Chuyên gia nghiên cứu Trần Sĩ Chương: Bầu cử Mỹ, hoàn cảnh nào thì cần Tổng thống đó!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Xã hội chính trị Mỹ vốn hết sức phức tạp, để hiểu rõ tình hình nước Mỹ hiện nay và chiều hướng của nó giai đoạn hậu bầu cử, VietTimes xin gửi tới quý độc giả bài viết của chuyên gia nghiên cứu Trần Sĩ Chương.

Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: Getty)
Ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden (Ảnh: Getty)

Xã hội chính trị Mỹ phức tạp và khó hiểu từ trong “gien”

Muốn hiểu sâu về nước Mỹ, muốn giải thích tại sao một số chuyện xảy ra trong chính trường Mỹ lại khó hiểu, không logic, thì phải biết cái “gien” xã hội chính trị Mỹ là gì. Cái gen xã hội chính trị Mỹ là sản phẩm của sự kết nối giữa hai luồng tư tưởng nghịch chiều và sự mâu thuẫn của chúng. Đó là chủ nghĩa lý tưởng duy tâm (idealism) và chủ nghĩa hiện thực (realism) trong giới lãnh đạo tinh hoa của nước Mỹ.

Mỹ là một nước Hợp chúng quốc theo đúng nghĩa của nó, gồm dân tứ xứ khắp toàn cầu. Từ những ngày đầu, những người di dân đến nước Mỹ phần lớn là thành phần bị áp bức, thiệt thòi, từ những xã hội phong kiến, độc tài, đi tìm một chân trời mới, một cuộc sống mới hứa hẹn hơn cho gia đình họ.

Đến Mỹ, họ muốn xây dựng một đất nước trong đó mọi người đều được coi là bình đẳng như đã được luật hóa trong Hiến pháp của Hoa Kỳ.

Đó là nguồn gốc của chủ nghĩa lý tưởng, duy tâm. Thuộc trường phái này thường là những người trí thức, những người có tinh thần xã hội cao, những người cho rằng con người sinh ra ai cũng tốt cả, “nhân chi sơ tính bổn thiện”, mọi người phải được có nhân quyền cơ bản, được bình đẳng mưu cầu hạnh phúc. Thậm chí họ còn xem những tội phạm trong xã hội là lỗi của xã hội đã không giáo dục con dân chu đáo.

Phía đối trọng là chủ nghĩa hiện thực. Đây là trường phái có xu hướng nhìn sự việc trắng đen, rạch ròi, sẵn sàng sử dụng quyền lực cứng (quân sự), ăn miếng trả miếng để cả bạn lẫn thù không ai dám coi thường. Có tội thì xử, nếu tội nặng thì tử hình để răn đe.

Xã hội và chính trường Mỹ luôn bị giằng co giữa hai trường phái này. Bên nào thắng thế thì tùy vào hoàn cảnh chính trị xã hội vào thời điểm đấy.

Hoàn cảnh nào thì cần Tổng thống đó

Năm 1960, nước Mỹ đang ở giai đoạn giàu có thịnh vượng nhất sau khi chiến thắng thế chiến thứ hai năm 1945. Người dân Mỹ trở nên ít thực dụng hơn, lý tưởng lãng mạn hơn nên bầu cho John Kennedy, một tổng thống đẹp trai mới 43 tuổi. Ông này lên nhậm chức phát biểu là sẽ không từ chối bất cứ một thách thức nào, bất cứ ở đâu trên thế giới để bảo vệ nhân quyền tự do dân chủ.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn ông đã bị thử thách ở Cuba, và rồi quyết định gửi những cố vấn quân sự đầu tiên qua miền Nam Việt Nam, ngược lại lời khuyên của các danh tướng Mỹ thời đó như Bradley, McArthur, Eishenhower...

Cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam (the American war) kéo dài 15 năm, bắt đầu bởi một Tổng thống của Đảng Dân chủ là John Kennedy (tin vào những lý tưởng xã hội đặc thù và sự vĩ đại của nước Mỹ - “exceptionalism”) và bị chấm dứt một cách lạnh lùng bởi một Tổng thống thuộc Đảng Cộng hoà Richard Nixon, khi họ tính hơn thiệt, thấy quyền lợi chiến lược của họ không còn được như ý để tiếp tục đầu tư.

