Ngày 1.4, tổng thống Donald Trump chỉ thị cho các lãnh đạo quân đội Mỹ rút quân khỏi Syria. Khi họ nói với ông cuộc chiến chống IS vẫn chưa kết thúc, ông đã ra lệnh họ phải sẵn sàng rút quân trong vòng 6 tháng.
Bốn ngày sau, chính phủ Syria bị cáo buộc thực hện một cuộc tấn công hóa học trong thành phố Douma, ngoại ô Damascus vào trung tâm của các nhóm nổi dậy chống tổng thống Assad làm chết 70 người và hàng trăm người bị thương. Ông Trump chỉ trích vụ tấn công và cam kết chính quyền Syria sẽ phải lĩnh hậu quả - điều này gợi lại sự kiện ông đã ra lệnh không kích để đáp trả lại vụ cáo buộc tấn công hóa học do Syria thực hiện vào đúng 1 năm trước.
Mỹ tuyên bố vụ không kích vào ngoại ô Damascus hôm 14.4 hoàn toàn thành công.
Vào sáng 14.4, Mỹ - Pháp - Anh đã không kích vào các mục tiêu được cho rằng là "các cơ sở sản xuất, nghiên cứu vũ khí hóa học" của Syria. Danh sách các mục tiêu và mức độ thiệt hại vẫn là ẩn số. Cuộc tấn công đã kết thúc nhưng Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ có hành động tiếp theo nếu có bằng chứng về việc Syria đã tấn công bằng chất độc hóa học.
Thoạt tiên, điều này giống như kế hoạch của ông Trump được thực hiện vì những sự kiện đã xảy ra. Nhưng ông cũng đã thông báo rằng sẽ không thay đổi nhận thức rằng Mỹ cần rút quân sớm khỏi Syria. Sự mâu thuẫn trong việc muốn ít dính líu trong khi lại can thiệp nhiều hơn là một minh họa cho sự lúng túng trong chính sách của Mỹ tại Syria đã trải qua 2 đời tổng thống.
Cuộc chiến đã bắt đầu 7 năm trước. Mỹ đã can thiệp vào Syria bằng nhiều cách thức khác nhau. Nhưng Mỹ vẫn không biết mình muốn gì và đang thiếu một chiến lược nhất quán.
Nhiều cuộc xung đột trong một
Dù đơn giản hóa đi nhiều thì vấn đề tại Syria bao gồm ít nhất 5 cuộc xung đột chồng chéo lên nhau.
1 - Chính phủ của tổng thống Assad và các nhóm nổi dậy
Đây là cuộc xung đột điển hình nhất, được coi là nội chiến Syria, cuộc chiến của ông Bashar al-Assad được Iran và Nga chống lưng, chống lại những mối đe dọa tới quyền lực của ông.
Phương Tây cho rằng quân chính phủ Syria tập trung hỏa lực vào các nhóm nổi dậy không cực đoan, cố gắng để ép thế giới phải chọn: Assad hay khủng bố? Và với chiến lược bạo lực cùng sự giúp đỡ của Iran và Nga đánh Aleppo thành trì của quân nổi dậy gần Damascus cùng các vùng khác ở phía Nam và phía Đông, cuộc xung đột đã gần như đã tới hồi kết.
Trước khi Nga can thiệp vào Syria thời điểm tháng 9.2015, có vẻ như chế độ của tổng thống Assad sẽ sụp đổ. Ả rập Xê-út, Mỹ và các nước khác đã cung cấp cho các nhóm nổi dậy tiền và vũ khí dù cả hai bên đều đã dừng lại khi các nhóm nổi dậy trở thành Hồi giáo cực đoan. Đầu năm 2018, ông Assad đã củng cố vững chắc quyền kiểm soát hầu hết các khu vực đông dân tại Syria - phần màu đỏ trong bản đồ dưới đây:
Phương Tây tin rằng ông Assad đã quyết định thực hiện những cuộc tấn công hóa học để bẻ gãy ý chí của những lực lượng nổi dậy còn lại. Như trường hợp tại Afghanistan và Iraq đã chứng minh - một lực lượng nổi dậy kiên quyết có thể hoạt động tích cực trong một thời gian dài ngay cả khi đối mặt với lực lượng quân sự nhà nước mạnh mẽ.
Douma là thành phố vẫn còn vài nhóm nổi dậy chiếm đóng. Chỉ 4 ngày sau vụ cáo buộc chính phủ Syria tấn công hóa học thành phố này, các tin tức cho biết chính phủ Syria đã hoàn toàn kiểm soát thành phố lần đầu tiên sau nhiều năm.
2 - Liên minh do Mỹ chống lưng đánh IS
Cuộc chiến này có những lúc cũng liên quan tới cuộc xung đột đầu tiên nhưng phần lớn là một cuộc chiến riêng biệt.
IS đã có những bước tiến trong cuộc nội chiến Syria, đoạt được vũ khí và chiếm đóng phần lớn lãnh thổ tại vùng Đông Bắc. Năm 2014, nhóm khủng bố này tràn vào Iraq, chiếm đóng Mosul tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo IS và đe dọa Baghdad. Để đáp trả, cả Iran và Mỹ đã can thiệp để giúp đỡ chính phủ Iraq.
Mỹ đã tổ chức những cuộc không kích và dần đưa 5.000 lính tới hỗ trợ Iraq và lực lượng người Kurd đánh lại IS tại Iraq cùng với 2.000 lính tại Syria để hỗ trợ dân quân người Kurd còn gọi là lực lượng SDF (Liên minh dân chủ Syria).
