Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - những lực lượng quân sự chính hiện diện tại Syria đang tổ chức một hội nghị để tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở đất nước này. Tổng tham mưu trưởng của các lực lượng quân đội cũng tham dự cuộc họp trên. Trước đó, tổng thống Nga, Vladimir Putin đã lên kế hoạch với lãnh đạo Syria, ông Bashar al-Assad để đàm phán về tương lai của Syria khi mà chiến sự sắp tới hồi kết. Ông nhấn mạnh: "Với những cố gắng chung để chống lại khủng bố tại Syria, chiến dịch quân sự này đã sắp kết thúc" và đây là lúc chuyển sang giai đoạn chính trị. Hai nhà lãnh đạo bàn thảo những chi tiết về hội nghị nhân dân Syria sẽ diễn ra vào ngày 02.12 tại khu nghỉ dưỡng Sochi dự kiến có sự tham gia của khoảng 1.000 người.
Rõ ràng, vấn đề trọng tâm tại Syria hiện nay là chuyển từ chiến trường vào bàn đám phán. Tổng thống Putin sử dụng riêng thuật ngữ "tiến trình chính trị" hoặc "quản lý chính trị" cho vấn đề này. Liệu tiến trình này có kết thúc sự kháng cự của phe đối lập? Có vẻ như điều này đang diễn ra. Những lực lượng quân sự đối lập ở Syria đang chia rẽ vì Mỹ và các đồng minh đã chấp nhận điều khoản ngừng bắn tại Syria mà Assad không phải từ bỏ quyền lực ngay lập tức. Vào 20.10, lãnh đạo phe đối lập Riyad Hijab thông báo ông sẽ từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình tại HNC - một tổ chức được sự hậu thuẫn của khối Ả rập. Rất nhiều thành viên khác cũng ra đi. Hành động này được Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov ca ngợi, ông tin tưởng: "Sự rút lui hoàn toàn khỏi vai trò chính của những lãnh tụ phe đối lập sẽ tạo ra khả năng hợp nhất (cả trong và ngoài) nhóm đối lập nhiều màu sắc này vào một chế độ mang tính hợp lý, thực tế và xây dựng hơn. Sự rút lui của các lãnh tụ này xảy ra sau khi một ủy ban được thành lập tại Riyadh để họp vào ngày 22.11, với mục đích chọn ra phái đoàn đàm phán về hòa bình của Syria tại Liên Hợp Quốc ở Geneva vào tuần sau. Một quan sát viên ngoại giao của Nga sẽ tham gia cuộc họp của phe đối lập Syria tại Ả rập Xê-út. Nhóm Hayat Tahrir al-Sham (trước đây là nhóm Jabhat al-Nursa, một nhánh của al-Qaeda) là nhóm phiến quân duy nhất không tham gia tiến trình đàm phán. Sự tồn tại và ảnh hưởng của nhóm này đang được tính từng ngày. Hiện tại, nhóm này chỉ chiếm đóng một phần của tỉnh Idlib và đang chịu nhiều tổn thất khi chiến đấu với Nour al-Din al-Zenki, một đồng minh cũ. Không còn nghi ngờ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ là diễn viên chính trong tiến trình đàm phán. Nhưng vị thế của Syria đang lớn hơn qua sự mâu thuẫn của các quốc gia. Vào ngày 19.11, liên minh Ả rập đã chỉ trích mạnh mẽ Iran trong cuộc họp các ngoại trưởng tại Cairo. Các ngoại trưởng quyết định "báo cáo" lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về những chính sách gây mất ổn định của Iran trong khu vực, với một quan điểm sẽ đưa ra đệ trình trong giai đoạn sau một giải pháp Ả rập với quan điểm chống lại Iran. "Chúng tôi không tuyên chiến với Iran trong giai đoạn này", Ahmed Aboul-Gheit đứng đầu liên minh Ả rập phát biểu, ám chỉ khả năng tuyên chiến. Ả rập Xê-út, Bahrain, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Djibouti chĩa mũi nhọn công kích vào Iran trong khi Lebanon và Iraq thể hiện sự e ngại của họ với tình hình căng thẳng hiện nay. Ngoại trưởng Bahrain, Sheikh Khalid Bin Ahmed Al Khalifa, thúc đẩy hành động mạnh mẽ để chống Iran. Theo ông ta, nếu không giành được sự ủng hộ, Bahrain không còn lựa chọn nào khác và sẽ dựa vào sự bảo vệ của phương Tây. Ông kêu gọi hành động của hạm đội 5 hải quân Mỹ đang đóng tại Bahrain và các tàu đang tuần qua quanh vịnh Ba Tư. Đây là một lời kêu gọi hành động quân sự và Mỹ được nhắc tới như một đồng minh. Mỗi một nước thuộc liên minh Ả rập đều hành động với sự cố vấn của Washington. Liệu sự tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ lên 33% trong khu vực Trung Đông 4 tháng vừa rồi có phải là ngẫu nhiên?
