|
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ trong cuộc tập trận chung giữa quân đội Israel và Mỹ. Ảnh: AFP. |
Vào cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ gửi thêm tên lửa phòng không Patriot sản xuất tại Mỹ cho Ukraine, Đức đã bất ngờ rút lại cam kết tương tự, viện dẫn lý do "không còn đủ hệ thống để gửi".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với tờ Financial Times cuối tuần qua rằng Berlin không thể tiếp tục viện trợ hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine do thiếu hụt nghiêm trọng số lượng còn khả dụng.
Ông cho biết, ban đầu Đức có 12 tổ hợp Patriot, trong đó 3 tổ hợp đã được gửi đến Kiev. Hai tổ hợp khác đang được cho Ba Lan thuê, và ít nhất một tổ hợp đang trong quá trình bảo trì.
Ông Pistorius nhấn mạnh rằng, cũng giống như Tổng thống Trump đã nói về kho dự trữ của Mỹ, nước Đức phải ưu tiên bảo vệ không phận của chính mình.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã bất ngờ đổi ý hôm 13/7 vừa qua, thông báo rằng một số lượng chưa được tiết lộ các tên lửa Patriot sẽ được chuyển tới Ukraine. Ông Trump nói với các phóng viên tại Căn cứ Andrews, bang Maryland: “Chúng tôi sẽ không phải trả gì cả. Nhưng chúng tôi sẽ gửi Patriot cho Ukraine – điều mà họ đang rất cần”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Pistorius cho biết ông sẽ nối lại đàm phán với Bộ Quốc phòng Mỹ về việc mua thêm 2 hệ thống Patriot nữa. Nếu thương vụ thành công, số vũ khí này có thể được điều động đến Ukraine.
Về phía tên lửa hành trình Taurus – loại vũ khí tầm xa mà Ukraine đã nhiều lần yêu cầu – Đức vẫn từ chối cung cấp. Lý do được đưa ra là lo ngại rủi ro chính trị nếu Kiev sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Thay vào đó, Đức tuyên bố sẽ tài trợ cho việc sản xuất hàng trăm loại vũ khí tương tự, có khả năng tấn công vào sâu phía sau chiến tuyến Nga. Theo hãng truyền thông ZDF, những hệ thống vũ khí này dự kiến sẽ được chuyển giao cho Ukraine trước cuối tháng 7.