Facebook suýt quay lại thị trường Trung Quốc như thế nào?
Sau nhiều năm bị cấm, Facebook đã tìm ra cách thâm nhập thị trường Trung Quốc. Công ty đã được phép mở văn phòng công ty con tại quốc gia đông dân nhất thế giới và đây được coi là một nước đi đột phá bởi chính phủ Trung Quốc luôn tỏ ra vô cùng khắt khe đối với các mạng xã hội nước ngoài.
Nguồn tin dấu tên của Reuters cho biết tổng trị giá của chi nhánh mà Facebook mới xây dựng tại Trung Quốc lên tới 30 triệu USD. Đặt tại thành phố Hàng Châu, công ty Công nghệ Facebook (Facebook Technology) sẽ là vườn ươm cho các nhà đầu tư nhỏ và các doanh nghiệp địa phương.
Theo Reuters, công ty con nói trên được liệt kê thuộc sở hữu hoàn toàn của Facebook Hồng Kông Limited bởi vậy mà hồ sơ kinh doanh đã không bị loại bỏ. Thực tế, Facebook có văn phòng đại diện lớn tại Hồng Kông và không phải tuân thủ một số chính sách kiểm duyệt gắt gao ở Đại lục.
Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg phát biểu trên trang Recode tuần trước rằng “Facebook đã bị chặn” nhưng công ty chắc chắn vẫn quan tâm đến theo đuổi công việc kinh doanh tại Trung Quốc. Ông Zuckerberg cho rằng: “Thật khó để hoàn thành sứ mệnh đưa cả thế giới đến gần nhau hơn mà phải rời khỏi quốc gia lớn nhất”.
Đây là lần đầu tiên Facebook được đặt chân vào Trung Quốc, sau khi bị chặn hồi năm 2009. Trả lời phỏng vấn của The Verge, đại diện Facebook nói: “Chúng tôi quan tâm đến việc thiết lập một trung tâm sáng chế tại Chiết Giang để hỗ trợ các nhà phát triển, sáng tạo và khởi nghiệp tại Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Trung Quốc là quốc gia duy nhất nằm trong danh sách chiến lược của Facebook đang chủ động kiểm duyệt mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, đồng thời cung cấp cho cư dân mạng những lựa chọn thay thế “nội địa” như WeChat, QQ…
CEO Mark Zuckerberg tham gia vào chương trình chạy bộ qua quảng trường Thiên An Môn hồi năm 2016. Ảnh: Vox
|
Sau cuộc bạo động ở thành phố Urumqi, Tân Cương cách đây gần 10 năm, ông Zuckerberg chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực để đưa Facebook quay lại Trung Quốc. Năm 2015, công ty đã cố gắng mở văn phòng tại Bắc Kinh nhưng không thành công. Năm 2016, ông Zuckerberg tiếp tục tổ chức và đích thân tham gia một chương trình chạy bộ qua quảng trường Thiên An Môn như một động thái để xoa dịu tình hình với chính phủ nước này.
Năm ngoái, Facebook âm thầm ra mắt ứng dụng với tên gọi Bóng bay Đa sắc (Colorful Balloons) cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh của bạn bè. Ứng dụng được Youge Internet Technology, công ty có quan hệ mật thiết với Facebook, đăng ký. Ngoài ra, bộ phận phát triển kính VR của Facebook – Oculus cũng đặt văn phòng tại Thượng Hải, cách Hàng Châu chỉ 2 giờ lái xe.
… và lại bị “đá”
Sau nhiều năm "án binh bất động", Facebook đã bị thay thế bởi các dịch vụ khác tại Trung Quốc. Ảnh: BBC
|
Đáng tiếc, chỉ một ngày sau khi Facebook được cấp phép mở chi nhánh tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã rút hồ sơ kinh doanh và bắt đầu kiểm duyệt các tin tức liên quan. Một nguồn tin giấu tên của New York Times cho biết kế hoạch khởi động vườn ươm của Facebook tại Trung Quốc đã phá sản hoàn toàn.
Tờ Times tin rằng sự đổ vỡ này xuất phát từ bất đồng giữa các nhà chức trách Trung Quốc và Facebook. Các quan chức địa phương tỉnh Chiết Giang, nơi Alibaba đặt trụ sở chính, ban đầu đã cho phép Facebook mở văn phòng tại đây. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (Cyberspace Administration of China) gần như ngay lập tức vào cuộc để ngăn chặn quyết định này.
Thực tế, chính Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã từng chia sẻ lo ngại về việc công ty không thể thành công tại Trung Quốc. Ông Zuckerberg nói: “Ý của tôi là chúng tôi đã không thể làm gì trong một khoảng thời gian dài (tại Trung Quốc). Có những thời điểm, tôi nghĩ rằng chúng tôi cần tìm ra giải pháp phù hợp với nguyên tắc và định hướng hoạt động của công ty, cũng như luật pháp tại Trung Quốc. Bằng không việc Facebook quay trở lại Trung Quốc sẽ không thể xảy ra, nhưng tới nay hai bên vẫn chưa tìm được lối đi chung”.