Chọn lựa chiến lược "miễn dịch cộng đồng", Anh biết gì về virus corona mà phần còn lại của châu Âu không biết?

VietTimes -- Chiến lược dùng miễn dịch cộng đồng (herd immunity) để ngăn chặn đại dịch Covid-19 của Anh, được Thủ tướng Boris Johnson công bố mới đây, hiện đang gây nhiều tranh cãi và đi ngược với toàn bộ châu Âu.
Chiến lược chặn dịch COVID-19 của Thủ tướng Anh Boris Johnson gây nhiều tranh cãi (Ảnh: The Sun)
Chiến lược chặn dịch COVID-19 của Thủ tướng Anh Boris Johnson gây nhiều tranh cãi (Ảnh: The Sun)

Được ủng hộ bởi một số nhà khoa học và cố vấn y tế hàng đầu của nước Anh, Thủ tướng Johnson mới đây công bố chính phủ của ông sẽ bắt đầu giai đoạn "trì hoãn" trong kế hoạch ngăn chặn dịch COVID-19, và cảnh báo người dân Anh rằng họ sắp đối mặt với "cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế hệ" và có nên chuẩn bị tinh thần trong trường hợp "mất đi người thân".

Và khi phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ như vậy, Anh có áp dụng các biện pháp phòng dịch như các nước bị ảnh hưởng khác? Câu trả lời là không, ít nhất trong thời điểm hiện tại.

Chính phủ Anh liên tục nói rằng họ không tin là việc cấm tụ họp ở nơi công cộng hay đóng cửa trường học - như Italy, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã làm - là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.

Đó là một thực tế bất chấp các đảo quốc thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh, gồm Cộng hòa Ireland và Scotland áp dụng các biện pháp tương tự như châu Âu.

Dưới sức ép phải áp dụng các biện pháp giống như với các nước EU, chính phủ Anh cuối cùng phải tuyên bố rằng họ sẽ công bố lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn.

"Các Bộ trưởng đang làm việc cùng trưởng cố vấn khoa học và quan chức y tế cấp cao để đưa ra kế hoạch cấm nhiều loại sự kiện cộng đồng, trong đó có tụ họp đông người nơi công cộng, bắt đầu từ tuần tới" - chính phủ Anh nói trong một tuyên bố.

Lý do mà Anh không áp dụng biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội (social distancing) dường như xuất phát từ dự báo của chính phủ rằng đại dịch có thể chưa đạt đỉnh trong vòng 14 tuần tính từ thời điểm hiện tại - và rằng người dân không sẵn lòng thay đổi nhịp sống thường nhật mà tuân thủ các biện pháp mới trong vòng 3 tháng liền, bởi vậy khó có thể áp dụng các biện pháp mạnh tay để chống dịch virus corona.

Khuyến cáo mà chính phủ Anh đưa ra với người dân là tự cách ly trong vòng 7 ngày nếu xuất hiện triệu chứng ho hoặc thân nhiệt cao, và tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay và vệ sinh các bề mặt mà họ hay chạm vào.

Các Bộ trưởng trong nội các Anh tuyên bố rằng quyết định của họ là hoàn toàn dựa trên khoa học thuần túy. Theo họ, sẽ là điều tốt cho cả đất nước khi người dân phát triển "miễn dịch cộng đồng" đối với virus corona chủng mới. Nói ngắn gọn, chính phủ Anh muốn một bộ phận người dân Anh nhiễm COVID-19, tự phát triển miễn dịch.

Trưởng cố vấn khoa học Anh Patrick Vallance nói về chiến lược phát triển
Trưởng cố vấn khoa học Anh Patrick Vallance nói về chiến lược phát triển "miễn dịch cộng đồng" của chính phủ (Ảnh: The Scottish Sun)

Hướng tiếp cận này lập tức làm dấy lên các luồng ý kiến trái chiều trong cộng đồng y khoa. Một số chuyên gia nói ông Johnson chưa hiểu rõ về tình trạng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, trong khi số khác lại ngợi khen chính phủ Anh vì các biện pháp này, bất chấp sức ép phải làm giống như phần còn lại của châu Âu.

Trong hôm thứ Sáu vừa qua, thời điểm mà số ca nhiễm virus corona ở Anh đang ở mức 798, 10 ca tử vong; ông Patrick Vallance - trưởng cố vấn khoa học của chính phủ Anh - tuyên bố rằng có khả năng 5.000 - 10.000 người Anh đã bị nhiễm bệnh, và trong lúc khả năng xét nghiệm chỉ ở mức 10.000 người/ngày, con số người nhiễm chắc chắn sẽ tăng.

