Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 31/7, hôm thứ Ba, 28/7, phía Trung Quốc tuyên bố rằng quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã triệt thoái, cách ly tiếp xúc ở hầu hết các địa điểm trên tuyến một; tuy nhiên, phía Ấn Độ ngày 30/7 đã bác bỏ điều này. Truyền thông Ấn Độ tiết lộ rằng Ấn Độ đã quyết định tăng thêm 35.000 quân tới biên giới với Trung Quốc, nói rằng lực lượng quân đội Ấn Độ mới được triển khai có ưu thế rõ ràng hơn so với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo The Times of India và nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ khác, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 30/7 đã ra tuyên bố nói rằng mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đã đạt được một số tiến bộ trong việc cách ly tiếp xúc quân sự, nhưng quá trình rút quân ở phía đông Ladakh vẫn chưa được hoàn thành.
Tuyên bố này đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng các lực lượng ở tiền tuyến của hai nước đã "hoàn thành" việc cách ly tại hầu hết các khu vực trên tuyến biên giới.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) tuyên bố tại một cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 28/7 rằng lực lượng phòng thủ biên giới của Trung Quốc và Ấn Độ đã hoàn thành cách ly tiếp xúc ở hầu hết các địa điểm, tình hình hiện nay tiếp tục phát triển theo hướng hòa hoãn và hạ nhiệt.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ R. Singh tin tưởng vào khả năng của không quân nước này (Ảnh: Đa Chiều).
|
Ông Uông Văn Bân chỉ ra rằng, cả Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang tích cực chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 5 để nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn lại tại thực địa.
Ông Anurag Srivastava, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, cho biết: “Một số tiến bộ đã được thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này, nhưng quá trình cách ly tiếp xúc quân đội vẫn chưa được hoàn thành”.
Ông nói rằng các chỉ huy cấp cao từ Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gặp nhau trong "tương lai gần" để xác định các bước trong vấn đề này.
Theo báo India Express ngày 30/7, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông (Sun Weidong) đã bác bỏ thông tin về việc Trung Quốc mở rộng yêu sách lãnh thổ ở khu vực hồ Pangong.
Tôn Vệ Đông nói rằng tại bờ phía bắc của hồ Pangong, đường biên giới truyền thống của Trung Quốc trùng với Đường kiểm soát thực tế (LAC). Ông nói: "Đường biên giới truyền thống của Trung Quốc trùng với đường kiểm soát thực tế. Và không tồn tại Trung Quốc mở rộng yêu sách lãnh thổ. Trung Quốc hy vọng quân đội Ấn Độ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các Hiệp định và Nghị định thư liên quan giữa hai nước và tránh vượt trái phép qua đường kiểm soát thực tế vào phần đất Trung Quốc”.
Tin cho biết, dự kiến vòng đàm phán thứ 5 giữa các chỉ huy cấp quân đoàn hai bên sẽ được tổ chức trong vài ngày tới và Tôn Vệ Đông đã nói điều này trước khi diễn ra vòng đàm phán mới này.
Cơ quan truyền thông Ấn Độ Timesnow News ngày 30/7 đưa tin, do không có dấu hiệu giải quyết được cuộc đối đầu Trung-Ấn nên Ấn Độ đang chuẩn bị gửi thêm 35.000 binh sĩ tới biên giới hai nước.
Sau 4 vòng đàm phán cấp quân đoàn, hai bên vẫn chưa hoàn tất việc cách ly quân đội ở tuyến trước (Ảnh: Đa Chiều).
|
Theo báo này, quân đội Ấn Độ được triển khai ở phía đông Ladakh có ưu thế hơn PLA, bởi vì các binh sĩ Ấn Độ mới được triển khai đã phục vụ ở Siachen và các khu vực cao độ khác trong điều kiện độ cao và nhiệt độ lạnh và đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ứng phó với điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt.
Ngược lại, quân đội Trung Quốc được triển khai dọc theo đường kiểm soát thực tế của Trung Quốc và Ấn Độ được điều từ nội địa Trung Quốc tới và không thích nghi với điều kiện thời tiết cực lạnh ở vùng núi cao.
Thông tấn xã Ấn Độ ANI nói, quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị cung cấp cho các đơn vị quân đội Ấn Độ mới được triển khai ở phía đông Ladakh các cabin di động để sử dụng trong điều kiện thời tiết cực lạnh.
Một ngày trước đó, ngày 29/7, lô đầu tiên gồm 5 máy bay chiến đấu Rafale được Ấn Độ mua từ Pháp đã về đến căn cứ không quân Ambala ở Haryana, Ấn Độ. Theo truyền thông Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã sử dụng sự xuất hiện của các máy bay Rafale để đưa ra những cảnh báo ngầm cho Trung Quốc, rằng Rafale có khả năng tấn công mạnh mẽ và nhiều căn cứ không quân Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu.
