Tuy nhiên, có rất ít báo cáo về các trường hợp trẻ em nhiễm COVID-19 hoặc có các triệu chứng nguy hiểm, ngay khi con số ca nhiễm trên toàn thế giới đã gần đạt mốc 100.000. Vậy đóng cửa trường học có tác dụng gì hay không, trong khi trẻ em dường như là nhóm người không bị ảnh hưởng bởi virus corona chủng mới?
Rất khó để đưa ra câu trả lời. Đúng là các trường học được xem là nơi lý tưởng để virus lây lan. Nhưng các nghiên cứu trước đây về việc liệu việc đóng cửa trường học có thể ngăn chặn dịch bệnh - như dịch viêm phổi năm 2009 - hay không lại cho ra những kết quả trái ngược. Một số nghiên cứu cho rằng việc đóng cửa trường học chỉ có tác dụng trong một số trường hợp nhất định, như đã đóng cửa thì phải trong một khoảng thời gian rất dài.
Thêm nữa, các trường học cần phải tính toán về những điều có lợi của việc đóng cửa trường học trong vô số những nhân tố khác, như: Liệu các bậc phụ huynh có thể xin nghỉ việc một thời gian không? Liệu những trẻ em phục thuộc vào bữa ăn ở trường có được ăn uống đầy đủ tại nhà? Và chính xác thì nên đóng cửa trường học trong bao lâu?; theo giới chuyên gia.
"Đó không phải một quyết định dễ dàng, và cũng chưa rõ nó có ích hay không" - Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế của Viện John Hopkins, thành phố Baltimore (Mỹ), nói.
Tại sao đóng cửa trường học?
Một số chuyên gia nói rằng trường học không nên ngừng hoạt động vì dịch COVID-19, trừ khi có hiện tượng lây lan trong cộng đồng.
"Cũng giống như bệnh cảm cúm, chúng ta không nên đóng cửa trường trừ khi nhận thấy rằng có rất nhiều trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng" - Krys Johnson, một chuyên gia bệnh dịch học thuộc ĐH Y tế công Temple, nói.
Và trong trường hợp hiện tại, lý do để đóng cửa trường học có lẽ không phải là nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 ở trẻ em (bởi đây là nhóm không chịu ảnh hưởng nhiều), mà là nhằm ngăn chặn sự lây lan ở các bậc cha mẹ, ông bà, giáo viên và nhân viên trường học - những người chịu rủi ro bị lây nhiễm COVID-19 cao hơn hẳn; ông Johnson nói.
Trên thực tế thì đúng là trường học và các trung tâm chăm sóc là nơi dễ lây lan các chứng bệnh về đường hô hấp cùng nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác.
"Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm cao...bởi chúng chạm, sờ vào và tò mò về mọi thứ" - ông Johnson nói với tạp chí Live Science, thêm rằng ý tưởng đóng cửa trường học thực chất là nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng nói chung, chứ không riêng nhóm trẻ em.
Những câu hỏi chưa có lời giải
Học sinh ở Indonesia được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp (Ảnh: Jakarta Post)
|
Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu khoa học về ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học lại được thực hiện đối với bệnh cúm, ông Adalja nói.
Một số nghiên cứu chỉ ra lợi ích - ví dụ, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature năm 2008 cho rằng đóng cửa trường học trong bối cảnh đại dịch cúm ở Pháp giúp giảm số lượng ca nhiễm tới 17%. Nhưng đó là do trẻ em là nhân tố lây truyền chủ yếu của bệnh cúm, và vẫn chưa rõ kết quả nghiên cứu này có áp dụng được trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay hay không.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng công bố bản báo cáo về COVID-19 ở Trung Quốc, trong đó nói rằng số lượng ca nhiễm ở trẻ em chỉ khoảng 2,4%.
"Ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học có thể ít hơn trong bối cảnh dịch COVID-19" - Adalja nói.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác được thực hiện ở Thâm Quyến, Trung Quốc lại chỉ ra rằng trong các giai đoạn sau của dịch bệnh, 13% ca nhiễm COVID-19 là trẻ em. Điều này cho thấy trẻ em nhân tố lớn trong quá trình virus corona chủng mới lây lan.
Nhưng ngay cả khi trẻ em là nhân tố lớn trong quá trình truyền nhiễm trong cộng đồng, việc đóng cửa trường học có lẽ không có ích lợi gì nếu các quan chức chờ cho đến khi virus đã lây lan trong cộng đồng.
"Nếu nhận thấy tình trạng lây lan trong cộng đồng trở nên nghiêm trọng, thì việc đóng cửa trường lúc đó không còn ý nghĩa gì" - ông Adalja nói.
Một nghiên cứu về đại dịch cúm ở Mỹ, được đăng tải trên tạp chí JAMA năm 2007, chỉ ra rằng việc đóng cửa trường học và cấm tụ tập đông người nơi công cộng ở cấp độ thành phố giúp cho tỷ lệ tử vong vì bệnh giảm, đặc biệt là khi các biện pháp này được thực thi sớm.
Cũng có câu hỏi rằng nên cho trẻ ở nhà trong bao lâu. Một nghiên cứu năm 2010 nghiên cứu về ảnh hưởng của việc đóng cửa trường học trong bối cảnh đại dịch cúm năm 2009 ở bang Pennsylvania (Mỹ) chỉ ra rằng, đóng cửa trường học cần phải được duy trì trong phần lớn khoảng thời gian xảy ra dịch - cụ thể là 8 tuần đối với đại dịch cúm năm 2009 - mới đạt hiệu quả.
Thêm vào đó, một nghiên cứu năm 2010 chỉ ra rằng đóng cửa trường học trong thời gian ngắn chỉ khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn bởi bắt trẻ trở lại trường học ngay giữa lúc vẫn còn dịch bệnh.