Cảnh báo từ cộng đồng y khoa

Các nhà khoa học làm việc cho chính phủ Anh nói rằng họ nhận ra virus corona thường chỉ gây ra một số triệu chứng nhẹ ban đầu, chứ không phải các triệu chứng rõ rệt, kéo dài khoảng 5 ngày. Nhưng đối với người già và người bị bệnh, căn bệnh COVID-19 còn có giai đoạn hai, gây ra một phản ứng miễn dịch ở người và có thể dẫn tới tử vong.

Các chuyên gia hy vọng rằng kế hoạch chặn dịch mới của Anh sẽ kéo dài được đỉnh dịch qua thời điểm kết thúc mùa cúm vào tháng 4 và tới mùa Hè, khi mà các bệnh viện ở nước này đỡ quá tải hơn.

Nhưng nhiều chuyên gia trong cộng đồng y tế thế giới lại không đồng tình với chiến lược của chính phủ Anh. Nhiều y bác sĩ đang trên tiền tuyến chống dịch COVID-19 cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang y tế, như từng diễn ra ở Italy và Trung Quốc trong giai đoạn cao điểm, và nói rằng một khi đội ngũ y tế nhiễm virus corona, Anh sẽ thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm.

Tiến sĩ Richard Horton, Chủ biên tạp chí y khoa The Lancet (Ảnh: Haarets)
Tiến sĩ Richard Horton, Chủ biên tạp chí y khoa The Lancet (Ảnh: Haarets)

Chủ biên Tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet cũng chỉ trích các ứng phó của chính phủ Anh. "Để tránh một cuộc khủng hoảng không thể kiềm chế ở Anh, chúng ta cần phải thành thực về điều có thể xảy ra trong những tuần sắp tới. Chúng ta cần tăng cường khả năng điều trị tích cực. NHS (Bộ Y tế Anh) rõ ràng chưa được chuẩn bị tốt" - ông Richard Horton viết trên Twitter.

"Tôi không phải người gieo hoang mang. Nhưng những gì đang diễn ra ở Italy là thực tế. Chính phủ của chúng ta không chuẩn bị cho thực tế đó. Chúng ta cần lập tức áp dụng biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội và đóng cửa một số cơ sở (như trường học)" - ông Horton nói thêm.

Canh bạc chính trị

Người dân Anh căng mình trong bối cảnh dịch do virus corona lan rộng (Ảnh: Metro)
Người dân Anh căng mình trong bối cảnh dịch do virus corona lan rộng (Ảnh: Metro)

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã lên tiếng ủng hộ các biện pháp của chính phủ Anh.

"Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng tôi không phải người hâm mộ ông Boris Johnson. Nhưng tôi khá ấn tượng về việc, không giống như các lãnh đạo chính trị khác vốn chịu sức ép phải đưa ra các biện pháp tương tự như đóng cửa trường học - điều mà chúng ta chưa hề có bằng chứng là sẽ có hiệu quả - ông Johnson nhìn nhận vào bằng chứng thực tế" - Tiến sĩ Clare Wenham, Giáo sư chuyên ngành chính sách y tế toàn cầu tại ĐH Kinh tế London, nói.

"Ông ấy không làm giống như (Tổng thống Mỹ) Trump và đóng cửa biên giới, điều mà chúng ta đều biết là sẽ không hiệu quả. Ông ấy đưa ra một hướng tiếp cận có tính toán - nhưng đúng, đó là một canh bạc" - bà Wehnham nói.

Bà Wenham tin tưởng rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ Anh là tránh gây hoang mang dư luận trong bối cảnh đại dịch virus corona, và đảm bảo rằng người dân tuân thủ các biện pháp ngăn chặn.

"Đó là một canh bạc chính trị. Nhất là khi tất cả các quốc gia đóng cửa trường học, cấm di chuyển, cấm tụ họp đông người và nhận thấy tỷ lệ số ca nhiễm giảm, trong khi tỷ lệ đó ở Anh lại tăng - đó là một canh bạc" - bà Wenham nói.

"Ví dụ chúng ta biết rằng đóng cửa trường học có hiệu quả vào thời điểm dịch cúm bởi trẻ em rất dễ lây cúm, nhưng lại không biết biện pháp này có tác dụng với dịch virus corona hay không. Bởi vậy, ý tôi là chính phủ Anh đang muốn nói rằng: "Chúng ta chưa rõ liệu trẻ em có phải đối tượng siêu lây nhiễm hay không. Vậy tại sao phải đưa ra các biện pháp làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân?"" - bà Wenham nói.

Keith Neal, Giáo sư danh dự chuyên ngành bệnh dịch học và bệnh truyền nhiễm tại ĐH Nottingham, cũng khẳng định rằng ông ủng hộ cách làm của chính phủ Anh.

"Đây là các kế hoạch có tính toán cẩn thận. Nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm thì dễ quá ai cũng nói được, chứ ra bất cứ quyết định nào lúc này cũng đều khó vì có quá ít bằng chứng." - ông nói.