“Em từng là nạn nhân của vấn nạn này bởi chính anh họ mình. Nay em đã 18 tuổi nhưng cho tới giờ em vẫn luôn bị ám ảnh, thậm chí gặp ác mộng. Kẻ ác thì vẫn luôn nhởn nhơ ngoài kia nhưng em thì lại không ngừng để tìm cách trốn chạy. Và hơn hết, em không dám chia sẻ chuyện này với ai, ngay chính cả gia đình của mình” – Đây là chia sẻ từ một người bạn, người em giấu tên của tác giả bộ ảnh “Những đứa trẻ có bầu” Dạ Miêu.
“Ấu dâm” là từ khóa nhận được rất nhiều sự quan tâm trong thời gian vừa qua. Thực ra, những sự việc đau lòng, thương tâm đã xảy ra từ rất lâu. Đây chỉ là những con số được công khai gần đây, nhưng còn trước đó? Những đứa trẻ mà nay đã trưởng thành, nhưng những vết thương tâm lý thì vẫn luôn còn lại đó, tại sao lại như vậy?” – Người chụp ảnh trăn trở.
Theo con số công bố từ Bộ Công an, năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em. Trong đó, đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.
Trên trang fanpage của tác giả Dạ Miêu, công bố nguyên bộ ảnh không che mờ mặt các mẫu nhí
|
“Đây là những con số đáng báo động về vấn nạn này và thực sự đau xót. Bao nhiêu em nhỏ trong số hàng ngàn vụ kia được bảo vệ? - Dạ Miêu viết - Đáng sợ là những sự việc đau lòng này lại là toàn những kẻ “được cho là” có học thức gây ra, thậm chí còn từ chính những người thân, họ hàng. Các em thậm chí còn không được an toàn trong chính ngôi nhà, trường học của mình - nơi mà cha mẹ các em thường vì chủ quan mà ít quan tâm đến. Những kẻ mà thậm chí không ai mảy may một chút nghi ngờ lại gây cho đứa trẻ vết thương tâm lý tưởng chừng khó có thể lành lại”.
Nói về dự án “Những đứa trẻ mang bầu”, Dạ Miêu kể đã kết hợp cùng BTV Công Tố (Đài Truyền hình Việt Nam) và ekip Shine Academy. “Khi được nghe anh Công Tố nói về dự án này, thực sự tôi như “được mở tấm lòng”, anh nói với Miêu rằng: “Tại sao em lại không sử dụng những bức ảnh để nói lên những nỗi lòng của chúng ta cũng như để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi vấn nạn này”. Thế là hai anh em chúng tôi bắt tay vào làm”.
“Miêu nghĩ rằng trẻ em cần được lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và được sống trong xã hội văn minh, thân thiện hơn. Miêu hy vọng qua dự án này, cũng như qua những bức ảnh trên, có thể một phần nào đó sử dụng sự tác động mạnh mẽ của nghệ thuật vào tư tưởng mỗi người xem, để mọi người có thể thấu hiểu nỗi đau của các em, các con và cùng chung tay đẩy lùi vấn nạn này” – Dạ Miêu cho biết.
Tuy nhiên, mới chỉ vừa công bố bộ ảnh được 2 ngày, “Những đứa trẻ mang bầu” đã gây sóng gió trên các mạng xã hội. Công chúng ghê sợ ám ảnh với những hình ảnh hàm chứa nội dung đen tối và càng được nhấn mạnh hơn bởi lối trang điểm cho các em nhỏ giống như thường thấy trong những phim ma.
Rất nhiều phản hồi trong công chúng cho rằng nếu thực sự phục vụ cho một dự án nghệ thuật thì nên che mặt các em lại, hoặc chụp từ những góc không thấy mặt. Đằng này, toàn bộ các tấm hình được công bố đều chụp rõ mặt các mẫu nhí, thể hiện sự đau đớn, giằng xé, với cái bụng bầu (giả) rất to, và những thông điệp nhấn mạnh việc bị xâm hại tình dục.
Ngoài những thông điệp nhấn mạnh nổi bật về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em, trên các bức ảnh đều dày đặc quảng bá cho ekip thực hiện
|
Mặc dù êkip đã giải thích rằng đại diện của các mẫu nhí là các cha mẹ đều đồng thuận và đã được giải thích trước về ý đồ thực hiện hình ảnh cũng như thông điệp. Nhưng công chúng vẫn thắc mắc không biết trước khi thực hiện bộ hình này, các người mẫu nhí hoặc người đại diện có ký hợp đồng với nhà sản xuất không? Trong hợp đồng, có các điều khoản quy định mà mỗi bên buộc phải tuân thủ hay không? Cha mẹ các mẫu nhí có ý thức được hết những hậu quả có thể xảy tới, ảnh hưởng đến cuộc sống của các em, khi mà những hình ảnh đó sau này sẽ lưu lại trên rất nhiều trang, mạng xã hội khác nhau, quá trình tam sao thất bản có thể dẫn tới những hiểu lầm về nhân thân của người trong ảnh, như từng có rất nhiều “tai nạn” xảy ra trước đây?
Người cầm máy nghĩ gì về sự ảnh hưởng tới cuộc sống của các mẫu nhí khi dư luận ồn ào về bộ ảnh này? Hay có lẽ chính bản thân người chụp cũng không ý thức hết được về việc tác dụng có thể ít hơn tác hại của cách làm nghệ thuật có phần thiếu thận trọng?
Trên trang fanpage của tác giả Dạ Miêu, sau khi công bố bộ ảnh lên chỉ sau 2 ngày đã có tới hơn 16.000 người like và 16.000 người share bộ ảnh, trong khi các post hợp đồng công việc trước đó dù có quảng cáo cũng chỉ thu được lượng like, share ít ỏi hơn rất nhiều.
Gây sóng gió trong cộng đồng, nhận nhiều comment cho là phản cảm nhưng đến giờ tác giả vẫn không che mờ mặt của các em nhỏ, nên rất khó có thể bỏ qua nhận xét của một số người cho rằng bộ ảnh được thực hiện với mục đích PR cho thương hiệu của người chụp, chứ không phải vì mục đích chính là hướng đến đẩy lùi nạn xâm hại tình dục trẻ em.