Chiến sự Nga-Ukraine: 5 vấn đề định đoạt cục diện của cuộc chiến hiện tại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi quân đội Ukraine rút khỏi Lysychansk, thành phố cuối cùng do Ukraine kiểm soát ở Luhansk hôm 2/7, Nga đã chính thức nắm quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh này; Donetsk, một tỉnh khác trong vùng Donbass, sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Quân đội Nga hôm 2/7 đã hoàn toàn kiểm soát Lysychansk, thành phố cuối cùng ở tỉnh Lugansk (Ảnh: HK01)
Quân đội Nga hôm 2/7 đã hoàn toàn kiểm soát Lysychansk, thành phố cuối cùng ở tỉnh Lugansk (Ảnh: HK01)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/7 tuyên bố quân đội Nga đã giành được thắng lợi, các binh sĩ tham chiến ở Lugansk nên được nghỉ ngơi thật tốt để nâng cao sức chiến đấu. Cùng ngày, sau khi quân Nga rút đi, quân đội Ukraine đã đổ bộ lên Đảo Rắn, một hòn đảo trọng yếu ở rìa phía tây của Biển Đen, treo lại cờ Ukraine trên đảo.

Giữa được và mất, cuộc chiến ở Ukraine sẽ đi về đâu? Dưới đây là 5 vấn đề chính trong cuộc chiến hiện nay.

Thứ nhất, tốc độ tiến quân của Nga ở Donetsk

Trước hết, sau khi chiếm được Lysychansk, quân Nga ở Lugansk và Donetsk do Nga kiểm soát sẽ lần lượt tiến về phía nam và phía tây như dự kiến, áp sát một số cứ điểm trọng yếu do Ukraine kiểm soát. Đầu tiên sẽ là Slovyansk ở tây bắc Donetsk và Bakhmut, một đầu mối giao thông quan trọng ở phía bắc Donetsk.

Slovyansk trước đó đã bị quân Nga tấn công từ Izyum và Lyman ở phía nam; nếu Slovyansk thất thủ, một thành phố khác kề ngay phía nam là Kramatorsk sẽ lập tức bị đe dọa.

Bakhmut đã phải đối mặt với sức ép của quân đội Nga ở phía đông, chiến tuyến của Nga chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, sau khi Lysychansk thất thủ, quân đội Nga cũng sẽ thọc vào Bakhmut từ phía bắc dọc theo xa lộ T1302 chạy qua hai thành phố.

Ba thành phố trọng yếu ở Donetsk (tô đậm màu xanh lam) đang bị Quân đội Nga uy hiếp (Ảnh: ISW).

Ba thành phố trọng yếu ở Donetsk (tô đậm màu xanh lam) đang bị Quân đội Nga uy hiếp (Ảnh: ISW).

Khi Slovyansk, Kramatorsk và Bakhmut đều rơi vào tay Nga, phía Ukraine sẽ mất hết quyền kiểm soát các thành phố ở Donetsk.

Đáng chú ý nhất là tốc độ tiến công của quân đội Nga tại Donetsk nhằm vào 3 thành phố trên. Trước đây, quân đội Nga phải mất hơn 2 tháng mới chiếm được hai thành phố liền kề ở miền nam Luhansk là Severodonetsk và Lysychansk. Dân chúng đều rút khỏi hai thành phố, hầu như chỉ còn quân lính hai bên giao chiến và cả hai bên đều thiệt hại nặng nề. Liệu cuộc chiến tiêu hao chậm chạp này có thay đổi trong trận chiến Donetsk?

