Biển Đà Nẵng đang bị đầu độc
Khu vực bãi biển phía Đông TP Đà Nẵng, đoạn từ đường Hoàng Sa đến Võ Nguyên Giáp, nối đến đường Trường Sa, trải dài từ quận Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, nhan nhản những nét xấu xí trên bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Hàng ngày, bất kể mưa nắng, nước thải từ các miệng cống liên tục xả ra biển. Kèm theo đó là mùi xú uế khó tả. Có những vị trí bị cô lập, mặt cát khô nổi lên những vết cặn bẩn nước thải trên mặt cát. Có những vị trí nước thải đọng thành vũng đen ngòm, mốc meo, khiến ai cũng phải rùng mình khi chứng kiến.
“Thế này ăn thua gì, vậy là đỡ nhiều rồi đấy, trời mưa chú xuống mà coi, kinh lắm. Cứ mưa là nước từ cửa cống này chảy ào ào ra biển, nước đen ngòm, hôi thối và đầy rác rưởi” - cụ Văn Ba, cư dân làng chài Mân Thái (quận Sơn Trà) nói.
Cống xả tại khu vực bãi biển Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn) - một điển hình đang đầu độc biển Đà Nẵng
|
Cũng theo cụ Ba, tình trạng nước bẩn từ cửa cống đổ chảy ra biển diễn ra cả chục năm nay, nhiều cơ quan vào cuộc nhưng rồi đâu lại vào đấy.
“Họ cũng xuống chớ, nhất là khi thành phố sắp có họp hành chi đó là họ xuống. Họ xuống dòm dòm ngó ngó rồi về. Vài hôm có mấy công nhân cùng chiếc máy đào, máy xúc san san, ủi ủi, nhưng rồi nước dơ vẫn cứ rứa chảy ra biển. Dân tụi tui kêu miết rồi cũng chẳng tới đâu. Mệt quá thôi không nói nữa” - cụ Ba nói thêm.
Khu vực cống xả tại bãi biển Mân Thái, dịch về phía Nam - gần 2 khu vực du lịch chính của Đà Nẵng là bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà) và bãi biển Sao Biển (quận Ngũ Hành Sơn) - thì tình trạng có vẻ sạch sẽ hơn. Tuy nhiên nước thải hôi thối vẫn đổ xả ra biển.
Tại cống xả khu vực bãi biển Mỹ Khê - T20, tình trạng nước thải bẩn, đen và hôi thối vẫn thường trực. Cách đó không xa là chiếc máy đào cùng những vết san lấp, chặn dòng còn mới. Nghiêm trọng hơn, đây là khu vực trung tâm của bãi biển du lịch Đà Nẵng, nhưng cũng chính nơi đây là nơi xuất hiện tình trạng nước thải ổ ạt đổ xả ra biển vào đêm ngày 5/8 khiến dư luận bất bình.
“Biển Đà Nẵng đẹp, cát mịn và tôi rất thích. Song có vẻ các bạn không biết gìn giữ khi để những cống xả nước thải như thế này đổ nước ra biển. Tôi và các bạn đi từ Huế vào, ở khách sạn gần đây và muốn xuống đây lắm biển. Nhưng anh thấy đấy, thế này đành ở trên bờ thôi” - chị Tinafy - một du khách Mỹ cùng bạn chia sẻ.
Một khu vực biển du lịch nổi tiếng nữa là bãi tắm Sao Biển thuộc quận Ngũ Hành Sơn cũng trong tình trạng không khác mấy khu vực biển Mỹ Khê, khi lượng nước hôi thối tại cửa xả Mỹ An thường trực xả nước ra biển.
Và mặc dù nước thải đã được xử lý trong hơn các vị trí khác, nhưng nước vẫn bốc mùi hôi thối, tanh tưởi khiến du khách dè chừng không dám tắm. “Mùi thật tồi tệ, hôi và bẩn như vậy sao có thể tắm. Bạn thấy đấy, chúng tôi rất thích tắm biển và phơi nắng, nhưng sao có thể tắm trong đống nước thải như vậy. Bạn có dám tắm không?” - anh Henry, du khách người Úc nói.
