Cao thủ Putin-Trump gặp thượng đỉnh: Nhiều người mừng, lắm kẻ lo

VietTimes -- Vì sao Tổng thống Donald Trump lại có thể đưa ra quyết định gặp Tổng thống V.Putin vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Nga đang leo thang tới đỉnh điểm và bất chấp sự phản đối của các lực lượng từ Đảng Dân chủ?
Ông Putin là một cao thủ thực thụ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng
Ông Putin là một cao thủ thực thụ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng

(tiếp theo kỳ trước)

Do đâu Donald Trump quyết định gặp V.Putin vào thời điểm này?

Tổng thống Nga V.Putin đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này trong cuộc họp với Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton, trong chuyến thăm Nga của ông ấy chuẩn bị cho cuộc gặp Donald Trump-V.Putin.

Ông V.Putin giải thích: “Quan hệ Mỹ-Nga xấu như lúc này là hậu quả từ cuộc đấu tranh chính trị nội bộ cực kỳ gay gắt ở Mỹ chứ không phải do bản chất quan hệ giữa hai nước”. Ông Donald Trump khi còn là ứng cử viên cũng đã từng tuyên bố rằng việc cải thiện quan hệ và hợp tác với Nga chỉ có lợi cho nước Mỹ. Vì thế, Tổng thống Nga V.Putin nói với ông John Bolton:“Chuyến thăm của ngài tới Moscow sẽ là một bước tiến để Nga cải thiện quan hệ với Mỹ. Sự xuất hiện của ngài ở Moscow truyền cảm hứng cho chúng tôi với hy vọng rằng chúng ta sẽ có thể thực hiện ít nhất các bước đầu tiên để khôi phục mối quan hệ đầy đủ cho khuôn khổ giữa hai nước”. Rõ ràng, sự hợp tác với Nga sẽ đem lại lợi ích chiến lược rất quan trọng và rất lớn cho cả hai nước nhưng đã bị một số thế lực trong “nhà nước ngầm” ở Mỹ phản đối.  [14].

Theo nhận định của Yurri Baranchik, Giám đốc Trung tâm phân tích thông tin của trang mạng “Imperria”, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể quyết định gặp Tổng thống Nga V.Putin xuất phát từ tương quan lực lượng trong cuộc đấu tranh chính trị nội bộ khốc liệt ở Mỹ, trong đó thời gian gần đây đã diễn ra động thái rất đáng chú ý. Đó là, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hóa giải được âm mưu của các lực lượng trong “nhà nước ngầm” muốn lật đổ ông. Nếu không phá được âm mưu này thì cuộc gặp Tổng thống Nga V.Putin sẽ chẳng có ý nghĩa gì hết.

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức quyết định gặp Tổng thống Nga V.Putin ở Helsinhki, 19 nghị sỹ đề xuất quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua hai nghị quyết rất quan trọng. Một nghị quyết về việc bổ nhiệm công tố viên đặc biệt phụ trách điều tra âm mưu của một số nhân vật chóp bu trong Bộ tư pháp Mỹ chuẩn bị cuộc lật đổ Tổng thống Donald Trump. Nghị quyết thứ hai là bắt khẩn cấp người được cho là chỉ huy trưởng kế hoạch của “nhà nước ngầm” chống lại Tổng thống Donald Trump. Dính líu vào âm mưu này có nhiều nhân vật cấp cao trong Bộ tư pháp, Cục điều tra liên bang và Cục tình báo trung ương Mỹ. Như vậy, rõ ràng là có một lực lượng trong bộ máy quyền lực Mỹ trung thành và ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump [15].

Nhiều người mừng, lắm kẻ lo về cuộc gặp Donald Trump-V.Putin

Theo tuyên bố của Nhà Trắng cũng như Điện Kremlin, trong cuộc gặp ngày 16/7/2018 tại Helsinki, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin sẽ bàn về nhiều vấn đề liên quan tới quan hệ Mỹ-Nga, các điểm nóng như cuộc khủng hoảng Ucraina, cuộc chiến ở Syria, quá trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và một số vấn đề khác. Những điểm nóng đó đang chia rẽ thế giới thành hai chiến tuyến. Vậy nên, kết quả cuộc gặp này sẽ đem lại tin mừng cho nhiều người nhưng cũng sẽ khiến không ít người lo ngại, đứng ngồi không yên.

