Mạo danh hàng loạt bác sĩ, bệnh viện để quảng cáo bán thuốc và lừa người dân đến phẫu thuật, làm đẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hàng loạt bác sĩ, bệnh viện có uy tín bị mạo danh quảng cáo trên mạng, nhằm lừa người dân đến khám, chữa bệnh; bán thuốc, thực phẩm chức năng. Đây thực sự là nguy cơ rất lớn cho sức khỏe và tính mạng người dân.
Một trong nhiều quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Một trong nhiều quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Rất nhiều bác sĩ bị mạo danh để bán thuốc

GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - vừa phải lên Facebook giãi bày: “Gần đây, nhiều bạn gửi cho tôi một số liên kết trên facebook mà nội dung là các trang quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm không rõ nguồn gốc trong đó có lấy hình ảnh của tôi ghép vào.

Là một thầy thuốc thuộc lĩnh vực chuyên môn sâu, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, tôi không bao giờ tham gia quảng cáo cho bất cứ loại thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế... nào, của bất cứ hãng sản xuất nào.

Nói thêm là tôi có đọc thử những thông tin quảng cáo trong các trang này thì thấy toàn là các thông tin không được kiểm chứng của các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và tác dụng. Mọi người tuyệt đối không tin theo, mua, sử dụng các sản phẩm đó mà có nguy cơ nguy hiểm tính mạng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người nên mọi người hãy để các thầy thuốc được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu thực hiện, đừng tra thông tin trên mạng rồi làm theo.”

Quảng cáo mạo danh GS.TS Trần Bình Giang trên facebook

Quảng cáo mạo danh GS.TS Trần Bình Giang trên facebook

Là vì, GS.TS. Trần Bình Giang đã bị một số trang mạng xã hội đăng ảnh ông mặc blouse trắng ghép vào thông tin bán các loại thuốc tim mạch, và giới thiệu ông là Trưởng khoa tim mạch, trong khi chuyên ngành của ông là ngoại tiêu hóa.

GS.TS. Trần Bình Giang không phải là thầy thuốc duy nhất bị lấy hình ảnh ghép vào các quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng. Trước đây, đã có nhiều bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bưu điện, Viện Dinh dưỡng Quốc gia vv… bị một số trang Facebook mạo danh để quảng cáo bán thuốc, hoặc nhằm lừa bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã liên tục cảnh báo về tình trạng mạo danh fanpage, bác sĩ của Bệnh viện để bán sản phẩm, tư vấn dịch vụ điều trị, làm đẹp, nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều trang giả mạo ngang nhiên sao chép nội dung các bài đăng, logo, ảnh bìa của fanpage chính thức của Bệnh viện để quảng cáo bán thuốc, thực phẩm chức năng, thuốc đông y, dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, điều trị các bệnh nan y…

Mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia để quảng cáo thuốc

Mạo danh Viện Dinh dưỡng Quốc gia để quảng cáo thuốc

TS. Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương - từng bị mạo danh kèm hình ảnh để quảng cáo cho một số spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội, trong khi anh chưa từng biết những cơ sở trên ở đâu.

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Da liễu Trung ương

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Da liễu Trung ương

Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng từng cảnh báo tình trạng nhiều nhân viên của Bệnh viện bị mạo danh để tư vấn khám, chữa bệnh rồi bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Mạo danh bệnh viện để “câu" bệnh nhân

Không chỉ dừng ở việc mạo danh các bác sĩ, giờ đây, trên mạng xã hội, còn diễn ra tình trạng ngang nhiên mạo danh các bệnh viện có uy tín, để lừa đảo người dân đến khám, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ và bán thuốc online.

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa lên tiếng vì bị nhiều trang mạng mạo danh để lừa đảo người dân: “Hiện nay, trên mạng xã hội đang có nhiều FB, Group, TikToker có gắn tên Xanh Pôn (Xanhpon) như “Viện Xanhpon Hà Nội” nhằm gây sự nhầm tưởng đó là Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo người dân đến thăm khám và điều trị tại địa chỉ duy nhất của của bệnh viện là tại 12 Chu Văn An, Hà Nội.”

Gần đây, cũng xuất hiện hàng loạt fan page mang tên “Viện ĐHY Hà Nội” nhằm gây sự nhầm lẫn với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với các quảng cáo về cấy tế bào mầm tóc”, cấy mày tự thân NANO vv…

Nhiều fan page quảng cáo gây hiểu lầm là cơ sở của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nhiều fan page quảng cáo gây hiểu lầm là cơ sở của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Trên nhiều trang mạng xã hội đã xuất hiện các cơ sở, phòng khám giả mạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để thu hút người bệnh.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có lẽ là một trong các bệnh viện bị mạo danh nhiều nhất. Năm trước, trên mạng xã hội tràn lan thông tin Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức du lịch khám bệnh, bán thực phẩm chức năng, dược phẩm. Gần đây, trên Facebook lại xuất hiện fan page "Viện Quân y 108" và khẳng định là fan page chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, rồi lấy hình ảnh của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và sao chép các bài viết trên trang fanpage thật của Bệnh viện để đăng.

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Ngoài ra, còn có một số trang khác cũng cố tình lấy tên gọi lập lờ để người dân hiểu nhầm là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cùng với việc sử dụng trái phép logo, hình ảnh của Bệnh viện.

Đại diện Bệnh viện này cho biết, nhiều người vì tin tưởng các trang mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nên đã đến đó phẫu thuật thẩm mỹ, hậu quả là nhiều trường hợp tai biến đã phải đưa đến điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã khẳng định: Bệnh viện không tổ chức kinh doanh bất kỳ sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng nào bằng hình thức trực tuyến; cũng không cung cấp thuốc tại các cơ sở nào ngoài địa chỉ số 1, đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Rõ ràng, việc mạo danh bệnh viện, nhằm lừa dối bệnh nhân có thể gây ra những hậu quả khôn lường, không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Vì thế, các cơ quan quản lý rất cần phải mạnh tay để xóa bỏ tình trạng mạo danh ở lĩnh vực sức khỏe này.

Hành vi mạo danh bệnh viện vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác và vi phạm điểm n, khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tùy thuộc vào tính chất, hậu quả gây ra, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Việc mạo danh bệnh viện còn vi phạm điểm d, khoản 1 Điều 8 - Luật An ninh mạng năm 2018 về việc sử dụng không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Gây thiệt hại, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ. Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 288 - Bộ luật Hình sự năm 2015 thì chủ thể vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông". Tùy theo mức độ mà người vi phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.