Tiêu hao chậm, xét theo tình hình hiện tại, có lợi cho phía Nga. Được biết cụm từ "bản thân số lượng cũng là chất lượng" xuất phát từ trong Thế chiến II, vẫn đúng trong hành động của quân đội Nga hiện nay. Hỏa lực của phía Nga mạnh gấp bội phía Ukraine, đã và đang dần phá hủy vũ khí trang bị và quân số của phía Ukraine. Mặc dù quân đội Nga đã bị tiêu hao khá lớn nhưng Tổng thống Putin vẫn không thực hiện tổng động viên toàn dân như Ukraine, ông chỉ nâng độ tuổi nhập ngũ và thông qua một sắc lệnh (ngày 30/6) buộc các công ty phải cung cấp quân nhu. Trái lại, tin tức từ các cơ quan tình báo Anh chỉ ra rằng phía Ukraine đã bị thương vong nặng nề và đã xuất hiện tình trạng các binh sĩ bỏ trốn. Điều này cho thấy Nga đang chiếm ưu thế trong cuộc chiến tiêu hao.

Donetsk sẽ vẫn là tâm điểm của cuộc chiến Nga-Ukraine trong tương lai. Nếu cuộc chiến bị chi phối bởi sự tiến quân chậm chạp của quân đội Nga như trước đây thì việc quân đội Ukraine bại trận chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu quân đội Nga đẩy nhanh tốc độ tiến công, có nghĩa là quân đội Ukraine không còn có thể đối mặt với cuộc chiến tranh tiêu hao, các lực lượng còn lại phải rút lui hoặc chuyển đến các mặt trận quan trọng hơn, đó có thể là một tín hiệu cho thấy phía Ukraine muốn cắt đất cầu hòa. Ngược lại, nếu hai bên rơi vào thế bế tắc, đây sẽ là một tín hiệu rõ ràng để phía Ukraine có thể lật ngược tình thế thất bại.

Các dàn phóng tên lửa HIMARS của Mỹ đang trở thành niềm hy vọng của Quân đội Ukraine để thay đổi cục diện (Ảnh: QQ).

Các dàn phóng tên lửa HIMARS của Mỹ đang trở thành niềm hy vọng của Quân đội Ukraine để thay đổi cục diện (Ảnh: QQ).

Thứ hai, cuộc phản công của Ukraine ở Kherson

Thứ hai, khi sự chú ý của thế giới bên ngoài đổ dồn vào khu vực Donbass thì trên thực tế, quân đội Ukraine đã và đang thực hiện một số cuộc phản công nhằm vào quân đội Nga ở mặt trận phía nam. Việc quân đội Nga rút khỏi Đảo Rắn là một trong những kết quả của loạt trận phản công này của Ukraine.

Kherson, nơi đang canh giữ cửa Biển Đen, chính là điểm then chốt. Giống như Đảo Rắn, Kherson là một địa điểm chiến lược đã bị quân đội Nga đánh chiếm từ đầu cuộc chiến. Đây là thủ phủ tỉnh duy nhất mà quân đội Nga giành được sau chiến tranh, và là cứ điểm duy nhất trên bờ tây sông Dnepr giúp quân đội Nga cắt đôi Ukraine từ bắc xuống nam.

Một số nhà phân tích quân sự cho rằng trận Donbass có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với cả Nga và Ukraine, nhưng ai kiểm soát được Kherson lại quan trọng đối với toàn bộ cuộc chiến hơn là Donbass.

Trong hai tháng qua, hai bên đã tranh chấp ác liệt trên chiến tuyến ở các thị trấn ngoại ô Kherson và trên sông. Phía Nga tiếp tục xây dựng công sự phòng ngự, còn quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng các loại vũ khí hạng nặng như lựu pháo M777 do Mỹ sản xuất để tấn công. Tờ The Economist mới đây đã phân tích cho rằng Ukraine đang ưu tiên tái chiếm Kherson và dẫn lời chỉ huy quân Ukraine tại đây nói rằng "một hai tuần tới sẽ thú vị hơn."

Nếu phía Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa cơ động cao HIMARS, có tầm bắn xa hơn và khả năng cơ động cao hơn, có thể sẽ có kẽ hở trong tuyến phòng thủ cứng rắn của Nga.