Những người mừng về kết quả tích cực của cuộc gặp Donald Trump-V.Putin xuất phát từ suy nghĩ cho rằng, với chủ trương cải thiện quan hệ với Nga của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc gặp này sẽ góp phần giảm căng thẳng và đối đầu giữa hai cựu địch thù từ thời Chiến tranh lạnh, đưa hai nước cùng đóng vai trò quan trọng trong việc hóa giải các điểm nóng trên thế giới như cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và tình hình bất ổn ở Afghanistan.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong chuyến thăm Nga để chuẩn bị cho cuộc gặp Donald Trump-V.Putin, tuyên bố rằng ý muốn chủ yếu của Tổng thống Donald Trump là duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu [14]. Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vasilii Nebenzia tuyên bố rằng thời cơ cho cuộc gặp Donald Trump-V.Putin đã chín muồi từ lâu. Nước Nga hoan nghênh cuộc gặp này. Đây không chỉ là ý nguyện của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga mà còn là mong muốn của cả cộng đồng quốc tế. Mọi người đều biết rất rõ rằng thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Nga sẽ làm cho thế giới bình yên hơn [16,17].

Trong số những kẻ lo, trước hết phải kể tới các đồng minh của Mỹ trong NATO ở châu Âu. Trước cuộc gặp này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều tuyên bố và hành động như thể “bỏ rơi” NATO. Vì thế, các thành viên NATO ở châu Âu lo sợ rằng kịch bản cuộc gặp Trump-Putin sẽ tương tự như cuộc gặp Trump-Kim Jong-un ngày 12/6/2018, trong đó chủ nhân Nhà Trắng thể hiện thiện cảm với nhà lãnh đạo Triều Tiên và có những động thái nhượng bộ bất ngờ trước Bình Nhưỡng. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh ngừng các cuộc tập trận Mỹ-Hàn để đổi lấy lời cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga lần này, Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-NATO ở Ba Lan và các nước vùng Baltic đã từng bị Nga phản đối từ lâu. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể nới lỏng lệnh trừng phạt với Nga mà không cần tham vấn với các đồng minh châu Âu. Không loại trừ khả năng, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO đầu tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục chỉ trích các đồng minh đã "lợi dụng" Mỹ như ông từng phê phán các thành viên tại Hội nghị G-7 vừa qua ở Canada.

Điều khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và NATO lo ngại hơn cả là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ và khi đó họ không còn có thể mượn cớ Nga là "kẻ thù”, là “quốc gia xâm lược” để thực hiện những toan tính chính trị nội bộ của họ. Một số nước Đông Âu lấy việc coi Nga là “kẻ thù” và đối đầu với Nga là chiếc “cần câu cơm” để nhận được sự viện trợ không hoàn lại của một số thế lực trong bộ máy cầm quyền ở Mỹ đang coi Nga là “kẻ phá hoại trật tự thế giới” [18,19].

Có lẽ, quốc gia lo ngại nhất về kết quả cuộc gặp Donald Trump-V.Putin là Ukraine. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 vừa kết thúc đầu tháng 6/2018, Thống Mỹ Donald Trump đưa ra đề nghị mời Nga quay trở lại diễn đàn này và nói:“Tôi không biết các vị thích hay không thích điều này, nhưng nhiệm vụ của chúng ta là phải quản trị thế giới. Chúng ta có G-7 mà trước đây là G-8 vì Nga đã bị chúng ta khai trừ. Giờ đây phải để Nga quay trở lại bởi họ cần ngồi với chúng ta bên bàn đàm phán”. Trong khi lãnh đạo các nước Đức, Anh và Pháp phản đối đề nghị này của Tổng thống Donald Trump với lý do là “Nga chiếm đoạt Crimea của Ukraine” thì nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố:“Crimea là thuộc Nga bởi tất cả cư dân trên bán đảo này đều nói tiếng Nga”. Trả lời câu hỏi từ các nhà báo về khả năng Mỹ công nhận sự thống nhất của Crimea với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:"Chúng tôi đang xem xét". Ông Donald Trump còn bày tỏ sự hoài nghi về sự ủng hộ của các nước G-7 đối với Ucraina bởi đây là quốc gia tham nhũng nhất thế giới [20,21]

