Cơn hoảng loạn ngành ngân hàng đẩy kinh tế Mỹ tới bờ vực suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cơn hoảng loạn trong ngành ngân hàng sau cú sập của SVB gây lo ngại về một kịch bản suy thoái đến sớm hơn dự báo cho nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Khủng hoảng ngân hàng thời gian qua gây tác động tới niềm tin của giới đầu tư (Ảnh: The Times)

Khủng hoảng ngân hàng thời gian qua gây tác động tới niềm tin của giới đầu tư (Ảnh: The Times)

"Từ kịch bản không hạ cánh chuyển sang hạ cánh cứng", Torsten Slok, nhà kinh tế học tại Apollo Global Management - ví von về triển vọng nền kinh tế Mỹ và thế giới sau sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - SVB) và cuộc giải cứu Credit Suisse.

Chỉ ít tuần trước, giới chuyên gia còn lạc quan rằng nền kinh tế sẽ tăng tốc trở lại. Nhưng giờ họ bắt đầu lo ngại về một cuộc suy thoái sâu rộng, theo The Economist.

Các chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase còn so sánh kinh tế Mỹ với hình ảnh một chiếc máy bay đang để mất độ cao nhanh chóng (suy giảm niềm tin thị trường) với những chiếc động cơ ngừng hoạt động (việc siết chặt hoạt động cho vay của các ngân hàng).

Tác động từ vụ sụp đổ vẫn chưa dứt mà còn tiếp diễn. Như các nhà phân tích đến từ JPMorgan Chase chỉ ra, giới chuyên gia kinh tế hiện có 2 nỗi lo ngại.

Thứ nhất là sự bất trắc. Nếu tâm lý người dân lo sợ xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng và tác động kéo theo đối với nền kinh tế, họ có thể giảm tiêu dùng và đầu tư.

Nỗi lo thứ hai liên quan tới tín dụng. Các tổ chức tài chính do lo ngại thua lỗ có thể giảm hoạt động cho vay, khiến nhiều doanh nghiệp đói vốn. Nhưng may mắn thay, có lý do để tin rằng bất ổn trong ngành ngân hàng sẽ gây ít tác động hơn so với nhiều người lo ngại.

Suy giảm niềm tin

Đầu tiên, về tình trạng bất trắc, nghiên cứu mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố trong năm 2013 chỉ ra rằng, tâm lý bất trắc – gây ra do những nguyên nhân như cuộc chiến của Mỹ ở Iraq hay các vụ sụp đổ ngân hàng – có thể làm giảm đà tăng trưởng GDP thường niên khoảng 0,5%, chủ yếu là do doanh nghiệp trì hoãn đầu tư.

Nếu viễn cảnh này thực sự xảy ra, đà tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3% xuống còn 2,5%.

Kinh tế thế giới vẫn có thể tiếp tục trong trạng thái khoẻ mạnh (Ảnh: Getty)

Kinh tế thế giới vẫn có thể tiếp tục trong trạng thái khoẻ mạnh (Ảnh: Getty)

Nhưng trừ khi tình trạng bất ổn tiếp diễn, tầm ảnh hưởng sẽ không lớn như tưởng tượng – bởi các vụ sụp đổ ngân hàng ít để lại ấn tượng đối với người dân.

Các cụm từ tìm kiếm “khủng hoảng ngân hàng” trên Google đã nhảy vọt vào đầu tháng 3 nhưng giảm nhanh sau đó. Người dân có thể đã trải qua giai đoạn đầy rẫy bất ổn và chiến sự trong năm 2022 và tỏ ra thờ ơ với cuộc khủng hoảng ngân hàng. Hoặc, cũng có thể, họ tin rằng chính phủ các nước rồi cũng sẽ ra tay can thiệp.

Nhiều nhà kinh tế học lo ngại hơn về vấn đề thứ hai: Tín dụng. Hầu như không có doanh nghiệp nào muốn mở rộng kinh doanh mà không tìm đến nguồn tín dụng.

Trong những năm hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, các thị trường tín dụng đổ vỡ đã kìm hãm cả đà phục hồi kinh tế trong ngắn hạn lẫn đà tăng sản lượng trong dài hạn.

Sau sự sụp đổ của SVB, các thị trường vốn gần như đóng băng. Từ ngày 11 đến 19/3, các tập đoàn của Mỹ không phát hành trái phiếu mức độ đầu tư mới, trong khi trong tháng 1 và tháng 2 phát hành trung bình 5 tỉ USD mỗi ngày. Diễn biến này gây ra sự hoang mang. Nhưng ít người nhận ra rằng thị trường sau đó đã trở lại.

Trong những ngày gần đây, tập đoàn Brown-Forman và Nisource đã huy động được số tiền lớn từ các thị trường nợ. Mặc dù trái phiếu doanh nghiệp chịu tác động từ sau vụ sụp đổ của SVB, nhưng tầm tác động đã giảm trong những ngày gần đây. Nhiều công ty có thể chỉ ngừng phát hành trái phiếu mới trong khoảng thời gian ngắn cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng hơn.

Tổn thất đối với hệ thống ngân hàng chắc chắn là lớn hơn. Kể từ đầu tháng 2, giá cổ phiếu các ngân hàng trên toàn cầu đã giảm khoảng 1/6. Bằng chứng nghiên cứu cho thấy giá cổ phiếu giảm có xu hướng ảnh hưởng tới đà tăng các khoản vay. Các ngân hàng cũng có thể giảm hoạt động cho vay nếu như họ gặp tình trạng rút tiền ồ ạt, hoặc nếu cần phải huy động vốn do các nhà đầu tư nghi ngờ về sự an toàn.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng ở các nước giàu đã bắt đầu thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay. Tác động tới hoạt động cho vay của ngân hàng có khả năng kéo tụt đà tăng trưởng khoảng 0,4% ở Mỹ và khu vực châu Âu, theo phân tích của Goldman Sachs.

Tình trạng bất ổn cũng có thể tác động mạnh hơn đối với các ngân hàng Mỹ, trong khi nền kinh tế eurozone phụ thuộc nhiều hơn vào cho vay ngân hàng. Điều này có thể khiến đà tăng trưởng toàn cầu giảm sâu hơn, từ mức 2,5% xuống còn khoảng 2%.

Mặc dù bất ổn trong hệ thống ngân hàng mới đây khá tồi tệ, nhưng nó khó có thể đẩy nền kinh tế thế giới đứng trước bờ vực. Diễn biến có thể trở nên tồi tệ hơn. Việc phát hiện ra thêm một ngân hàng mục ruỗng cũng có thể khiến tình hình xấu đi.

Các ngân hàng sẽ cần thời gian để xây dựng lại bản cân đối kế toán và cho vay. Lãi suất tăng sẽ tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng cho đến khi các ngân hàng trung ương hoàn thành cuộc chiến chống lạm phát của họ.

Nhưng cũng có những hướng đi khác. Một trong số đó chính là sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

Các nhà kinh tế học kỳ vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng hơn 7% trong quý hai năm nay, so với năm ngoái. Trong khi đó, những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng hầu hết đã được tháo bỏ, và giá năng lượng đã giảm. Sẽ không bất ngờ khi chứng kiến nền kinh tế tiếp tục khoẻ mạnh một cách bất thường./.

Theo The Economist