Tàu sân bay Mỹ luôn thường trực ở các điểm nóng trên thế giới
Điều đáng chú ý là cuộc họp liên minh Ả rập diễn ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Lieberman bày tỏ ý định liên kết với các nước Ả rập để chống lại Iran. Ông Lieberman cũng đề cập tới Israel sẽ không chấp nhận sự thành lập trục liên minh người Shiite tại Syria. Ngày 18.11, Lieberman viết trên trang facebook của ông rằng khu vực Trung Đông cần một liên minh chống Iran. "40 năm sau chuyến thăm lịch sử của tổng thống Sadat tới Israel, tôi kêu gọi các lãnh đạo trong khu vực theo con đường của tổng thống Sadat, tới Jerusalem (al-Quds) và mở ra một chương mới không chỉ giới hạn trong mỗi quan hệ giữa thế giới Ả rập và Israel mà cho toàn khu vực". Bình luận của ông được đưa ra 2 ngày sau khi tham mưu trưởng quân đội Israel, tướng Gadi Eizenkot bày tỏ quân đội nước này sẵn sàng "trao đổi kinh nghiệm với các nước Ả rập ôn hòa và trao đổi tình báo để đương đầu với Iran". Trong cuộc phỏng vấn với Elaph - một tờ báo trực tuyến của Ả rập, Eizenkot tuyên bố Iran là "mối đe dọa lớn nhất trong khu vực", nhấn mạnh Tel Aviv và Riyadh hoàn toàn đồng quan điểm về những ý định của Iran. Nhiều báo cáo gần đây cũng ám chỉ mối quan hệ gần gũi Israel-Ả rập. Không còn sự đe dọa của IS, một liên minh mạnh đang được thành lập với sự kết hợp của các nước Ả rập người Sunni được hậu thuẫn bởi Mỹ và các đồng minh NATO và Israel. Hezbollah và Syria sẽ liên kết với Tehran, trong khi các nhóm người Kurds và Druze đứng về phe ủng hộ liên minh chống Iran. Nếu chiến tranh xảy ra, vùng Trung Đông sẽ bùng nổ. Cuộc chiến giữa những người Shiite và người Sunni sẽ tràn ra những vùng biên giới của Trung Đông.
Người Kurd trở thành lực lượng ủy nhiệm của Mỹ trên chiến trường Syria và Iraq
Sẽ có rất nhiều hậu quả tiêu cực có thể dự đoán trước. Ví dụ, Iraq sẽ không chống lại Iran. Dù muốn hay không, Mỹ sẽ phải dựa vào lực lượng Hồi giáo dòng Sunni và đồng thời chơi "con bài" người Kurds. Và tất nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không hề thích điều này dù Washington có nói điều gì. Nếu chiến tranh kéo dài quá lâu, Baghdad có thể còn liên minh với Iran. Syria và Iraq thì sẽ sa lầy vào những cuộc nội chiến. Afghanistan cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhóm Hazaras và Ismailis (đều thuộc nhánh Shia của đạo Hồi), sẽ tham chiến bên cạnh Iran và làm mạnh thêm Taliban và những nhóm hồi giáo chống phương Tây khác. Tất cả những cố gắng và thành công đạt được tại Syria có thể trôi theo dòng nước. Hiểm họa toàn cầu sẽ được nhân lên nhiều lần. Trong chương trình nghị sự quốc tế, Nga đang nỗ lực thúc đẩy việc giải trừ quân sự tại Syria, dẫn đầu tiến trình hòa bình và làm mọi cố gắng để kết thúc cuộc chiến, mang lại hòa bình, xây dựng quốc gia mới, thì khu vực Trung Đông lại đang có vẻ thúc đẩy chiến tranh.