Về khả năng chủ đề Crimea được “đặt lên bàn cân” trong cuộc gặp Donald Trump-V.Putin, người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Peskov, cho biết:"Tổng thống V.Putin đã nhiều lần tuyên bố và giải thích cho những người đối thoại rằng chủ đề Crimea sẽ không bao giờ được đưa vào vào chương trình nghị sự bởi vùng đất này là một phần máu thịt của nước Nga". Ông Peskov cho biết thêm: “Đối với các vấn đề khác thì việc đối thoại và tìm kiếm thỏa hiệp giữa Mỹ và Nga là điều có thể. Nhưng không phải là vấn đề Crimea”.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát gần đây trên cổng thông tin điện tử Obozrevatel (Người quan sát) của Ukraine, gần một nửa số người Ukraine tin rằng đất nước của họ sẽ trở thành “con bài mặc cả” trên bàn đàm phán trong cuộc gặp Donald Trump-V.Putin. Nhận định về động thái này, ông Rostislav Ishchenko, Chủ tịch Trung tâm phân tích và dự báo hệ thống, nhận định: “Tôi nghĩ rằng điều chủ yếu trong vấn đề Ukraine là trong khi chính quyền Mỹ muốn “bán lại” Ukraine cho Nga thì trên thực tế họ không hề kiểm soát được quốc gia này để có thể đưa ra đổi chác với Nga. Nghĩa là, Mỹ không có cái mà họ muốn đưa ra đổi chác. Còn phía Nga cũng không cần Mỹ đưa Ukraine ra đổi chác bởi Matxcơva tin chắc rằng không sớm thì muộn Ukraine cũng sẽ về với nước Nga. Tất cả những gì Nga có thể nhận được từ Ukraine thì về cơ bản họ đã nhận được. Đó không chỉ là đưa Crimea về với nước Nga mà cả Miền Đông Ukraine cũng đang hướng về Nga và sắp tới Nga có thể nhận được nhiều hơn, bất kể Mỹ có muốn hay ngăn cản điều đó hay không. Sức mạnh của Nga là ở lẽ phải cà công lý. Vậy nên, chủ đề Ukraine hay Crimea dù có được đưa ra trong các cuộc đàm phán thì cũng không thể là con bài mặc cả trong cuộc gặp Donald Trump-V.Putin” [22].

Tài liệu tham khảo:

 [14] Путин поставил на место дерзкого посланца Трампа. https://politpuzzle.ru/106989-putin-postavil-na-mesto-derzkogo-poslantsa-trampa/?utm_medium=referral&utm_source=lentainform&utm_campaign=l.politpuzzle.ru&utm_term=1274969&utm_content=6454480

[15]«Черный миропроект»: у Владимира Путина и Дональда Трампа один общий враг. http://www.putin-today.ru/archives/65276

[16] Болтон рассказал Путину о желании Трампа поддержать мировую стабильность. https://360tv.ru/news/vlast/bolton-rasskazal-putinu-o-zhelanii-trampa-podderzhat-mirovuju-stabilnost/

[17] Встреча Трампа и Путина - это желание всего мира, она давно назрела – Небензя. https://nation-news.ru/376813-vstrecha-trampa-i-putina-eto-zhelanie-vsego-mira-ona-davno-nazrela-nebenzya

[18]Синоптики предупреждают: надвигается смертельно опасное потепление. https://topwar.ru/143977-vstrecha-putina-i-trampa-ugroza-kievu-ili-moskve.html

[19 ] Why does the West fear Putin's meeting with Trump? Media said. http://weaponews.com/news/30802-why-does-the-west-fear-putin-s-meeting-with-trump-media-said.html

[20]Трамп высказался за возвращение России в G8. http://newsland.com/user/4296648002/content/tramp-vyskazalsia-za-vozvrashchenie-rossii-v-g8/6367097?utm_source=sendpulse&utm_medium=push&utm_campaign=6192841

[21] СМИ: Трамп в беседе с лидерами G7 назвал Крым российским. https://ria.ru/world/20180614/1522740092.html

[22] США хотят продать Украину России, но она им уже не принадлежит. http://maxpark.com/community/13/content/6398415