Nếu chiến tuyến Kherson thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung của cuộc chiến Nga-Ukraine. Nếu phía Ukraine tiến công thành công, quân đội Nga có thể phải tạm thời từ bỏ trận chiến Donbass, vì mất Kherson có thể đe dọa an ninh của Crimea. Ngược lại, nếu phía Nga thành công trong việc cầm chân, thậm chí gây tổn thất nặng nề cho phía Ukraine, quân đội Nga ở Kherson sẽ có thể sử dụng nó như một đầu cầu để đánh chiếm miền tây Ukraine trong tương lai.

Quốc kỳ Ukraine đã được treo trở lại trên Đảo Rắn (Ảnh: Twitter).

Quốc kỳ Ukraine đã được treo trở lại trên Đảo Rắn (Ảnh: Twitter).

Thứ ba, những biến đổi ở Kharkov

Thứ ba, chiến tuyến ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, bị Nga bao vây ba mặt hồi tháng 2, cũng có thể thay đổi một lần nữa. Thành phố rộng lớn ở đông bắc Ukraine này chỉ cách biên giới Nga-Ukraine chưa đầy 40 km, đây chắc chắn là một cứ điểm quan trọng Nga có thể giành lấy bằng hỏa lực mạnh mẽ.

Kể từ khi quân Nga tập trung ở Donbass hồi tháng 4, mặc dù phía Ukraine đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi trung tâm Kharkov cách khoảng 25 km, nhưng theo phía Ukraine, quân Nga vẫn tiếp tục bắn phá Kharkov và “đã phá hủy hơn 2.000 tòa nhà, giết chết hơn 900 người”. Phóng viên báo Anh The Guardian đã đến thăm tiền tuyến của thành phố cách đây một tuần, nhiều sĩ quan Ukraine cho biết theo thông tin mà họ nhận được, quân đội Nga sẽ mở đợt tấn công mới trong thời gian tới.

Mặt khác, khi các dàn tên lửa HIMARS bắt đầu đưa vào Ukraine, việc triển khai các hệ thống phóng tên lửa này ở Kharkov đã trở thành lựa chọn hiển nhiên. Các dàn HIMARS được triển khai ở Kharkov sẽ có thể đe dọa trực tiếp đến tuyến đường tiếp vận trên bộ của Nga từ bắc vào nam để hỗ trợ cho Izyum và Slavyansk ở Đông Ukraine, cũng như tấn công các điểm hậu cần trọng yếu và thành phố Belgorod của Nga - nơi luôn bị phía Ukraine tấn công nhưng không chịu nhận trách nhiệm.

Tàu Nga Zhibek Zholy bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ theo yêu cầu của Ukraine vì bị cho là "lấy trộm ngũ cốc của Ukraine" (Ảnh: Thepaper).

Tàu Nga Zhibek Zholy bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ theo yêu cầu của Ukraine vì bị cho là "lấy trộm ngũ cốc của Ukraine" (Ảnh: Thepaper).

Thứ tư, xuất khẩu lương thực của Ukraine

Thứ tư, khi xung đột Nga-Ukraine đã trở thành cuộc chiến lâu dài, xuất khẩu lương thực của Ukraine trở thành một vấn đề có thể ảnh hưởng đến hướng đi của cuộc chiến. Một mặt, việc Ukraine bị cản trở xuất khẩu lương thực đã khiến Ukraine phải chịu áp lực quốc tế từ các quốc gia có nguồn cung lương thực bị thắt chặt, yêu cầu Ukraine nhanh chóng cắt đất cầu hòa để cuộc chiến tranh sớm chấm dứt.

Mặt khác, do xuất khẩu lương thực chiếm gần 15% GDP danh nghĩa của Ukraine (số liệu năm 2021), với việc nền kinh tế nước này dự kiến ​​sẽ giảm 45% trong năm nay và giá lương thực quốc tế tăng cao, việc duy trì xuất khẩu lương thực sẽ là huyết mạch của nền kinh tế Ukraine. Nếu không được hỗ trợ kinh tế, Ukraine sẽ khó có thể tiếp tục chiến đấu lâu dài dưới áp lực sinh kế của người dân. (Ukraine hiện đang phải đối mặt với mức lạm phát 18% và dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm).

