Papua New Guinea ra lệnh cấm Facebook 1 tháng, có bao nhiêu quốc gia từng “nghỉ chơi” Facebook?

VietTimes – Papua New Guinea sẽ ban hành một lệnh cấm Facebook trong vòng một tháng. Chính phủ sẽ tiến hành các biện pháp kỹ thuật để chặn việc sử dụng Facebook của người dân. Papua New Guinea không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới “cấm cửa” Facebook.
Người dân Papua New Guinea sẽ không được sử dụng Facebook trong vòng 1 tháng (ảnh: onenewspage)
Người dân Papua New Guinea sẽ không được sử dụng Facebook trong vòng 1 tháng (ảnh: onenewspage)
Theo ông Sam Basil, Bộ trưởng Bộ Truyền thông Papua New Guinea, thì việc “cấm cửa” Facebook sẽ giúp chính phủ nước này có thời gian rà soát các tài khoản giả mạo, các tài khoản phát tán thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Hiện đây mới chỉ là kế hoạch của chính phủ Papua New Guinea. Chưa rõ lệnh cấm bao giờ được ban hành, nhưng kế hoạch này đã khiến nhiều người tỏ ra lo ngại về sự kiểm duyệt quá sâu của chính phủ.

Thời gian cấm Facebook là lúc chúng tôi rà soát lại những người đứng sau các tài khoản giả mạo, những kẻ phát tán ảnh đồi trụy, đăng thông tin sai lệch gây hiểu lầm trên Facebook, để lọc và xóa chúng. Việc này giúp cho những người dùng có danh tính thực sự sẽ sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm. 
Sam Basil
Bộ trưởng Bộ Truyền thông Papua New Guinea.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông Papua New Guinea cho biết chính phủ nước này cũng “đặt lên bàn cân” việc tạo ra một mạng xã hội riêng cho công dân Papua New Guinea. Hiện số lượng người dùng Facebook ở quốc gia này là khoảng 650 nghìn người trên tổng dân số 8 triệu người, không phải là một con số quá lớn.

Papua New Guinea không phải là quốc gia duy nhất dự định “nghỉ chơi” với Facebook. Một số nước trên thế giới hiện nay đang “nói không với Facebook” vì lo ngại sự ảnh hưởng quá sâu rộng của mạng xã hội này đến người dân.

CÁC QUỐC GIA ĐÃ TỪNG “CẤM CỬA” HOẶC HẠN CHẾ TRUY CẬP FACEBOOK

Trung Quốc

Trung Quốc đang dùng Bức tường lửa lớn (Great Firewall of China) để chặn và kiểm soát các mạng xã hội phương Tây.

Facebook lần đầu tiên bị chặn ở Trung Quốc là vào tháng 7/2009 sau khi chính phủ nước này nhận thấy các nhà hoạt động chính trị ở Tân Cương đã sử dụng Facebook để giao tiếp, âm mưu và lập kế hoạch chống phá. Kể từ đó, Trung Quốc đã kiểm soát mạnh mẽ Internet, thường xuyên xóa bài đăng và chặn quyền truy cập vào các trang web đối lập.

Về mặt kỹ thuật, lệnh cấm Facebook đã được dỡ bỏ vào tháng 9/2013 nhưng chỉ trong một khu vực rộng 44 km2 ở Thượng Hải để các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thoải mái. Đối với phần còn lại trên lãnh thổ Trung Quốc, người dân vẫn dùng mạng xã hội Weibo để liên lạc.

Triều Tiên

ảnh SCMP
ảnh SCMP 

Triều Tiên vốn là một quốc gia bí hiểm với thế giới nên việc truy cập Internet ở đây cũng bí hiểm không kém. Du khách nước ngoài được sử dụng một mạng 3G do chính phủ cung cấp, trong khi với đa số người dân việc sử dụng Internet bị giới hạn. Có vẻ người dân nước này hài lòng với mạng nội bộ Kwangmyong – được sử dụng chủ yếu để đăng tải các lời chúc sinh nhật.

