Vén bức màn về nhà máy khổng lồ Trung Quốc khoe sản xuất tiêm kích J-35 như lắp smartphone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) mới đây “vô tình” hé lộ hình ảnh một nhà máy mới rộng tới 270.000 m² của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương đã khiến giới quân sự quốc tế xôn xao.

Toàn cảnh nhà máy mới rộng 270.000 mét vuông của Thẩm Phi được cho là dùng để sản xuất tiêm kích J-35. Ảnh: Guancha.
Toàn cảnh nhà máy mới rộng 270.000 mét vuông của Thẩm Phi được cho là dùng để sản xuất tiêm kích J-35. Ảnh: Guancha.

Với quy mô nhà xưởng lớn như vậy, công suất sản xuất J-35 - tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương (hay Shenyang Aircraft Corporation, gọi tắt là Thẩm Phi) có thể đạt tới 100 chiếc mỗi năm. Đây được cho là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sắp có bước đột phá lớn trong ngành công nghiệp máy bay chiến đấu, thậm chí có thể thay đổi cục diện không chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.

Hai phien ban J-35.png
Hai phiên bản tiêm kích J-35 loại dùng cho tàu sân bay (trên) và cho Không quân (dưới). Ảnh: Guancha.

Nhà máy J-35 sẽ hoạt động vào cuối năm nay

Theo các trang tin Guancha, QQnews dẫn các nguồn thông tin công khai, nhà máy mới của Thẩm Phi tọa lạc tại "Thành phố Hàng không Vũ trụ Thẩm Dương", với tổng diện tích xây dựng lên tới 270.000 m² – gần tương đương nhà máy lắp ráp F-35 của Lockheed Martin tại Mỹ.

Bên trong nhà máy được trang bị trung tâm gia công vật liệu composite, trung tâm gia công hợp kim titan và cơ sở sản xuất theo công nghệ in 3D tiên tiến, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động từ cuối năm 2025. Nhà máy này sẽ chuyên dùng để sản xuất tiêm kích tàng hình J-35 thế hệ 5, trong khi các dòng máy bay như J-15 và J-16 sẽ vẫn được sản xuất ở các nhà xưởng hiện có. Khi nhà máy đi vào hoạt động đầy đủ, năng lực sản xuất của Thẩm Phi sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

Tiêm kích J-35 là dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, có khả năng tàng hình cao và đa nhiệm trong chiến đấu. Việc J-35 thường xuyên xuất hiện gần đây cho thấy nó đã bước vào giai đoạn sản xuất thử nghiệm quy mô nhỏ, và nhiều khả năng sẽ sớm được sản xuất hàng loạt trong thời gian tới.

Phgan xuong trung tam.png
Phân xưởng chính có chiều dài tới 750 mét. Ảnh: Guancha.

Giới chuyên môn cho rằng, sự xuất hiện của J-35 khiến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ sở hữu cùng lúc hai dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 – một bước tiến lớn trong việc nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc.

Trong khi đó, mô hình sản xuất của tiêm kích F-35 của Mỹ lại phức tạp hơn, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều nhà máy lắp ráp đặt tại các nước khác như Nhật Bản, Italy... Nhà máy chính tại Fort Worth, Texas rộng khoảng 278.000 m², có công suất tối đa 180 chiếc/năm. Tuy nhiên, sản lượng thực tế của năm 2024 chỉ ước tính đạt khoảng 130 chiếc.

Với việc nhà máy mới của Thẩm Phi sắp đi vào hoạt động, tổng sản lượng máy bay tiêm kích hàng năm của Trung Quốc có thể vượt mốc 300 chiếc, và khả năng vượt qua Mỹ là rất cao.

Se dat cac day chuyen J-35.png
Dây chuyền sản xuất F-35 trong nhà máy chính của Lockheed Martin ở Texas.
Ảnh: Guancha.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong ngành công nghiệp quốc phòng không chỉ là cuộc đua về số lượng. Trong khi Mỹ đang dồn lực vào các lĩnh vực như UAV, vũ khí siêu vượt âm và công nghệ không gian, thì Trung Quốc vẫn đang tăng tốc trong mảng máy bay chiến đấu truyền thống.

Sự khác biệt về ưu tiên chiến lược, hiệu quả sản xuất và năng lực công nghệ của hai nước sẽ tiếp tục tác động sâu sắc tới cục diện quân sự toàn cầu trong tương lai.

