Không thể di dời bãi rác Khánh Sơn
Sáng 15/5, chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” lần thứ 5 do Thường trực HĐND TP Đà Nẵng tổ chức, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, đã diễn ra với nhiều ý kiến của cử tri về thực trạng ô nhiễm môi trường, thu gom rác thải trên địa bàn; về vấn đề nước sạch, đồng thời yêu cầu truy trách nhiệm của người đứng đầu..
Cử tri Nguyễn Tựa (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nêu ý kiến: “Tình trạng ô nhiễm tại bãi rác Khánh Sơn gây bức xúc với người dân, dù chính quyền, cơ quan chức năng đã hứa rất nhiều lần. Vậy UBND TP có di dời, đóng cửa bãi rác Khánh Sơn hay không? Khi nào thực hiện?”
Cùng quan điểm với cử tri Tựa, nhiều cử tri yêu cầu UBND TP cần có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, quá tải của bãi rác Khánh Sơn, cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề thu gom rác, tại các khu dân cư.
Chương trình “Hội đồng nhân dân với cử tri” diễn ra với nhiều ý kiến về tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn
|
Trả lời ý kiến của cử tri, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, bãi rác Khánh Sơn đã tiếp nhận khoảng 3,2 triệu tấn rác và hàng ngày tiếp nhận hơn 1.100 tấn rác, chưa kể rác phân bùn bể phốt và rác thải y tế.
“Nếu không có giải pháp thì đến tháng 9/2019, Đà Nẵng sẽ quá tải rác thải và bãi rác Khánh Sơn không thể chứa được, nên TP đã đưa ra nhiều giải pháp, như tăng thêm 13ha phủ bạt, nâng công suất xử lý nước rỉ rác lên 1.500m3/ngày đêm, mở rộng các hộc chứa rác cho đến khi đầu tư được nhà máy đốt rác”- ông Tô Văn Hùng thông tin.
Giám đốc Sở TNMT cho rằng không thể di dời và càng không thể đóng cửa, mà phải xây dựng bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hợp xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, theo quy chuẩn, đồng thời, di dời các hộ dân trong phạm vi ô nhiễm.
“Đóng cửa bãi rác thì đưa rác thu gom đi đâu? Do đó, phải nâng cấp bãi rác thành Khu liên hợp xử lý rác thải quy mô, tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo quy định về môi trường. Nếu thuận lợi thì cuối năm 2020 TP sẽ hoàn thành. Đến 2023 sẽ có nhà máy đốt rác y tế, đồng thời có nhà máy nghiền rác thải xây dựng, xà bần tại Khu liên hợp này, xử lý thêm các hộc chứa rác hiện có, từ đó có quỹ đất để kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý, phân loại rác tại Khu liên hợp” - ông Tô Văn Hùng trả lời.
Cử tri Nguyễn Tựa nêu ý kiến về tình trạng ô nhiễm và quá tại tại bãi rác Khánh Sơn.
|
Giải thích nguyên nhân ô nhiễm của bãi rác Khánh Sơn, Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết do quy trình vận hành, do số người nhặt rác, khiến bãi rác bị hở, trên diện tích rộng, phát sinh mùi hôi thối.
Riêng vấn đề thu gom rác thải tại khu dân cư đang gây bức xúc trong nhân dân, theo Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng, là do quy hoạch, vận hành khai thác làm không tốt. Theo quy trình thu gom rác thì phải có các điểm tập kết trung chuyển, nhưng vì làm không tốt, nên người dân ý kiến, thì lại xóa đi mà không đầu tư nâng cấp công nghệ. Phương tiện thu gom cũng không được đầu tư, phương án thu gom không ra sao, nên xảy ra tình trạng như thời gian qua”.
“Tất cả vấn đề ô nhiễm, xử lý rác thải trên địa bàn TP là trách nhiệm của Giám đốc Sở TNMT và tôi nhận trách nhiệm cao nhất thuộc về mình. Tuy nhiên, để làm được những vấn đề đặt ra, rất cần sự tham gia của các đơn vị liên quan, phối hợp”- ông Tô Văn Hùng bày tỏ.
1.500 tỷ vẫn không ngăn được nước thải đổ ra biển!
Cử tri Phùng Phú Phong - Phó Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng và nhiều cử tri khác yêu cầu UBND TP trả lời về tình trạng nước thải ô nhiễm xả ra biển và giải pháp căn cơ với tình trạng này: Tình trạng phát triển đô thị khu vực bãi biển phía đông quá nhanh, hệ thống thu gom nước thải quá tải. Chỉ tính riêng từ tháng 4/2018 đến nay có hơn 200 sự cố nước thải gây xả thải ra biển. Vậy UBND TP đã có giải pháp gì? Trách nhiệm ra sao?
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri tại buổi đối thoại
|
Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng cho biết, tại khu vực biển phía đông TP đã có sự thay đổi chức năng phân khu quá lớn. Hiện có hơn 400 cơ sở lưu trú với hơn 1.800 phòng. Từ năm 2010 đến nay, có 200 cơ sở được cấp phép đấu nối, nhưng khi kiểm tra có đến 50% cơ sở kiểm tra không có giấy phép, 50% cơ sở được kiểm tra không có đấu nối đảm bảo và chỉ có 13,8% cơ sở được kiểm tra đủ điều kiện. Việc cấp phép hoạt động quá lớn, quá nhanh, nhưng không có cơ chế giám sát và gần như không ai kiểm soát việc thu gom, xử lý xả thải.
Tuy nhiên, nếu so với các năm trước, bình quân 100-120 lần sự cố/cửa xả, thì hiện số lần sự cố đã giảm nhờ có những biện pháp xử lý khắc phục. Đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo các điều kiện về môi trường, quan điểm của Sở là xử lý nghiêm, rút giấy phép.
Về Dự án cải thiện môi trường nước ven biển phía đông TP, ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, hiện có 16 cống xả thải cùng chung tình trạng nước thải đổ xả ra biển ở bãi biển phía đông. Để cải thiện tình trạng này, Ban QLDA Cơ sở hạ tầng ưu tiên đang thực hiện Dự án với quy mô đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, việc đưa hệ thống này vào hoạt động không thể giải quyết dứt điểm tình trạng nước xả thải qua cửa thải ra biển, nhất là khi trời mưa, nên chỉ có thể hạn chế chứ không thể giải quyết dứt điểm không cho nước thải chảy ra biển”- ông Tô Văn Hùng nói.
Dù Dự án xử lý nước thải và cải thiện môi trường nước được đầu tư 1.500 tỷ đồng đi vào vận hành, vẫn không giải quyết triệt để tình trạng nước thải đổ ra biển
|
Kết luận cuộc đối thoại, ông Nguyễn Nho Trung yêu cầu UBND TP chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc các kế hoạch và yêu cầu đã đặt ra, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo quy định về môi trường, yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, rút giấy phép và có biện pháp đảm bảo, bảo vệ môi trường biển.