Đài Loan vào thời điểm đó là một mô hình mẫu của Mỹ sau khi chính quyền Tưởng Giới Thạch rời bỏ Trung Quốc năm 1949 và được Mỹ ủng hộ lập quốc ở Đài Loan. Chính quyền Đài Loan được chính phủ Mỹ viện trợ phát triển rập khuôn bài bản của Mỹ: chính trị phân quyền, kinh tế thị trường, tự do thương mại. Từ mô hình đó, Đài Loan đã nhanh chóng trở thành một con rồng kinh tế châu Á.

Vậy mà khi Mỹ cần bắt tay với Trung Quốc vì quyền lợi địa-chính trị thế giới giữa “Tam quốc” Mỹ - Trung - Nga và nhu cầu cần Trung Quốc hỗ trợ để Mỹ rút khỏi Việt Nam trong danh dự, Mỹ đã đành dứt bỏ quan hệ ngoại giao bình thường với Đài Loan, trong sách lược xếp đặt lại một trật tự mới toàn cầu của Tổng thống Nixon và quân sư Henry Kissinger, một lý thuyết gia hàng đầu có ảnh hưởng nhất của chủ thuyết hiện thực.

Khi nước Mỹ đã chán ngán với cuộc chiến ở Việt Nam do những Tổng thống của đảng Dân chủ (Kennedy, Johnson) khởi xướng, họ bầu một Tổng thống đảng Cộng hoà (Nixon) để xóa sổ các cam kết cũ với đồng minh, bắt đầu chiến dịch rút khỏi Việt Nam trong danh dự. Tổng thống Nixon đã hoàn thành nhiệm vụ rút khỏi Việt Nam như ông đã hứa với cử tri Mỹ từ khi vận động tranh cử vào Nhà trắng những năm 1966-1967.

Để phục hồi uy tín đạo đức của chính trường Mỹ sau những vụ bê bối thao túng quyền lực của ông Nixon như vụ Watergate, năm 1977, người dân Mỹ bầu cho một mục sư đảng Dân Chủ vào Nhà trắng là Tổng thống Jimmy Carter. Đang là Thống đốc tiểu bang Georgia và cũng là một mục sư hiền hậu tin vào tính thiện của con người, ông ôn hòa nhân nhượng, chủ trương thương thuyết với những thế lực không thân thiện với Mỹ trên toàn cầu.

Xem Mỹ là con cọp giấy đang co cụm sau khi bị bẽ mặt ở Việt Nam và nước Mỹ đang có một lãnh đạo yếu đuối, chính quyền Iran cuối năm 1979 tấn công chiếm Đại sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Tehran, giam giữ hơn 50 nhân viên sứ quán suốt 444 ngày.

Người dân Mỹ cảm thấy lãnh đạo của họ không được tôn trọng và không giải quyết khủng hoảng một cách mạnh mẽ, quyết liệt, họ cho ông Carter nghỉ việc chỉ sau một nhiệm kỳ và bầu một tổng thống Đảng Cộng hòa là một cựu diễn viên với tính cách mạnh mẽ, khả năng truyền thông cực tốt là Tổng thống Reagan để có thể đối đầu với những “thế lực thù địch”, “ma quỷ” (Evil) trong chiến tranh lạnh với Nga.

Trong 20 năm trở lại đây, Tổng thống Bush trong nhiệm kỳ tám năm (2000 - 2008) đã nghe lời các quân sư hung hăng tham chiến ở Trung Đông, hết Iraq rồi Afghanistan, hết sức hao tốn. Chán ngán với vị Tổng thống này, người dân Mỹ lại quay sang bầu cho một người da màu mới 46 tuổi vào Nhà Trắng, hứa hẹn sẽ dần rút quân khỏi Trung Đông và phục hồi uy tín lý tưởng đạo đức cao thượng truyền thống của Mỹ trên thế giới.

Ông Obama trở thành thần tượng của giới trẻ và giới trí thức. Sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, người dân Mỹ trong phong trào dân túy đòi hỏi một cuộc cách mạng xã hội chính trị với một lãnh đạo mạnh mẽ để đối phó với một thế lực đang lên đe dọa công ăn việc làm của người dân Mỹ và sự thống trị của Mỹ trên toàn cầu.

