'Cú sập' SVB hướng dòng tiền về châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bất ổn trong hệ thống ngân hàng ở Mỹ khiến tiền đổ vào tài sản ở khu vực châu Á, khi giới đầu tư đặt cược rằng Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi trong khu vực an toàn hơn.
Các thị trường mới nổi của châu Á đang thu hút các nhà đầu tư (Ảnh: EdgeMarket)
Các thị trường mới nổi của châu Á đang thu hút các nhà đầu tư (Ảnh: EdgeMarket)

Kết quả phân tích về điều kiện tài chính toàn cầu do Citibank thực hiện cho thấy các thị trường tài chính châu Á bị thắt chặt ít hơn so với Mỹ, và hầu hết các đồng tiền của châu Á tăng giá trị so với đồng USD. Chỉ số chứng khoán tài chính trong khu vực, ngoại trừ Nhật Bản, đã tăng kể từ ngày 10/3 – ngày mà Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ - trong khi chỉ số ngành ngân hàng Mỹ giảm gần 10% trong cùng giai đoạn.

“Chúng tôi cho rằng châu Á vẫn được cách ly khá tốt,” Johanna Chua, giám đốc quản lý và là người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Citi, nói. “Đà giảm do Mỹ làm trung tâm sẽ khiến đồng USD suy yếu, từ đó đẩy dòng vốn về khu vực châu Á.”

Nhiều nhà kinh tế học nói rằng, một nhân tố giúp cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở nên hấp dẫn hơn là chính sách tiền tệ nhìn chung mềm mỏng hơn so với Mỹ và các nước châu Âu; trong đó ngân hàng trung ương ở Australia, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ đã ngừng thắt chặt tiền tệ. Trung Quốc, cùng với chính sách nới lỏng tiền tệ của họ và mở cửa trở lại nền kinh tế, hiện đang là điểm thu hút giới đầu tư hàng đầu.

Các thị trường mới nổi tiếp nhận dòng tiền mạnh mẽ trong tháng 3 (Ảnh: Bloomberg)

Các thị trường mới nổi tiếp nhận dòng tiền mạnh mẽ trong tháng 3 (Ảnh: Bloomberg)

Điều này đã được phản ánh rõ khi 5,5 tỉ USD vốn đầu tư đổ vào các quỹ đầu tư ở thị trường mới nổi trong vòng 4 tuần lễ, kết thúc vào cuối tháng 3, dẫn đầu là khu vực châu Á; theo dữ liệu của TD Securities. Hơn 70% lượng tiền đó đổ vào Trung Quốc. Cùng thời điểm, các quỹ đầu tư ở thị trường phát triển đã thất thoát khoảng 8,6 tỉ USD, trong đó Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Giới đầu tư vẫn đang coi các thị trường mới nổi ở châu Á là khu vực được ưa chuộng nhất, tiếp đến là châu Âu và sau đó mới là Mỹ,” David Chao, trưởng chiến lược gia thị trường toàn cầu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đến từ Asset Management, nhận định. “Nếu bạn nghĩ rằng Fed sẽ ấn nút tạm dừng nâng lãi suất, điều đó chắc chắn sẽ đẩy dòng tiền trở lại các thị trường mới nổi châu Á.”

Trong trường hợp Fed ngừng chu kỳ nâng lãi suất, trong bối cảnh bất ổn tài chính và dấu hiệu suy giảm cầu, điều này có thể có lợi cho châu Á do làm giảm sức ép của đồng USD mạnh và giảm vị thế đồng tiền dự trữ an toàn của USD.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong tuần này nói rằng các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, dẫn đầu bởi Trung Quốc, đang hướng tới đà tăng trưởng nhanh hơn và lạm phát chậm hơn trong năm nay và năm sau, trong khi các nền kinh tế phát triển lại góp phần tạo ra viễn cảnh toàn cầu đen tối hơn.

Viễn cảnh kinh tế tươi sáng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á (Ảnh: Bloomberg)

Viễn cảnh kinh tế tươi sáng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á (Ảnh: Bloomberg)

Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc được dự báo sẽ lan tầm ảnh hưởng tới toàn khu vực, từ đó khu vực sẽ hưởng lợi từ sự đa dạng hoá chuỗi cung ứng, bùng nổ hàng hoá và đà tăng nợ công chậm, theo Frederic Newmann, trưởng kinh tế gia châu Á đến từ HSBC Holdings.

Ông Jonathan Chua cho rằng Hong Kong (Trung Quốc) và Thái Lan, hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa, và các nền kinh tế định hướng dịch vụ trong nước như Ấn Độ và Philippines “trông có vẻ khoẻ mạnh hơn” giữa cú sốc tăng trưởng toàn cầu. “Những nền kinh tế nhỏ, cởi mở” như Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) sẽ dễ chịu tác động hơn từ những cú sốc như vậy.

Bất ổn trong hệ thống ngân hàng cũng có thể khiến nguồn tiền đầu tư của châu Á đổ vào Mỹ giờ bắt đầu quay ngược trở lại.

“Trong khu vực châu Á, tôi cho rằng Singapore sẽ là bên hưởng lợi lớn,” Prashant Newnaha, chiến lược gia vĩ mô đến từ TD Securities, nhận định. “Singapore có cơ sở pháp lý và hệ thống ngân hàng khoẻ mạnh, và họ đang tìm cách trở thành người tiên phong trong công nghệ và tiền mã hoá của khu vực.”

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro. Dữ liệu sản xuất ảm đạm của Trung Quốc mới đây đã làm suy giảm niềm tin về tốc độ hồi phục của nền kinh tế nước này. Thêm nữa, mối quan hệ đang trở nên căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ càng làm tăng thêm rủi ro khi đầu tư vào những nơi như Hong Kong và Đài Loan, ông Chao nói.

Khu vực châu Á cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trước tình trạng bất ổn tài chính lan rộng từ Mỹ.

“Viễn cảnh sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến ở châu Âu và Bắc Mỹ,” Jonathan Kearns, trưởng kinh tế gia đến từ hãng Challenger Ltd., và là cựu quan chức ngân hàng trung ương Australia, nói. “Nếu như xuất hiện tình trạng bất ổn ở mức độ nào đó, nó sẽ lan tới cả châu Á.”

Theo Bloomberg