|
Chiến thuật bầy drone có thể giúp Mỹ đánh bật đòn tấn công của Trung Quốc (Ảnh: DailyGuardian) |
Không quân Mỹ đã phối hợp với một số hãng phân tích để thực hiện nhiều tình huống giả định, và cho thấy tính hiệu quả của chiến thuật sử dụng drone với số lượng lớn để bảo vệ Đài Loan trước một đòn tấn công của Trung Quốc.
David Ochmanek, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng đến từ hãng RAND Corporation, trong một cuộc thảo luận trực tuyến hồi tuần trước đã đưa ra một viễn cảnh mà trong đó các lực lượng Mỹ và đồng minh phản ứng trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan. “Mỹ và các lực lượng đồng minh chỉ có một tuần cho đến 10 ngày để đánh bại đòn tấn công này hoặc sẽ phải chấp nhận sự đã rồi”, ông nói.
|
Binh sĩ Đài Loan ngồi trên xe thiết giáp trong một cuộc diễu binh ở Đài Bắc (Ảnh: AFP) |
Ông Ochmanek nhắc tới các tình huống giả định mà Văn phòng Khả năng tích hợp không chiến của Không quân Mỹ (AFWIC) và RAND đã phối hợp thực hiện trong năm 2020, cho thấy việc triển khai bầy drone nhờ sử dụng mạng lưới chia sẻ dữ liệu laser là quan trọng trong việc đảm bảo thắng lợi của Mỹ.
Phương thức này sử dụng tia laser để truyền tải và thu nhận dữ liệu giữa các drone, giúp cho các drone có khả năng tự hành, chia sẻ dữ liệu mục tiêu và dữ liệu bay một cách liên tục và tự động.
Chiến thuật này có thể đánh bại chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mà Trung Quốc có thể áp dụng để ngăn cản Mỹ can thiệp. Chiến thuật này bao gồm triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, các vũ khí chống vệ tinh, mạng lưới phòng không tích hợp dày đặc và máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Ông Ochmanek mô tả một vài cách mà bầy drone có thể mang lại lợi thế cho phía Mỹ và Đài Loan, nhấn mạnh rằng chúng có thể được triển khai cùng với các nền tảng máy bay tàng hình có người lái như F-35 và F-22 để tấn công các chiến hạm, máy bay và hệ thống tên lửa của Trung Quốc.
Các drone này có thể hình thành nên một lớp màn chắn đầy rẫy “chim mồi” để che chắn cho máy bay tàng hình có người lái, tăng cường khả năng của bộ cảm ứng trên máy bay có người lái và cho phép chúng né tránh được sự phát hiện của địch thủ.
Các drone được kết nối sẽ làm tăng đáng kể sự nhận thức tình huống và khả năng tiếp nhận mục tiêu của các chiến đấu cơ có người lái, trong khi gây quá tải cho các hệ thống radar của địch thủ do phải tiếp nhận quá nhiều mục tiêu cùng lúc, buộc chúng phải lãng phí tên lửa và đạn dược để tiêu diệt “chim mồi”.
|
Các tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26 của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua) |
Ông Ochmanek cũng nhắc tới trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, hai công nghệ cho phép bầy drone khả năng quan sát mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau, kiểm tra chéo các luồng dữ liệu khác nhau và đưa ra cách tốt nhất để tấn công một mục tiêu nhất định.
Nhưng ngoài những lợi thế đó, ông Ochmanek cũng nêu quan ngại về vấn đề công nghệ, chỉ ra những rủi ro như sức mạnh tác chiến điện tử của Nga và Trung Quốc, tấn công mạng… Trước đó, trong các cuộc giả định được thực hiện vào tháng 10/2020, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến ngăn chặn đòn tấn công của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.
Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work từng tuyên bố công khai rằng, trong cuộc giả định thực tế nhất về trường hợp Đài Loan bị tấn công, Mỹ đã để thất bại trước Trung Quốc với tỷ số 0-18. Những thất bại này cho thấy chiến thuật A2/AD của Trung Quốc đã phát triển đến một mức độ mà Mỹ không thể nhanh chóng chiếm được ưu thế trên không, trên biển và trên không gian nữa.
Theo AsiaTimes