Tế bào nam là của ai?
Mặc dù gia đình bé gái 3 tuổi Phạm Ngọc L. đã nhận được thông báo kết luận giám định pháp y, nhưng vẫn không chấp nhận kết quả và đặt nhiều câu hỏi về cách xử lý của Công an huyện Nhà Bè.
Cụ thể là trong thông báo số 89/TB-CAH-ĐTTH về kết luận giám định pháp y, do cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè gửi tới gia đình, có ghi rõ: “Kết luận: Màng trinh không rách; Không thấy tinh trùng trong dịch phết vùng âm hộ và vùng hậu môn; Có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn nhưng không đủ cơ sở đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam”.
Suốt cả tuần trước ngày 15/4, anh Phạm Quan L về quê chăm sóc người ốm, cho đến hôm 15/4, vừa quay trở về nhà thì phát hiện con gái bị ốm, sốt cao, đến nửa đêm thì phát hiện nghi bị xâm hại tình dục, do bé kêu “đau chim”.
Lập tức, hai vợ chồng anh Phạm Quan L. hỏi con gái: “Ai làm con đau chim” thì được bé cho biết “Ông Bảy”. Anh Phạm Quan L hỏi con: “Ông Bảy ở đâu”. Bé Phạm Ngọc L dẫn đường cho hai bố mẹ sang tận cửa nhà ông Bảy, chỉ vào căn nhà này. Ông Bảy là ông Huỳnh Thanh T, 70 tuổi (theo hồ sơ tại cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè).
Cha mẹ của bé Ngọc L đã thực hiện 2 lần thao tác này, đều được bé chỉ đúng căn nhà đó. Vì quá bức xúc, nên bố mẹ bé L. đã mang con gái ra trình báo sự việc tại cơ quan Công an xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) ngay trong đêm.
Theo giải thích tại Công văn số 56-GT/TD.19 ngày 4/5/2019 của Trung tâm Pháp y TP.HCM về kết luận giám định: “Có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn có thể do: Phần cơ thể của người nam như: miệng, lưỡi, tay, dương vật… tác động trực tiếp vào vùng âm hộ và hậu môn; Hoặc phần cơ thể nêu trên tác động qua các vật dụng như khăn, giấy, … rồi các vật dụng này tác động vào vùng âm hộ và hậu môn. Việc phát hiện tế bào người nam tại vùng âm hộ và vùng hậu môn nhưng không đủ cơ sở để đối chiếu với mẫu ADN của đối tượng nam có thể do: Số lượng tế bào ít; Tế bào người nam đã thoái hóa; Đương sự đã được tắm rửa”.
Tại kết quả giám định pháp y cho thấy “có tế bào người nam tại vùng âm hộ và hậu môn” của cháu bé. Cho dù tế bào nam còn lại ít, như văn bản giải thích, có thể do đương sự đã được tắm rửa, cũng có thể do tế bào người nam đã thoái hóa.
Số lượng tế bào nam đã để lại trong các bộ phận nhạy cảm của bé Phạm Ngọc L, theo văn bản giải thích, có thể do: “Phần cơ thể của người nam như: miệng, lưỡi, tay, dương vật… tác động trực tiếp vào vùng âm hộ và hậu môn; Hoặc phần cơ thể nêu trên tác động qua các vật dụng như khăn, giấy, … rồi các vật dụng này tác động vào vùng âm hộ và hậu môn”.
Từ khi sự việc được phát hiện, cho tới lúc bé Phạm Ngọc L được đưa đi giám định pháp y, khó có thể có người làm cha nào lại đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của con gái và bằng những phương tiện như văn bản giải thích về kết quả giám định pháp y phân tích. Vậy thì, những tế bào nam đó là của ai?
Gia đình cho biết từ khi xảy ra vụ việc, bé Phạm Ngọc L có nhiều biểu hiện hoảng loạn
|
Tại sao không khởi tố vụ án?
Luật sư Lê Ngọc Luân đưa quan điểm: “Với những vụ nghi xâm hại tình dục như bé Phạm Ngọc L, kết quả giám định pháp y không phải là quá quan trọng, do bằng chứng sống mạnh mẽ nhất chính là bé Phạm Ngọc L. Với một em bé 3 tuổi, nếu không phải quá ám ảnh về một việc gì đó, bé sẽ rất nhanh quên. Nhưng bé Phạm Ngọc L nhớ rất rõ căn nhà nơi đã xảy ra hành vi nghi bị ấu dâm. Trong lần thực nghiệm hiện trường, có luật sư tham dự, khi Công an Nhà Bè cho bé L xem rất nhiều tấm ảnh các ông già khác nhau, trong đó có ông T, bé L luôn chỉ chính xác vào tấm hình có mặt ông T, trả lời là “ông già làm con đau chim”. Trong khi Công an Nhà Bè bỏ hẳn ảnh ông T ra khỏi các tấm hình, bé L trả lời: “Không có ông già nào làm con đau chim”. Như vậy, có thể nói rằng nhận thức của bé Phạm Ngọc L rất tốt, và lời tố cáo của bé là chứng cứ mạnh nhất”.
