1) Thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Sacombank; (2) Thông qua việc trích thưởng phần vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 cho tập thể CBNV Sacombank; (3) Thông qua Quy chế Quản trị và Điều hành Sacombank; (4) Thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát Sacombank; (5) Thông qua Dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Bất ngờ
Cần thiết phải nói rằng, động thái gần nhất của HĐQT Sacombank – lấy ý kiến cổ đông nhằm thay đổi mã chứng khoán, chuyển sàn niêm yết cho cổ phiếu STB – là rất bất ngờ. Kể cả rằng, nội bộ Sacombank vừa có sự thay đổi lớn sau ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 30/06/2017, mở ra “triều đại mới” với Chủ tịch mới - là ông Dương Công Minh.
Nhấn mạnh hơn nữa, việc thay đổi mã chứng khoán và chuyển niêm yết nêu trên cũng bao gồm cả việc: “Hủy đăng ký chứng khoán STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)”.
Điều 12, Quyết định số 22/QĐ-VSD ngày 13/10/2015 của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam quy định có 8 trường hợp hủy đăng ký chứng khoán, gồm: (1) Trái phiếu, tín phiếu đến thời gian đáo hạn; (2) Trái phiếu được tổ chức phát hành mua lại trước thời gian đáo hạn; (3) Tổ chức phát hành giải thể, phá sản, chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giảm vốn; (4) Tổ chức phát hành hoán đổi cổ phiếu, trái phiếu; (5) Chứng chỉ quỹ đầu tư hủy niêm yết trên SGDCK; (6) Quỹ hoán đổi danh mục giải thể; (7) Chứng khoán của các công ty đại chúng đã đăng ký tại VSD nhưng không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và có yêu cầu hủy đăng ký; (8) Tự nguyện hủy đăng ký chứng khoán của tổ chức phát hành đăng ký chứng khoán theo thỏa thuận với VSD.
Tất nhiên, việc hủy đăng ký chứng khoán STB trên VSD có thể cũng chỉ là một bước/thủ tục bắt buộc phải có, nếu muốn thay mã chứng khoán từ STB sang SCM.
Việc HĐQT Sacombank muốn xin ý kiến ĐHĐCĐ để chuyển cổ phiếu SCM sang đăng ký, niêm yết tại HNX có thể sẽ có những tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong các phiên giao dịch tới.
Bởi lẽ, với gần 1,9 tỷ cổ phiếu đang niêm yết, STB hiện đang là mã chứng khoán có quy mô niêm yết lớn nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần và là một trong nhóm chứng khoán có ảnh hưởng lớn nhất trên HoSE.
Thông thường, một doanh nghiệp trong nước khi phát triển đến một quy mô nhất định, họ thường có xu hướng chuyển niêm yết từ HNX sang HoSE. Chuyện chuyển từ HoSE sang HNX cũng có, nhưng thực tế, là hãn hữu hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc chuyển sàn từ HoSE sang HNX chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc nắm giữ cổ phiếu STB của các quỹ đầu tư, bởi lẽ rất nhiều quỹ có quy định cứng về việc đầu tư cổ phiếu trên sàn nào.
Thứ nữa, theo công bố mới nhất, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt đề án hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán. Dự kiến, lộ trình hợp nhất hai Sở GDCK được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2017 đến năm 2019; Giai đoạn 2 từ năm 2020.
Và với câu chuyện của STB, còn một chi tiết khác cũng cần phải đặc biệt lưu ý. Đó là Sacombank, tuy là một ngân hàng thương mại cổ phần hoàn toàn do tư nhân thành lập, nhưng tại thời điểm này, Sacombank đang chịu sự chi phối rất lớn của Nhà nước.
Ai đang sở hữu Sacombank?
Sự chi phối của Nhà nước tại Sacombank không chỉ đơn thuần mang tính quản lý hành chính, mà đặc biệt hơn, đó là sự chi phối mang tính căn cơ từ quyền cổ đông. Nó được thiết lập trên toàn bộ phần vốn cổ phần mà nhóm Trầm Bê và những bên liên quan sở hữu tại Sacombank.
