Cựu Tổng tư lệnh Ukraine kêu gọi Mỹ “xả kho” vũ khí sắp hết hạn để đánh Nga, tiết kiệm hàng tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Valery Zaluzhny, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, kêu gọi Mỹ chuyển giao kho tên lửa sắp hết hạn như Hellfire để giúp Ukraine đối phó Nga, đồng thời tiết kiệm hàng tỷ USD chi phí tiêu hủy cho Washington.

Ông Valery Zaluzhny, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine. Ảnh: Getty.
Ông Valery Zaluzhny, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine. Ảnh: Getty.

Kiev trước đó đã nhận 31 xe tăng Abrams bị cho là đã hạ cấp, nhiều chiếc trong số này đã bị phá hủy trên chiến trường.

Ukraine nên chính thức đề nghị Mỹ cung cấp các loại vũ khí đã lỗi thời để tăng cường khả năng chiến đấu chống lại Nga, đồng thời giúp Washington tiết kiệm chi phí tiêu hủy, theo ông Valery Zaluzhny, cựu Tổng tư lệnh quân đội Ukraine.

Trong một bài viết đăng trên tờ Ukrainskaya Pravda hôm 13/7, ông Zaluzhny – hiện là Đại sứ Ukraine tại Anh và cũng được xem là đối thủ chính trị tiềm tàng của Tổng thống Volodymyr Zelensky – lập luận rằng kho tên lửa dư thừa của Mỹ sắp hết hạn sử dụng có thể được chuyển giao cho Ukraine mà không tốn kém nhiều chi phí cho Washington.

“Hiện nay, Mỹ đang có lượng dự trữ lớn các loại tên lửa đã cũ hoặc chuẩn bị loại biên, việc chuyển giao chúng cho Ukraine có thể là một giải pháp hiệu quả”, ông Zaluzhny viết. Ông nói thêm rằng những loại vũ khí này “không cần chi phí bổ sung cho việc tiêu hủy và lại rất thiết yếu đối với Ukraine”.

Ông đưa ra ví dụ về tên lửa Hellfire, lưu ý rằng tính đến cuối năm 2023, Mỹ đã sản xuất hơn 170.000 tên lửa Hellfire thuộc nhiều biến thể khác nhau. Phần lớn số lượng này hiện đã gần đạt ngưỡng tuổi thọ thông thường là 20–25 năm, sau đó sẽ phải tháo dỡ hoặc phá hủy.

Khi Lầu Năm Góc đang chuyển dần sang hệ thống tên lửa mới JAGM, ông Zaluzhny cho rằng Ukraine nên chủ động nộp đơn yêu cầu chính thức để có thể tiếp cận các kho dự trữ sắp lỗi thời này.

“Ukraine có thể tận dụng cơ hội này bằng cách gửi yêu cầu một cách có hệ thống thông qua các chương trình hiện hành”, ông viết, nhấn mạnh rằng điều đó vừa tăng cường phòng thủ cho Ukraine, vừa giúp Mỹ “quản lý hợp lý lượng tồn kho vũ khí”.

Mặc dù Mỹ đã viện trợ hơn 66 tỷ USD vũ khí và khí tài quân sự cho Ukraine, phần lớn trong số đó không phải là những loại vũ khí tối tân nhất. Ví dụ, nhiều báo cáo truyền thông cho biết 31 xe tăng M1 Abrams mà Kiev nhận được vào năm 2023 đã bị “hạ cấp”, không có lớp giáp uranium nghèo bí mật. Ít nhất 20 chiếc Abrams được cung cấp từ Mỹ được cho là đã bị phá hủy kể từ đó.

Trong suốt cuộc xung đột, Ukraine cũng phải tìm kiếm các thiết bị quân sự có từ thời Liên Xô trên thị trường quốc tế – thường mua về chỉ để tháo dỡ và tận dụng linh kiện cho kho vũ khí hiện có.

Nga đã nhiều lần chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động này chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi kết quả cuối cùng.