Lực lượng do Mỹ chống lưng chiếm lại Mosul vào tháng 7.2017, tiếp theo là Raqqa thủ phủ của IS tại Syria vào tháng 10.2017. Đầu 2018, cái gọi là nhà nước IS không còn nữa. Nhưng lực lượng khủng bố IS vẫn tồn tại ở trong một vài vùng lãnh thổ Syria (những điểm màu nâu đậm ở bản đồ phía dưới).
Khi ông Trump kêu gọi rút quân khỏi Syria thì có nghĩa đây là cuộc xung đột ông muốn khép lại.
3 - Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd
Liên minh do Mỹ chống lưng đánh IS tạo ra một vấn đề khác. Thổ Nhĩ Kỳ có những đường biên giới ở phía Bắc Syria đã đánh lại các nhóm nổi dậy người Kurd trong nhiều thập kỷ, họ coi SDF có mối liên hệ với quân nổi dậy người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng Đông Bắc Syria hiện tại đang nằm dưới quyền kiểm soát của người Kurd (vùng màu vàng trong bản đồ phía dưới) - mà Ankara e ngại sẽ trở thành nơi phát động những cuộc tấn công vào đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào tháng 8.2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một chiến dịch địa chiến ngắn nhưng thành công tại Syria với một cuộc đột kích quy mô lớn, bất ngờ vào tháng 1.2018. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm nổi dậy tại Syria do nước này hỗ trợ hiện tại đã kiểm soát hầu hết vùng Tây Bắc Syria (màu ngọc lam ở bản đồ dưới) và họ đe dọa sẽ có những hành động tiếp theo.
Đây là nơi khiến Mỹ lúng túng giữa đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ và đối tác địa phương là lực lượng SDF. Nếu Mỹ rút lui sẽ là bỏ rơi những người đã dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS tại Syria.
4 - Israel và Iran
Israel nhìn Syria thông qua lăng kính thù địch trong mối quan hệ của họ với Iran. Ông Assad là một trong những đồng minh quan trọng của Iran, cung cấp những con đường cho Iran vận chuyển vũ khí tới cho lực lượng Hezbollah có căn cứ ở phía Nam Lebanon dọc theo biên giới phía Bắc của Israel. Hezbollah đã đương đầu khá tốt trước Israel năm 2006, một thành tích ấn tượng đối với một nhóm bán quân sự chống lại một đất nước có kỹ thuật quân sự vượt trội.
Israel coi những bước tiến trong cuộc can thiệp Iran vào Syria là để thiết lập các vị trí ở gần biên giới Israel. Để chống lại điều này, Israel đã tổ chức rất nhiều cuộc không kích vào những mục tiêu có liên quan tới Iran, chính phủ Syria và Hezbollah tại Syria.
Phòng không Syria đã hạ được một máy bay chiến đấu F-16 của Israel.
Như vào tháng 2.2018, Israel đã bắn rơi một chiếc máy bay không người lái do Iran chế tạo bay qua vùng lãnh thổ của họ với tuyên bố chiếc máy bay mang theo chất nổ. Để đáp trả, Israel đã đánh bom căn cứ không quân mà chiếc máy bay cất cánh. Lực lượng phòng không Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu của Israel khiến Israel lại thực hiện thêm nhiều vụ tấn công.
Trong tháng này, ngay sau vụ việc Douma không lâu, Israel đã tổ chức các cuộc không kích vào nơi mà các quan chức Israel gọi là căn cứ quân sự Iran - Syria gần thành phố Homs tại phía Đông Syria. Người Iran nói ít nhất 4 cố vấn quân sự Iran thiệt mạng trong vụ tấn công và họ đe dọa sẽ trả đũa.
Xung đột giữa Israel - Iran sẽ dễ dàng leo thang thành một cuộc chiến Israel - Hezbollah thứ 2 hoặc thành một cuộc xung đột khu vực lớn.
5 - Nga và Mỹ
Cuộc xung đột giữa chính phủ của ông Assad và các nhóm nổi dậy một phần có thể coi là cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực giữa Iran và Ả rập Xê-út nhưng cuộc chiến đã phát triển thành một cuộc đọ sức giữa 2 quyền lực thế giới là Nga và Mỹ. Dưới thời tổng thống Obama, Mỹ đã rút một phần khỏi Trung Đông và Nga đã nắm lấy cơ hội để đưa mình trở thành một tay chơi quyền lực trong khu vực.
Với việc máy bay Mỹ đánh bom IS tại phía Đông, máy bay Nga tấn công các nhóm thánh chiến tại phía Tây, 2 siêu cường đã thiết lập một "vùng giảm xung đột", chia sẻ thông tin để tránh những va chạm không mong muốn. Điều này đã thành công nhưng Nga vẫn muốn thử phá vỡ ranh giới.
Lính Nga tại Syria.
Vào tháng 2.2018, phương Tây nói rằng lính đánh thuê của nhà thầu quân sự tư nhân Nga Wagner đã tấn công vị trí của SDF gần Deir Ezzor nằm trên sông Euphrates thuộc khu vực chia cắt phần phía đông do chính phủ Assad kiểm soát với phần phía tây do người Kurd kiểm soát. Lính Mỹ đã đẩy lui cuộc tấn công và trả đũa, làm thiệt mạng nhiều người Nga (con số ước tính từ 12 cho tới hơn 200).
Quân đội Mỹ bày tỏ sự ngạc nhiên, chính phủ Nga từ chối có dính líu tới sự việc và không còn sự kiện gì xảy ra sau vụ tấn công. Vùng giảm xung đột vẫn được bảo toàn.
(còn tiếp)