Biên giới Trung - Ấn ngày thêm căng thẳng, hai bên đang tiến gần hơn tới chiến tranh

VietTimes – Đối đầu ở biên giới Trung-Ấn vẫn tiếp diễn. Mặc dù cả hai bên đều đồng ý hạ nhiệt tình hình, nhưng hai quân đội vẫn tiếp tục tăng cường triển khai trong khu vực tranh chấp.  
Tình hình biên giới Trung - Ấn ngày càng căng thẳng, cả hai bên đều gia tăng các hành động chuẩn bị chiến tranh (Ảnh: Đa Chiều).
Tình hình biên giới Trung - Ấn ngày càng căng thẳng, cả hai bên đều gia tăng các hành động chuẩn bị chiến tranh (Ảnh: Đa Chiều).

Hai bên ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh

Ngày 27/6, kênh Quân sự Quốc phòng đài CCTV phát hình ảnh Trung tướng Vương Hải Giang Tư lệnh Quân khu Tây Tạng đầu một đội đi tuần tra biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ và tô lại cột mốc biên giới với chữ "1962" rất nổi bật. Đây được cho là có ý đe dọa Ấn Độ khi gợi lại cuộc Chiến tranh biên giới năm 1962 với kết quả Trung Quốc chiếm một diện tích lớn lãnh thổ Ấn Độ.

Từ đầu tháng 5, biên giới Trung-Ấn đã căng thẳng. Vào ngày 15/6, quân hai bên đã xung đột ở Thung lũng Galwan, dẫn đến hàng chục người thương vong. Sau đó, Trung Quốc đã triển khai tới đây 5 đội "dân binh" được đặt tên là Tuyết Ưng, Tuyết Cáp, Tuyết Lang, Tuyết Hồ, Tuyết Ngao được huấn luyện chuyên nghiệp ở Tây Tạng, bao gồm những người có sở trường đặc biệt về thiết bị bay, thông tin liên lạc, leo núi, phản ứng nhanh và võ cận chiến để đối phó với phía Ấn Độ, gây ra sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. 

Tướng Vương Hải Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) dẫn quân tuần tra biên giới và sơn lại cột mốc có số 1962, động thái được cho là nhằm đe dọa Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).
Tướng Vương Hải Giang, Tư lệnh Quân khu Tây Tạng (Trung Quốc) dẫn quân tuần tra biên giới và sơn lại cột mốc có số 1962, động thái được cho là nhằm đe dọa Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương).

Nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ và một số phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin này. Tờ báo tiếng Anh nổi tiếng Hindustan Times cũng chỉ ra trong bài viết rằng trước khi triển khai lực lượng dân binh chiến đấu, có quân nhân Trung Quốc chỉ ra rằng Ấn Độ có ưu thế riêng của mình – có đội quân sơn cước với kinh nghiệm tác chiến vùng núi phong phú.

Ngoài ra, Quân khu Tây Tạng ngày 16/6 tiết lộ, một lữ đoàn của Quân khu Tây Tạng gần đây đã tổ chức một cuộc diễn tập “bạt điểm” (nhổ chốt) thực binh ba chiều. Một lữ đoàn chiến đấu đặc nhiệm của Quân khu Tây Tạng gần đây đã tổ chức một cuộc diễn tập cơ động mang vác nặng ở vùng núi tuyết cao nguyên để cải thiện khả năng thích ứng của binh sĩ với môi trường khắc nghiệt.

Mặc dù giới chỉ huy cấp cao quân đội hai bên đã đạt được sự đồng thuận trong việc hạ nhiệt cuộc xung đột đẫm máu, nhưng hai bên vẫn có những hành động mới trong khu vực tranh chấp. Hình ảnh do Công ty hình ảnh vệ tinh Maxar của Mỹ công bố vào ngày 22/6 cho thấy phía Ấn Độ đã xây dựng một rào chắn và phía Trung Quốc đã mở rộng một doanh trại tiền đồn.

Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, tướng Manoj Mukund Naravane: quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, tướng Manoj Mukund Naravane: quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Kênh tin tức tiếng Hindi của Ấn Độ Zee News đưa tin quân đội Ấn Độ đã triển khai ba sư đoàn với 45.000 binh sĩ ở khu vực biên giới Ladakh tranh chấp. Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, tướng Manoj Mukund Naravane mới đây nói, quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Trung Quốc ở Tuyến kiểm soát thực tế (LAC). Nguồn tin của Lục quân Ấn Độ cũng nói rằng họ đã được huy động đầy đủ để "đối phó với bất cứ điều gì có thể xảy ra". Các nguồn tin quân đội cho rằng các hoạt động huy động này có thể đảm bảo rằng bất kể Trung Quốc leo thang xung đột theo hướng nào, các lực lượng Ấn Độ đều có thể đáp ứng một cách thích hợp.

Tình hình hiện tại đã gây nên sự quan ngại của dư luận quốc tế. Các chuyên gia phân tích cho rằng điều này cho thấy căng thẳng vẫn tồn tại. Điều đáng lo ngại hơn nữa là liệu sẽ có nổ ra cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân. Hãng AP dẫn lời các chuyên gia nói rằng những lời nói và hành động của hai bên hiện nay phản ánh sự mong manh của Hiệp nghị biên giới Trung-Ấn.

Hãng tin Reuters ngày 27/6 phân tích cho rằng những hình ảnh vệ tinh mới "cho thấy thỏa thuận đã đạt được về việc thoát ly tiếp xúc giữa hai bên vẫn có nguy cơ bị phá vỡ”.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hai bên đã tiến hành xây dựng cấc cấu trúc mới trong thung lũng Galwan đang tranh chấp (Ảnh: AFP).
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hai bên đã tiến hành xây dựng cấc cấu trúc mới trong thung lũng Galwan đang tranh chấp (Ảnh: AFP).

Long Hưng Xuân, người đứng đầu nhóm chuyên gia tư vấn "Viện các vấn đề thế giới Thành Đô", nói với BBC: "Tôi không hiểu nội tình hiện tại ở biên giới, nhưng hai bên không có sự đồng thuận về LAC. Trung Quốc không chấp nhận phiên bản LAC của Ấn Độ; Ấn Độ cũng không chấp nhận LAC phiên bản Trung Quốc”.

Ông Nathan Ruser, một chuyên gia về dữ liệu vệ tinh tại Viện Chính sách chiến lược Australia, nói căng thẳng ở biên giới Trung Quốc và Ấn Độ "không hề có dấu hiệu hạ nhiệt".

Các chuyên gia quân sự: cơ hội xung đột vũ trang Trung - Ấn đã gia tăng 

Trang Deutsche Welle ngày 29/6 đăng bài cho rằng, kể từ khi cuộc xung đột quân sự tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra ở biên giới hôm 15/6, quan hệ song phương đã trở nên rất căng thẳng. Cuối tuần trước, một số cơ quan truyền thông đều cho rằng cả hai bên không có ý định lùi bước, mà thay vào đó tố cáo bên kia đã phá hoại thỏa thuận, dẫn đến việc cả hai nước tăng cường triển khai quân sự biên giới để chống lại.

Tờ South China Morning Post, Hồng Kông ngày 27/6 cho biết các chuyên gia quân sự Trung Quốc phái cứng rắn kêu gọi Bắc Kinh cần chuẩn bị tốt cho sự leo thang xung đột biên giới giữa hai nước, nhấn mạnh rằng cơ hội xung đột vũ trang giữa hai nước đang ngày càng tăng.

Quân đội Ấn Độ tăng cường ra biên giới (Ảnh: Grtty).
Quân đội Ấn Độ tăng cường ra biên giới (Ảnh: Grtty).

Một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu của Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh trao cho các binh sĩ ở tiền tuyến nhiều quyền hơn để chống lại "cuộc xâm nhập bất hợp pháp" của binh lính Ấn Độ và triển khai các vũ khí công nghệ cao không gây chết người ở biên giới.