Hôm 17/7, Bộ trưởng Quốc phòng Rajanth Singh tới thăm quân đội ở tiền tuyến Ladakh, phát biểu nhấn mạnh quyết không để người nào xâm chiếm lãnh thổ dù chỉ một tấc đất của Ấn Độ (Ảnh: Đa Chiều).
|
Tổng tư lệnh của Không quân Ấn Độ RKS Bhadauria đã dự lễ tiếp nhận máy bay chiến đấu Rafale ở Ambala và gặp các phi công lái máy bay chiến đấu về Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 29/7 đã đăng một thông điệp bằng tiếng Phạn trên Twitter, nhấn mạnh tầm quan trọng của máy bay chiến đấu Rafale đối với an ninh quốc gia Ấn Độ.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajanth Singh cho biết, các máy bay chiến đấu Rafale đã giúp nâng cao khả năng của Không quân Ấn Độ. Ông Singh nói: "Nếu ai đó lo lắng hoặc chỉ trích khả năng mới này của không quân Ấn Độ, thì đó chính là những người muốn đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.
Ngày 29/7, trang web Đài Truyền hình New Delhi (NDTV) đã đăng một bài viết đánh giá có tên "Điều gì khiến Rafale của Ấn Độ trở nên hùng mạnh trước Trung Quốc và Pakistan".
Bài báo bình luận về lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, cho rằng ông Singh đã sử dụng việc máy bay chiến đấu Rafale tới Ấn Độ để đưa ra cảnh báo ngầm cho nước Trung Quốc láng giềng về tranh chấp lãnh thổ.
Theo bài báo, máy bay chiến đấu Rafale của Pháp được biết đến với ưu thế trên không và độ tấn công chính xác cao. Đây là lần mua máy bay chiến đấu quy mô lớn đầu tiên kể từ khi Ấn Độ nhập khẩu máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga 23 năm trước.
Máy bay chiến đấu Rafale có thể tấn công các mục tiêu trên không cách xa 150 km và có thể tấn công mục tiêu trên bộ trong lãnh thổ đối phương từ xa 300 km trong khi vẫn đảm bảo an toàn, khiến nó trở thành một trong những máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất thế giới.
Loại máy bay này có thể mang theo một loạt vũ khí uy lực mạnh mẽ. Các tên lửa không đối không tầm xa Meteo, tên lửa hành trình SCALP và hệ thống vũ khí MICA của hãng sản xuất tên lửa châu Âu MBDA sẽ trở thành vũ khí chính của máy bay chiến đấu Rafale.
Tên lửa Meteo có thể nhắm vào máy bay địch từ khoảng cách 150 km, có thể phá hủy máy bay địch trước khi tiếp cận máy bay Ấn Độ.
Bài báo bình luận rằng nếu Ấn Độ có khả năng này trong trận không chiến với Pakistan năm 2019, tin rằng nhiều máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan đã bị phá hủy.
Rafale cũng được trang bị tên lửa hành trình SCALP, có thể tấn công các mục tiêu cách xa 300 km. Điều này có nghĩa là một máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ấn Độ cất cánh từ căn cứ không quân Ambala sẽ có thể phóng những vũ khí này từ không phận Ấn Độ và bắn trúng mục tiêu ở vùng nội địa Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajanth Singh chụp ảnh chung với lính xe tăng tại mặt trận ở Ladakh (Ảnh: Đa Chiều).
|
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố, theo thỏa thuận việc bàn giao tất cả 36 máy bay Rafale sẽ được hoàn thành trước cuối năm 2021 theo kế hoạch. Trong số 36 máy bay này, 30 chiếc là máy bay chiến đấu và 6 chiếc là máy bay huấn luyện.
Truyền thông Ấn Độ The Print nói, hiệu suất của máy bay chiến đấu Rafale "vượt xa so với F-16 được Pakistan sử dụng và thậm chí cả J-20 của Trung Quốc".
Cựu Tư lệnh Không quân Ấn Độ, BS Dhanoa, nói với Hindustan Times: hiệu suất của Rafale và các hệ thống vũ khí hỗ trợ của nó đủ để gây ra mối đe dọa cho Trung Quốc. Các căn cứ không quân Hòa Điền và sân bay Gonggar Lhasa đều có thể trở thành mục tiêu tấn công của nó”.
Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc ngày 30/7 bình luận, mối nguy hiểm hiện tại không phải là Rafale có thể xử lý J-20 như thế nào, mà kiểu máy bay đại diện cho trình độ công nghệ những năm 1980-1990 này khiến người dân Ấn Độ tự tin quá mức. Không quân Ấn Độ dường như cũng đắm chìm trong cảm giác vượt trội phi thực tế. Điều này có thể khiến Không quân Ấn Độ sử dụng Rafale để thực hiện các hành động phiêu lưu quân sự, bay đến những nơi mà họ không nên đến để làm những việc họ không nên làm.