Chưa cần giãn cách xã hội khi đã đủ năng lực xét nghiệm và truy vết

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lan nhanh trên hơn 26 tỉnh thành. Nhiều BV tuyến đầu tại Hà Nội phải phong tỏa. Liệu chúng ta có cần giãn cách xã hội để xử lý triệt để dịch bệnh?
Xét nghiệm khẳng định COVID-19. Ảnh: BYT
Xét nghiệm khẳng định COVID-19. Ảnh: BYT

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên cách ly trên diện rộng, thậm chí cách ly toàn xã hội để cùng nhau phòng chống dịch thay vì cách ly từng nơi, khoanh vùng dập dịch như hiện nay. Vì dịch bệnh COVID-19 không phải biểu hiện trong vòng 1 – 2 ngày mà mất một thời gian dài người mắc mới có những dấu hiệu sốt, ho,… thậm chí hoàn toàn không có dấu hiệu nào.

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Khi nói đến giãn cách xã hội thì chúng ta phải xem xét đến năng lực xét nghiệm, truy vết. Nếu đủ cả 2 năng lực này thì có thể đảm bảo vừa truy vết vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế".

"Tình hình hiện tại cho thấy chưa đến mức phải cách ly trên diện rộng. Chúng ta đã đón đầu được dịch, các tỉnh chưa có dịch thì tăng cường giám sát, các tỉnh có dịch thì khoanh vùng xử lý. Với các tỉnh, thành phố có dịch, có nguy cơ bùng phát dịch, chúng ta đã cấm một số loại hình kinh doanh. Đây cũng là một hình thức giãn cách hiệu quả vừa đảm bảo không để kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề" - BS Khanh nói.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh (BV Nhi đồng 1, TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình

Theo bác sĩ Khanh, tinh thần tuân thủ, cùng chống dịch rất quan trọng, tác động nhiều đến việc có cần giãn cách xã hội hay không. Mọi người dân, tổ chức cần tuân thủ tốt tiêu chí 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế). Nếu không tuân thủ thì phải xử phạt làm gương, việc xử phạt phải công minh. Những hành vi tới những nơi có nguy cơ cần xử phạt ngay và nghiêm khắc.

Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) cho rằng giãn cách xã hội ảnh hưởng đến kinh tế rất nhiều, thậm chí tác động đến tâm lý người dân. Hiện tại chúng ta có chưa đến một nửa số tỉnh thành trên cả nước có ca nhiễm, các tỉnh còn lại vẫn đang phòng ngừa và kiểm soát dịch nên chưa cần phải giãn cách xã hội trên diện rộng.

Chúng ta vẫn đang truy tìm F0 trong cộng đồng, nhưng không đồng nghĩa với việc phải giãn cách, đóng cửa tất cả, nhất là khi đã đảm bảo năng lực xét nghiệm, đón đầu dịch, cộng đồng chung tay phòng chống.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D (BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM) - Ảnh: Hoà Bình

“Diễn tiến sắp tới chưa thể nói trước, tùy tình hình, Chính phủ và các tỉnh, thành phố sẽ có chỉ đạo phù hợp. Chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng, có những phương án về nhân lực, vật lực, trang thiết bị,… để đáp ứng kịp thời” - Bác sĩ Phong cho hay.

Riêng tại TP.HCM, nơi đông dân, đầu nối nhiều nền kinh tế trong và ngoài nước, đứng trước nguy cơ dịch bệnh, thành phố đã ra nhiều yêu cầu xác đáng, kịp thời: tạm dừng tiệc cưới, hội nghị, không tập trung quá 30 người, mang khẩu trang, tiêm vaccine cho nhân viên y tế,… Các cuộc họp phòng chống dịch COVID-19 được tổ chức liên tục để đề ra giải pháp quyết định ở từng thời điểm.

Đồng thực hiện các giải pháp, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Theo chỉ đạo từ Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Quốc gia và Bộ Y tế trước tình hình một số BV phía Bắc bị phong tỏa, cách ly, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo xét nghiệm thần tốc COVID-19 trong các BV trên địa bàn TP.HCM cho nhân viên, bệnh nhân và người nhà”. Đến sáng ngày 13/5, các đơn vị xét nghiệm tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho các BV còn lại.

Nhân viên y tế tại BV Ung Bướu được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19. Ảnh: TS.BS Diệp Bảo Tuấn

Nhân viên y tế tại BV Ung Bướu được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19. Ảnh: TS.BS Diệp Bảo Tuấn

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã công bố 24 đơn vị trên địa bàn TP được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR.

Sáng 13/5, Bộ Y tế cho biết ngày 16/5 sẽ có thêm 1,682 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZenceca được cơ chế Covax facility chuyển giao cho Việt Nam (Covax facility là cơ chế do Liên Hợp Quốc thành lập nhằm đảm bảo công bằng vaccine cho các nước nghèo). Nguồn vaccine này sẽ được phân bổ cho tất cả các địa phương để tiêm chủng phòng chống COVID-19.

Ngày 8/3/2021, Việt Nam bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho nhân viên y tế, người lấy mẫu bệnh phẩm, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Tính đến hết ngày 12/5, cả nước có 62 tỉnh, thành phố tiêm chủng với 942.030 mũi tiêm.