Trong thời đại mà AI và các ứng dụng AI đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc tận dụng những điểm tích cực và hạn chế các điểm tiêu cực của công nghệ này sẽ giúp các cơ quan báo chí truyền thông gia tăng hàm lượng và chất lượng thông tin, từ đó thu hút được ngày càng nhiều sự quan tâm của công chúng thay vì để họ “rơi” vào mạng xã hội với nhiều tin giả, tin không kiểm chứng.
Dưới đây là cuộc trao đổi nhanh của VietTimes với TS Phan Văn Kiền về chủ đề này.
-Trong một hội thảo gần đây, ông có đề cập đến việc công chúng đang “chết đuối” giữa thông tin nhưng “chết đói” về tri thức. Ông có thể nói rõ hơn về khái niệm này?
-Đây là thực trạng chung trong bối cảnh hiện nay khi mà khoa học công nghệ về truyền thông phát triển. Ngoài nguồn thông tin chính thống là báo chí thì các mạng xã hội và các nền tảng khác đem đến rất nhiều thông tin cho công chúng. Mỗi ngày ngủ dậy công chúng sẽ bị bủa vây bởi các nguồn thông tin. Cho nên tôi mới nói là công chúng bị “chết đuối” giữa thông tin là vì thế.
Đồng thời, thông tin rất đa chiều, nhiều màu sắc và trong đó có rất nhiều thông tin không tốt cho công chúng, chẳng hạn như tin giả. Có cả những thông tin mà họ đánh vào nhu cầu tầm thường của công chúng. Vì thế công chúng nhận được rất ít các thông tin tích cực. Cho nên mới có khái niệm “công chúng chết đuối giữa thông tin nhưng chết đói về tri thức”, tức là các luồng thông tin có ích, định hướng được cho công chúng trong đời sống hàng ngày thì không nhiều.
-Công chúng hiện nay có xu hướng là thích xem những sự kiện giật gân, câu khách. Vì thế nhiều tờ báo đã chạy theo loại thông tin này để có lượt xem, từ đó ký được hợp đồng kinh tế. Theo ông, cơ quan báo chí, truyền thông cần làm gì để công chúng không bị “ngộ độc” thông tin mà vẫn có thể đảm bảo kinh tế báo chí?
-Đối với vấn đề này thì chúng ta phải bàn đến kênh truyền và phương thức truyền tải. Bản thân những thông tin giật gân hoặc thông tin tiêu cực có khả năng gợi trí tò mò, vì vậy nó rất dễ hấp dẫn công chúng. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông lười “chế biến” những thông tin có ích, họ chú trọng vào những thông tin hấp dẫn công chúng, đôi khi quá đà tạo thành một màu sắc không tốt trên mặt báo.
Để hạn chế thông tin tiêu cực, tăng thông tin tích cực thì chúng ta phải để những thông tin tích cực được truyền tải bằng các kênh cũng như cách thức sáng tạo. Nếu chúng ta chỉ chú trọng vào 5W1H (ai, cái gì, ở đâu, khi nào, làm thế nào), tức là chú trọng vào việc cung cấp tin tức đơn thuần cho công chúng thì họ sẽ chán.
Báo chí, truyền thông cần có chiến lược về nội dung, tăng cường các kênh truyền tải. Đặc biệt thay vì đưa tin đơn thuần thì báo chí, truyền thông có thể biến tin tức thành những câu chuyện, lồng trong tin tức là những yếu tố giải trí, những yếu tố mang tính chất chia sẻ, những kinh nghiệm, trải nghiệm thì nó sẽ giúp cân bằng với các thông tin giật gân câu khách.
Một trong các yếu tố làm cho công chúng có cảm nhận rằng báo chí đang chạy theo tin giật gân câu khách là vì bản thân báo chí chưa chú trọng vào các kỹ thuật để truyền tải thông tin vừa tích cực vừa hấp dẫn.
-Hiện nay đang nổi lên nhiều công nghệ mới trong đó có AI. Theo ông thì AI đóng vai trò như thế nào trong việc tạo dựng và phân phối nội dung?
-Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận được vai trò của AI. Công nghệ này đã quá phổ biến và mang lại nhiều tiện ích cho con người. AI hỗ trợ rất tốt trong các công việc liên quan đến sáng tạo nội dung, nhưng nó chắc chắn không thể thay thế được con người. Bởi vì dù có phát triển đến đâu thì AI vẫn là học máy, tức là phải có con người lập trình ra nó và dạy cho nó. AI chỉ có thể làm các công việc mà con người đã dạy. Còn những công việc liên quan đến sáng tạo hoặc những thứ liên quan đến cảm xúc thì chỉ có con người mới làm được.
Chúng ta vẫn phải sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ cho việc sáng tạo nội dung nhưng không được lệ thuộc vào nó, vì lệ thuộc vào AI là chúng ta tự biến mình thành một cái máy và như thế thì tính sáng tạo hay cảm xúc sẽ không được thể hiện. Nói như nhiều người là chúng ta sẽ bị thay thế bởi máy móc.