Một số ít sinh viên và giáo sư sau đại học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng có thể truy cập Internet từ một phòng thí nghiệm chuyên môn.

Iran

Kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống gây tranh cãi ở quốc gia này năm 2009, Iran đã liên tục chặn rồi lại mở Facebook, Twitter và YouTube. Tất nhiên thời gian mà Facebook bị chặn nhiều hơn so với thời gian mạng xã hội này được mở ở Iran.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo chính trị ở Iran lại rất thích sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, mặc dù Facebook và Twitter rất khó truy cập trong nước. Ngay cả Tổng thống Hassan Rouhani cũng có tài khoản Twitter của riêng mình, nhưng dường như ông không phải là người viết các tweet.

Ban đầu, Facebook bị cấm ở quốc gia này sau cuộc bầu cử năm 2009 vì lo ngại các phong trào đối lập được hình thành nhờ mạng xã hội. Nhưng mọi thứ đã bắt đầu tiến triển tích cực hơn khi Bộ trưởng Văn hóa Ali Jannati nói rằng người dân Iran nên được tiếp cận một cách bình thường với mạng xã hội.

Bangladesh

ảnh ABC
 ảnh ABC

Năm 2010, sau khi một đoạn phim hoạt hình châm biếm xuất hiện trên Facebook, chính phủ nước này đã ngay lập tức chặn truy cập vào mạng xã hội trên cả nước. Nguyên nhân là do đoạn phim hoạt hình này có nội dung châm biếm nhà tiên tri Muhammad cũng như một số lãnh đạo đất nước. Lệnh cấm kéo dài cả tuần trong khi các hình ảnh bị xóa.

Kể từ đó, chính phủ Bangladesh đã kiểm duyệt rất gắt gao việc sử dụng Facebook và các mạng xã hội khác nhằm ngăn chặn các bài viết báng bổ đạo Hồi và các nhà lãnh đạo.

Ai Cập

Khi những người đối lập xuống đường vào năm 2011 với nỗ lực lật đổ chế độ của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, chính phủ đã cắt giảm quyền truy cập vào một loạt các trang mạng xã hội. Trong nỗ lực ngăn chặn phe đối lập sử dụng Facebook gây bất ổn, nhiều trang web ở Ai Cập đã bị đóng cửa. Twitter, YouTube, Hotmail, Google và cả các máy chủ proxy (vốn cho phép người dân vượt qua tường lửa) đều bị chặn. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ kéo dài trong vài ngày.

Syria

Facebook đã bị chặn tại quốc gia này từ năm 2007 khi chính phủ sợ Israel xâm nhập vào các trang mạng xã hội Syria. Trong một động thái chưa từng có vào năm 2011, Tổng thống Bashar al-Assad đã dỡ bỏ lệnh cấm đã tồn tại suốt 5 năm trước đó. Trong thời gian bị cấm, người dân Syria vẫn có thể dễ dàng truy cập Facebook và các trang mạng xã hội khác bằng cách sử dụng máy chủ proxy.

Mauritius

ảnh ABC
 ảnh ABC

Lập tài khoản giả mạo những người nổi tiếng là sở thích đối với một số người. Tuy nhiên khi một tài khoản Facebook giả mạo Thủ tướng Mauritius Navin Ramgoolam được phát hiện bởi chính phủ trong năm 2007, toàn bộ cộng đồng Facebook của Mauritius đã đã bị chặn. Nhưng lệnh cấm đã không kéo dài, chỉ vài ngày sau việc truy cập vào Facebook đã được khôi phục.

Pakistan

Chính phủ Pakistan chặn người dân truy cập vào Facebook vào năm 2010 khi một kẻ nào đó đã lập một trang web để quảng bá cuộc thi vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad. Bất cứ hình vẽ nào về nhà tiên tri này đều bị coi là phỉ báng đạo Hồi. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ hai tuần sau đó, nhưng Pakistan tuyên bố sẽ tiếp tục chặn các trang cá nhân có nội dung phỉ báng.