Nhắc lại rằng, theo như thông tin được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố vào ngày 13/8/2015: “Ông Trầm Bê tự nguyện cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo qui định của pháp luật và Điều lệ Ngân hàng Phương Nam (PNB), Điều lệ ngân hàng Sacombank sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Trầm Bê và các bên có liên quan”.
Theo như công bố tại Báo cáo tình hình quản trị bán niên năm 2017 của Sacombank, thì tính đến 30/6/2017, cá nhân ông Bê đang sở hữu 27,65 triệu cổ phiếu, tương đương với 1,467% cổ phần STB. Cộng thêm cả phần mà vợ con ông đứng tên, thì tổng tỷ lệ sở hữu của gia đình Trầm Bê tại Sacombank là 9,512%.
Tuy nhiên, con số thống kê trên mới chỉ xét tới sở hữu của cá nhân ông Bê và những người có liên quan được hiểu theo luật định. Hẳn đó chưa phải là mức độ sở hữu thực sự của nhà tài phiệt vừa bị khởi tố này tại nhà băng lớn nhất trong khối TMCP.
Nếu quy mô sở hữu chỉ giới hạn ở mức đó, chắc chắn ông Bê và Trầm Gia đã chẳng thể “lật cờ” của ông Đặng Văn Thành và Đặng gia ở Sacombank vào năm 2012.
Trong một bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào hạ tuần tháng 3/2017, cây viết nổi tiếng trong giới báo chí ngân hàng – nhà báo Hải Lý – đã tiết lộ: “VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), sau khi được NHNN chỉ định, hiện tại là cổ đông lớn nhất, sở hữu trên 51% cổ phần, nắm quyền chi phối Sacombank.”
Đó hẳn mới là mức độ sở hữu phù hợp của nhóm Trầm Bê tại Sacombank.
Và nếu tỷ lệ nắm giữ của VAMC quả thực là như vậy thì cổ đông Nhà nước sẽ là người chi phối đáng kể tới các quyết sách của Sacombank. Kể cả việc đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM, hay chuyển đăng ký niêm yết từ HoSE sang HNX. Với 51% quyền biểu quyết trong tay, VAMC đủ sức để ủng hộ hoặc phủ quyết. Nếu muốn đổi mã chứng khoán và chuyển sàn cho STB, Chủ tịch Dương Công Minh và dàn nhân sự mới của Sacombank nhất quyết phải có cái gật đầu của VAMC,
Tại phiên ĐHĐCĐ diễn ra vào cuối tháng 6 vừa rồi, ứng viên Dương Công Minh đã nhận được tổng cộng hơn 3 tỷ phiếu bầu (bầu dồn phiếu), chiếm 198,32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội để tham gia HĐQT Sacombank. Hẳn VAMC – bên thực hiện quyền cổ đông thay cho nhóm Trầm Bê cũng đã rất ủng hộ ứng viên đến từ Tập đoàn Him Lam.
Được biết, trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm nay của Sacombank đã có rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế gửi văn bản đề xuất tới NHNN xin được mua cổ phần và tái cơ cấu STB...
Trả lời phỏng vấn VTV trưa 2/8/2017, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đã thông tin về một số khoản nợ của nhóm Trầm Bê tại Sacombank.
Theo ông Minh, ông Trầm Bê hiện tại đang có 2 khoản nợ tại Sacombank, một khoản nợ liên quan đến bất động sản có giá trị khoảng 33.000 tỷ đồng, một khoản nợ liên quan đến cổ phiếu có giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng, tất cả những khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo tương ứng. Dự kiến, trong vòng 3 năm tới, Sacombank sẽ thu hồi được 2 khoản nợ xấu này.
Vị tân Chủ tịch của Sacombank cũng cho biết thêm, nợ xấu của Sacombank hiện tại khoảng 60.000 tỷ đồng. “Chúng tôi đã quyết liệt xử lý và phấn đấu đến cuối năm nay sẽ xử lý được khoảng 20.00 tỷ đồng”- Ông Minh nói./.