Ông Trump là người phù hợp với vai trò này và đã được chọn một cách bất ngờ trước một đối thủ là bà Clinton đầy kinh nghiệm, từng trải trên chính trường. Sau bốn năm, ông Trump đã làm được một chuyện lớn là thuyết phục được đa số dân Mỹ và cả hai đảng chính trị của Mỹ rằng Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất của Mỹ và Mỹ phải mạnh tay. Nhưng cũng vì tính khí của ông đã làm cho xã hội Mỹ phân hóa trầm trọng, ông Trump đã không nhận được sự tín nhiệm của cử tri.

Chung mục tiêu, khác cách làm

Dù là đảng Cộng hòa hay Dân chủ, lãnh đạo của Mỹ vẫn đặt quyền lợi của Mỹ trên hết. Có khác biệt chăng là quan điểm về cách làm.

Lãnh đạo đảng Dân chủ có thể lý tưởng hơn, muốn thuyết phục mọi người ai cũng nên giống mình để cùng mục tiêu xây dựng một thế giới đại đồng thịnh vượng hơn, trong đó nước Mỹ được đóng vai trò dẫn đường lãnh đạo một thế giới tự do.

Đảng Cộng hòa cũng vậy. Nhưng họ nhìn chính trường thế giới như một bàn cờ. Đánh cờ thì không thể mơ mộng để cảm tính chi phối. Phải lạnh lùng thí chốt khi cần. Không một chính khách nào ra ứng cử tổng thống mà không hứa với dân là sẽ làm nước Mỹ vĩ đại, không chỉ ông Trump mới hứa “Make America Great Again”.

Một mẫu số chung thứ hai là quyền lợi kinh tế của doanh nghiệp Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ qua các hiệp hội của họ có tấc động rất mạnh đến các chính khách của họ. Có thời có người đã từng nói “GM là nước Mỹ, nước Mỹ là GM.”

GM là Công ty sản xuất ô tô General Motors, một thời là hình ảnh tiêu biểu của Mỹ, giống như Coca-Cola. Mối nguy của Trung Quốc đã từng được các chiến lược gia của Hoa Kỳ cảnh báo từ 20 năm trước. Nhưng rồi nước Mỹ bị kéo vào những cuộc chiến ở Trung Đông nên đã xao lãng. Hơn thế nữa lúc đó các doanh nghiệp của Mỹ vẫn còn đang hồ hởi muốn làm ăn với Trung Quốc, đang còn mơ rằng “chỉ cần bán được cho mỗi người dân Trung Quốc một cái tăm là cũng đã đủ giàu rồi.”

Bởi vậy, lãnh đạo chiến lược của Mỹ cũng đành phải nhân nhượng để cho doanh nghiệp Mỹ còn có đất làm ăn ở Trung Quốc. Cho đến một ngày, khi doanh nghiệp Mỹ thấy làm ăn ở Trung Quốc khó quá, không được đối xử công bằng, thì người dân Mỹ lại tìm ra được một người như ông Trump để xử lý công việc.

Nước Mỹ được xây dựng trên một nền hiến pháp vững chắc, có khả năng linh hoạt, sáng tạo, trên tinh thần “từ dân vì dân và do dân”. Cho nên xã hội Mỹ có một sức tái tạo phục hồi rất mạnh và nhanh để vượt qua các khủng hoảng.

Khủng hoảng tài chính từ những năm 2007-2008 đã làm cho đất nước cờ hoa tưởng như chao đảo tận gốc nhưng đã dần phục hồi mạnh mẽ. Nước Mỹ vừa đi qua bốn năm xã hội phân hóa, uy tín của Mỹ trên chính trường thế giới bị suy giảm trầm trọng.

Nhưng đây cũng chỉ là một chu kỳ điều chỉnh tự nhiên. Mỹ với sức bật bẩm sinh (tư duy thực tiễn, mặc dù có mơ mộng đây đó nhưng khi thấy sai là sửa) sẽ vươn lên xứng đáng với vai trò, vị trí của nó trên thế giới.