“Trong lần nhận diện thực tế, có đến hơn 20 người, ông T được ngồi lẫn vào trong những người này. Công an hỏi: “Bé có nhận ra ai đã làm bé đau chim không?” Bé L chỉ thẳng ngón tay trỏ vào mặt ông T và trả lời “ông già”. Công an hỏi: “ông già đã làm gì bé?”; Bé Ngọc L trả lời: “sờ chim, đau chim”. Cơ quan CSĐT Công an hình sự huyện Nhà Bè có ghi âm và ghi hình toàn bộ các công đoạn này” – Luật sư Lê Ngọc Luân cung cấp.
“Trong quá trình điều tra, chính điều tra viên đã hỏi bé Phạm Ngọc L: “Nhà ông già ở đâu” và được bé Phạm Ngọc L dắt sang tận cửa, chỉ vào căn nhà của ông T. Việc này hoàn toàn do điều tra viên tiến hành, có Viện Kiểm sát huyện Nhà Bè giám sát, không phải do bố mẹ bé Phạm Ngọc L chỉ cho con” – Luật sư Lê Ngọc Luân cho biết.
Thế nhưng, trong quá trình điều tra, ban đầu các lời khai của bé Phạm Ngọc L không được cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè ghi nhận, cụ thể là ngay khi nhận đơn tố cáo, các cán bộ điều tra giữ quan điểm không lấy lời khai của em bé vì còn nhỏ quá, nên không có bất cứ biên bản nào ghi lời khai của bé Phạm Ngọc L. Chỉ sau khi luật sư Phạm Ngọc Luân đưa yêu cầu căng thẳng, thì Công an huyện Nhà Bè mới chịu ghi nhận các lời khai này.
Theo anh Phạm Quan L cho biết, Công an huyện Nhà Bè đã không nhận các file ghi âm, ghi hình mà gia đình thực hiện ngay trong đêm 15/4 khi phát hiện bé Phạm Ngọc L nghi bị xâm hại tình dục để làm bằng chứng điều tra. Luật sư Lê Ngọc Luân khẳng định như vậy là sai.
Tương tự, các vật chứng là: tã, quần, áo, khăn,… mà bé Ngọc L đã sử dụng vào tối ngày 15 & các ngày 16, 17/04/2019, sau khi nghi bị ông T xâm hại tình dục cũng không được Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè nhận, bản ghi âm do gia đình còn lưu giữ thì điều tra viên Lê Ngọc Lượng khẳng định “khi nào kết quả giám định pháp y không có kết quả thì mới cần đến các vật chứng này”.
Phải đến buổi làm việc chiều ngày 24/4, khi luật sư Lê Ngọc Luân vào cuộc và yêu cầu gắt gao cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè tiếp nhận các vật chứng nói trên, thì Công an huyện Nhà Bè mới nhận và giao nộp cho Trung tâm Giám định Pháp y TP.HCM vào ngày 26/4, tức là hơn 10 ngày sau khi nhận đơn tố cáo từ gia đình anh Phạm Quan L.
Luật sư Lê Ngọc Luân phân tích: “Khi tôi hỏi điều tra viên tên Lượng là có khởi tố hay không, điều tra viên Lượng không trả lời mà chỉ nói “Đã chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát xem xét”. Ngày 8/5, tôi tới gặp kiểm sát viên để hỏi rõ vụ việc thì được biết cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, mà không trả lời lý do vì sao. Kiểm sát viên không đồng ý với việc không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra”.
Theo trao đổi giữa kiểm sát viên với luật sư Lê Ngọc Luân thì lý do của điều tra viên tên Lượng đưa ra là do vụ án phức tạp. Nhưng luật sư Lê Ngọc Luân đặt lại nhiều câu hỏi: “Nếu thực sự vụ án phức tạp, tại sao cơ quan điều tra không gia hạn thêm 2 tháng nữa, theo luật quy định, để tiếp tục điều tra mà lại chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát – coi như kết thúc vụ việc?”
“Với những dấu hiệu quá rõ ràng là lời khai của cháu bé, nhận dạng qua ảnh, nhận dạng trực tiếp, địa điểm xảy ra căn nhà nghi xảy ra hành vi dâm ô… đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi là đủ chứng cứ. Vậy tại sao cơ quan điều tra không khởi tố vụ án? Khởi tố vụ án khác với khởi tố bị can. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thì khi có dấu hiệu phạm tội, cần khởi tố vụ án ngay để thực hiện các biện pháp tố tụng, mà chỉ khi khởi tố vụ án mới thực hiện được, còn khi đang ở giai đoạn xác minh thì không thực hiện được. Khởi tố bị can là khi xác định một người nào đó có dấu hiệu phạm tội, thì khởi tố bị can. Trong trường hợp này, có đủ chứng cứ nhưng cơ quan điều tra vẫn không khởi tố vụ án là sai” – Luật sư Lê Ngọc Luân phân tích.
Theo luật sư Lê Ngọc Luân, việc không ghi nhận lời khai của bé Phạm Ngọc L như một chứng cứ; không thu nhận các vật chứng vào đúng thời điểm tốt nhất để không bị mờ chứng cứ; không ra quyết định khởi tố vụ án là cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè đã sai, nguyên nhân có thể do yếu kém về nghiệp vụ.
Còn gia đình anh Phạm Quan L và chị Hoàng Thị P.T thì khó đồng tình với nhận định “kém nghiệp vụ” từ phía luật sư mà đặt ra nhiều câu hỏi, không biết vì lý do gì, cơ quan CSĐT Công an huyện Nhà Bè trong quá trình điều tra nhiều lần đến thuyết phục gia đình rút đơn tố cáo ông T”?