Đồng thời, nếu vấn đề xuất khẩu lương thực không được giải quyết ổn trong tháng này, sẽ không có đủ dự trữ cho vụ thu hoạch tiếp theo, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực trong tương lai của Ukraine trong một thời gian dài hơn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/7 cho biết ông đang đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về việc xuất khẩu ngũ cốc từ cảng biển. Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đã bắt giữ một tàu Nga bị Ukraine cáo buộc lấy trộm ngũ cốc. Với việc Đảo Rắn rơi trở lại tay Ukraine, họ cần tự tin hơn trong việc rà phá bom mìn để lại xuất khẩu lương thực qua Biển Đen.

Tuy nhiên, theo đánh giá nhiều phía, Ukraine có thể không dám chiếm Đảo Rắn lâu dài do Hải quân Nga kiểm soát Biển Đen. Trước ảnh hưởng do không tin tưởng quân đội Nga, trừ khi lực lượng quân sự của bên thứ ba can thiệp để hộ tống, phía Ukraine chưa chắc tiến hành rà phá thủy lôi. Thủ tướng Anh Boris Johnson gần đây đã đề cập đến khả năng vận chuyển ngũ cốc từ sông Danube đối diện với Đảo Rắn. Châu Âu và Mỹ cũng đang hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ qua Ba Lan.

Vấn đề xuất khẩu lương thực có thể được giải quyết hay không sẽ quyết định việc Ukraine có nguồn tiền để tiếp tục chiến tranh hay không.

Thứ năm, viện trợ của phương Tây liệu có thể duy trì?

Cuối cùng, Ukraine có thể kiên trì được hay không còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các nước phương Tây.

Một là hỗ trợ tài chính. Tại hội nghị tái thiết Ukraine mới đây ở thành phố Lugano, miền nam Thụy Sĩ, phía Ukraine đã đề xuất một kế hoạch tái thiết lên tới 750 tỉ USD, chia làm 3 phần, đầu tiên là cứu trợ nhân đạo khẩn cấp ngay lập tức, bao gồm tái thiết nguồn cung cấp nước và các công trình cầu cống; tiếp theo là mở lại các cơ sở cộng đồng như trường học và bệnh viện từ năm 2023 đến năm 2025; cuối cùng là viễn cảnh hiện đại hóa kinh tế dài hạn từ năm 2026 đến 2032.

Các nước phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Trong ảnh: pháo tự hành PzH-2000 của Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Các nước phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Trong ảnh: pháo tự hành PzH-2000 của Đức cung cấp cho Ukraine (Ảnh: QQ).

Hiện Ukraine thâm hụt mỗi tháng 5 tỉ USD. Khi việc xuất khẩu ngũ cốc bị chặn lại, con số này khẩn cấp cần có sự hỗ trợ liên tục từ phương Tây.

Thứ nữa là viện trợ quân sự. Ukraine đang chuyển sang sử dụng vũ khí và đạn dược kiểu NATO khi mà vũ khí và đạn dược kiểu Liên Xô đang nhanh chóng cạn kiệt. Điều này sẽ khiến Ukraine ngày càng phụ thuộc vào viện trợ quân sự của phương Tây.

Sau hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào tuần trước, các nước phương Tây vẫn muốn viện trợ cho Ukraine. Nhưng do lạm phát và cuộc chiến Ukraine trở nên bình thường hóa, liệu điều này có thể được duy trì hay không sẽ là một hoài nghi lâu dài. Đồng thời, vì phương Tây, trong đó có Mỹ, không mong đợi một cuộc chiến tranh tiêu hao vào lúc này, liệu năng lực sản xuất vũ khí của họ có thể đủ để cung cấp cho mức tiêu hao trên chiến trường của Ukraine cũng là một vấn đề. Ví dụ, hơn 7.000 tên lửa chống giáp Javelin do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã chiếm 1/3 lượng hàng trong kho của Mỹ, trong khi Mỹ chỉ sản xuất 2.100 quả Javelin mỗi năm.