Việc Trung Quốc đưa vào hoạt động nhà máy mới của Thẩm Phi chắc chắn là một cột mốc quan trọng trong ngành công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu cục diện sản xuất máy bay chiến đấu giữa Mỹ và Trung có thật sự “đảo chiều” hay không, vẫn cần quan sát trong thời gian dài sắp tới.

Trong tương lai, khi cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng tiếp tục leo thang, cuộc chơi này sẽ mang lại nhiều biến số mới cho trật tự quốc tế.

Ban do.png
Bản đồ quy hoạch nhà máy mới của Thẩm Phi. Ảnh: Guancha.

Trung Quốc sẽ chế tạo chiến đấu cơ như sản xuất điện thoại di động

Ngày 8/7, kênh Thời sự CCTV đã đến thăm Thẩm Phi (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc – AVIC), phỏng vấn Viện sĩ Viện Công nghệ Trung Quốc, Tổng công trình sư tiêm kích hạm thế hệ mới – ông Tôn Thông , hiện là Phó Tổng công trình sư của AVIC.

Trong cuộc phỏng vấn, Viện sĩ Tôn Thông đề cập đến một khái niệm mang tính cách mạng: "Trong tương lai, chúng ta phải chế tạo chiến đấu cơ như sản xuất điện thoại di động, hiện thực hóa việc nhanh chóng nâng cấp, thay thế thế hệ. Trước kia phải mất hơn 20 năm mới thay được một thế hệ máy bay, còn trong tương lai có thể chỉ mất 5 năm là có một thế hệ mới".

Theo hình ảnh vệ tinh và báo chí mô tả, xưởng này có chiều dài trên 750 mét, cực kỳ đồ sộ, rất có thể đây chính là trung tâm sản xuất máy bay thế hệ mới – theo cách "giống như lắp ráp điện thoại".

Ton Thong va pv.png
Viện sĩ Tôn Thông (trái) trao đổi với phóng viên CCTV. Ảnh: Guancha/CCTV.

Câu nói của Viện sĩ Tôn Thông “Sản xuất tiêm kích như làm điện thoại” được cho là có hai lớp nghĩa.

Thứ nhất, nâng cấp nhanh – thế hệ hóa nhanh. Tương tự ngành công nghiệp smartphone, chiến đấu cơ trong tương lai sẽ có khả năng liên tục cập nhật phần mềm, nâng cấp phần cứng module, nhờ hệ thống máy tính nhiệm vụ tích hợp cao cấp, cấu trúc điện tử hàng không mở (open architecture) và chuẩn hóa giao diện và giao thức truyền thông, cho phép nâng cấp dễ dàng như…update phiên bản smartphone.

So với trước đây, mỗi thế hệ chiến đấu cơ như F-15 Mỹ hay Su-27 Nga cần tới 15–25 năm từ ý tưởng tới trang bị, thì nay tốc độ phát triển sẽ rút ngắn xuống chỉ còn vài năm.

Thứ hai, sản xuất hàng loạt – như dây chuyền smartphone. Tương tự như Foxconn sản xuất hàng chục triệu điện thoại mỗi năm với mô hình lắp ráp dây chuyền tự động, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa từng thao tác lắp ráp; ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc cũng đang tiến tới mức độ đó.

Ví dụ, trong các nhà máy hiện đại như ở Thẩm Phi, dây chuyền sản xuất kiểu "nhịp bước" (pulsed-line) đã được áp dụng cho cả tiêm kích chiến thuật lẫn máy bay chiến lược.

Ben trong nha may.png
Bên trong phân xưởng chính của nhà máy mới Thẩm Phi, các thiết bị đang được lắp đặt. Ảnh: QQnews.

Hiện nay Thẩm Phi đang cùng lúc đảm nhận hàng loạt nhiệm vụ: vẫn tiếp tục sản xuất J-16 và J-16D, dòng J-15 mới (J-15T, J-15D, J-15TD) cung cấp cho ít nhất 4 tàu sân bay.

Đối với dòng tiêm kích thế hệ 5 J-35 và J-35A: Không quân muốn trang bị đại trà, Hải quân dùng làm tiêm kích hạm thế hệ mới và dự kiến còn có hợp đồng xuất khẩu.

Tiếp đó sẽ là tiêm kích thế hệ thứ 6 mới, đi kèm máy bay trợ thủ trung thành (loyal wingman), sản lượng sẽ cực kỳ lớn. Truyền thông Trung Quốc lạc quan cho rằng, viễn cảnh Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lực sản xuất tiêm kích và máy bay dân dụng, không còn là mơ ước xa vời, “giấc mơ công nghiệp hàng không Trung Hoa đang trở thành sự thật”…