Sẽ “đầu độc” đến khi nào?
Theo thống kê của Sở TN-MT TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại, tính từ quận Liên Chiểu về quận Thanh Khê, Hải Châu rồi đến cầu Thuận Phước, Đà Nẵng có 29 cửa cống xả nước ra biển, kể cả thu gom và xả nước thải. Riêng tại khu vực biển phía Đông thành phố từ quận Sơn Trà đến quận Ngũ Hành Sơn có 15 cửa xả nước ra biển, trong đó trên địa bàn quận Sơn Trà có 7 cửa và ở quận Ngũ Hành Sơn có 8 cửa.
Theo Sở TN-MT, hệ thống cống này bao gồm cả cống xả và hệ thống thu gom nước mưa và nước thải. Về mặt nguyên tắc, nước thải đều phải được thu gom, xử lý trước khi chảy thải ra môi trường. Và khi trời không mưa thì nước phải được thu gom được bơm về trạm xử lý tập trung hiện có để đảm bảo thu gom và xử lý.
Đến khi nào biển Đà Nẵng mới hết bị "đầu độc"
|
Tuy nhiên khi mùa mưa đến, nước thải theo nước mưa đổ tràn ra các cửa cống xả này và đổ ra biển đã đành, thì khi trời không mưa, nước thải vẫn vô tư xả đổ ra biển, bất chấp sự lo lắng của giới khoa học và bất chấp sự quan ngại của du khách.
Và trong khi chưa có giải pháp khắc phục tình trạng nước thải bẩn “đầu độc” biển Đà Nẵng thì thì mật độ xây dựng các công trình khách sạn phía trên đường Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa vẫn không ngừng tăng lên, mỗi ngày một dày đặc hơn.
“Đối với tình trạng nước thải từ cống xả đổ ra biển trong suốt thời gian qua, cử tri đã nhiều lần ý kiến phản ánh tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Tại các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng vấn đề cũng được đưa ra, các cơ quan chức năng từ Sở TN-MT, Sở Xây dựng cũng đưa ra đủ các phương án, nhưng rồi đâu lại vào đấy” - ông Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban Quy hoạch TP Đà Nẵng nói.
“Tôi nhớ không nhầm thì đã bốn đời Bí thư Thành ủy, hàng trăm cuộc họp lớn nhỏ liên quan đến tình trạng này, nhưng đến nay vẫn nguyên như vậy. Nước thải vẫn vô tư chảy ra biển, đầu độc biển. Mà đây không chỉ là biển đơn thuần, mà là biển du lịch, là nồi cơm của TP Đà Nẵng đấy. Điều này thật nguy hiểm, nhất là mật độ xây dựng tại đây ngày càng cao thì việc kiểm soát lượng nước thải từ đây đổ ra ngoài là vấn đề cần quản lý. Nếu không có giải pháp căn cơ thì Đà Nẵng sẽ trả giá đắt" - ông Hồ Duy Diệm tiếp tục.
Những gì Đà Nẵng làm trong suốt thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế
|
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng từng thừa nhận tại các cuộc họp về tốc độ xây dựng tại khu vực quá nhanh, trong khi hệ thống thu gom nước thải xuống cấp, quá tải đã gây ra tình trạng quá tải cho hệ thống xử thu gom.
Để khắc phục tình trạng này, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng giải pháp xử lý. Hiện UBND TP đã có các dự án thu gom nước thải ven biển. Sở Xây dựng đang thực hiện các giải pháp xử lý tình trạng này.
Khi dự án đưa vào hoạt động, biển Đà Nẵng có thôi bị đầu độc? - Câu trả lời vẫn còn ở phía trước./.