-Ông vừa nói AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn được con người. Theo ông thì AI còn có những điểm yếu nào khác không, xét trong lĩnh vực truyền thông?
-Ngoài những yếu tố tích cực mà AI đem lại thì nó cũng khiến cho chúng ta gặp một số vấn đề tiêu cực. Thứ nhất là chúng ta sẽ bị lười hóa. AI bây giờ có thể thực hiện các công việc thông thường thay cho con người.
Nếu cơ quan báo chí, truyền thông chỉ yêu cầu người làm báo viết ra những nội dung thông thường mà AI có thể làm được, thì AI sẽ thay thế hoàn toàn con người. Nó sẽ khiến chúng ta bị lệ thuộc vào máy móc. Đôi khi AI sẽ tạo ra các thông tin giả thì chúng ta cũng không hề biết vì lười, vì lệ thuộc. Khi lệ thuộc vào AI nhiều quá thì dần dần các nội dung truyền tải sẽ thiếu đi tính sáng tạo cũng như cảm xúc.
Thứ hai là những người có ý đồ xấu có thể lợi dụng AI trong việc truyền bá thông tin. Người ta có thể chuyển từ chiến tranh vũ khí sang chiến tranh thông tin. Công chúng có thể sẽ là công cụ bị lợi dụng, bị lạm dụng cho những mục đích xấu. Công chúng cần được đào tạo về AI để có thể tìm kiếm thông tin hữu ích.
Tôi nghĩ việc sử dụng AI như thế nào không quan trọng bằng việc được đào tạo về cách ứng xử với AI. Bản thân công nghệ hiện nay thay đổi liên tục và các phiên bản AI tiến bộ hơn cũng xuất hiện. Việc học cách sử dụng các công cụ mới là điều hiển nhiên không phải bàn. Nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn cả việc học ấy là cách ứng xử với AI như thế nào để nó hỗ trợ cho công việc của mình, không thay thế hẳn mình và không làm cho mình ngày càng lười biếng đi, đồng thời phát huy những lợi thế mà chỉ có con người mới có thể tạo ra.
-Viện đào tạo báo chí truyền thông của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn có chương trình đào tạo nào về AI cho học viên không thưa ông?
-Bên cạnh việc duy trì triết lý đào tạo rằng người làm nội dung phải là người được đào tạo về tư duy cũng như được trang bị tri thức nền tảng - vì đó mới là cốt lõi của của người sáng tạo nội dung, thì chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc trang bị những kiến thức về AI cũng như các công nghệ mới cho người học. Chúng tôi liên tục đưa vào những môn học cập nhật.
Ví dụ như năm ngoái chúng tôi đưa vào môn học gọi là công nghệ truyền thông. Môn học này cập nhật tất cả những xu hướng về dữ liệu, xử lý dữ liệu, công nghệ về AI, các công nghệ liên quan đến truyền thông.
Việc cập nhật này là để tăng tri thức cho người học và phần nào đó giúp họ có thể nhận biết được rằng có những công cụ nào giúp họ sáng tạo.
Còn việc đào tạo kỹ năng sử dụng công cụ này thì Viện cũng có thực hiện nhưng không chú trọng nhiều, vì thực tiễn sẽ đào tạo cho họ. Chúng tôi chú trọng nhất là vào tư duy và tri thức nền tảng để học viên có thể ứng phó được với những biến động khôn lường của cuộc sống.
-Ông từng nói rằng công nghệ nổi bật nhất của hiện tại là AI, còn tương lai thì chưa biết công nghệ nào sẽ xuất hiện thay thế AI. Liệu ông có thể đưa ra một dự đoán nào đó về công nghệ tương lai có thể tác động đến lĩnh vực báo chí truyền thông?
-Bản thân tôi không phải là một chuyên gia dự báo. Những chuyên gia nghiên cứu và dự báo chắc chắn sẽ trả lời tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng AI là một công nghệ giống như rất nhiều công nghệ từ trước đến giờ mà chúng ta đã biết, và chắc chắn hậu AI sẽ có những công nghệ khác tương tự hoặc cao hơn. Những sau AI sẽ là công nghệ cụ thể gì thì tôi khó mà đoán được, nhưng chắc chắn nó sẽ là thứ giúp cải thiện các hoạt động của con người. Nó sẽ giúp cho con người ngày càng rảnh rang hơn trong các công việc tay chân để tập trung nhiều hơn vào tư duy, cảm xúc và sự sáng tạo.
Tôi chỉ có thể dự đoán chung như thế. Còn câu chuyện sau là AI là công nghệ gì thì chắc chắn là sẽ có rất nhiều những thứ bất ngờ và có lẽ bản thân tôi cũng không lường trước được.
-Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!