South China Morning Post cho biết một tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu đã phân tích trên WeChat rằng mặc dù khả năng xảy ra xung đột vũ trang toàn diện giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn thấp, Trung Quốc không nên đánh giá thấp khả năng phản công của Ấn Độ.

Ông viết: "Nếu chúng ta phải gây chiến với Ấn Độ, Trung Quốc cần phải “tiên phát chế nhân” hạn chế tối đa quy mô của cuộc xung đột vũ trang và mục tiêu chính là đánh bại khí thế của quân đội Ấn Độ”.

Một tướng hải quân và là chuyên gia quân sự Trung Quốc đã nghỉ hưu khác là Vương Vân Phi đã viết bài đăng trên một tạp chí Trung Quốc cho rằng chính phủ Trung Quốc nên cho phép quân đội tiền tuyến trực tiếp phản kích cuộc xâm nhập bất hợp pháp của quân đội Ấn Độ mà không cần sự phê chuẩn của chính quyền trung ương.  

Ông ta viết: "Trung Quốc nên tăng cường các phương pháp trinh sát và giám sát ở khu vực biên giới. Một khi phát hiện thấy quân đội Ấn Độ đã vượt qua đường kiểm soát thực tế của Trung Quốc tấn công và quấy rối quân đội và địa phương, thì được kiên quyết phản kích và truy kích không hạn chế, có thể vào tới tung thâm bên trong Ấn Độ cho đến khi đánh bại quân đội Ấn Độ, buộc họ phải rút lui”.

Vương Vân Phi cũng nói quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng nâng cấp xung đột quân sự lên mức xung đột vũ trang. Ông viết: "Trước đây, xung đột thể xác giữa hai bên cơ bản là phía Ấn Độ vượt qua biên giới gây sự, dùng sức mạnh vượt qua ranh giới để chiếm giữ điểm xung yếu quân sự, nhằm tạo ra bố cục quân sự thuận lợi. Nếu tình huống trên xảy ra một lần nữa, Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp mạnh hơn, phá hỏng các thiết chế và thiết bị liên quan khác của đối phương, khiến họ mất nhiều hơn được”.

Vương Vân Phi đề nghị Trung Quốc nên cố gắng tận dụng vũ khí, thiết bị công nghệ cao và sử dụng vũ khí không cháy nổ, như vũ khí laser. Khi đối phó với tình huống ở bên phía đường kiểm soát của Trung Quốc, cũng có thể thử sử dụng khí tài chống bạo loạn như hơi cay, bom gây sốc, v.v. Nếu phía Ấn Độ dám tấn công bằng súng pháo, họ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả.

Đoàn xe thiết giáp của quân đội Trung Quốc hành quân ra biên giới (Ảnh: CCTV).
Đoàn xe thiết giáp của quân đội Trung Quốc hành quân ra biên giới (Ảnh: CCTV).

Ông nói rằng sau khi các quan chức quốc phòng và ngoại giao Trung Quốc-Ấn Độ gặp nhau vào tuần trước, nếu tình hình biên giới Trung-Ấn dịu bớt, điều đó có nghĩa là hai bên đã đạt được mục tiêu dự kiến sau nhiều lần đàm phán. Tuy nhiên, nếu tình hình không được dịu bớt, điều đó cho thấy hai bên không tin tưởng nhau trong lĩnh vực quân sự. Ông viết: "Trung Quốc đã đến bước ngoặt quan trọng dùng quân sự làm bổ trợ cho các cuộc đàm phán”.

Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin phía Ấn Độ đã ra lệnh cho các tướng lĩnh tiền tuyến sử dụng hỏa lực pháo binh để đánh trả khi tình hình nguy cấp, chính phủ Ấn Độ cũng đã khẩn trương sử dụng kinh phí để tăng cường vũ khí và hỏa lực pháo binh cho lực lượng biên giới. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố rằng Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn binh lính và vũ khí ở biên giới, động thái này đã vi phạm các hiệp định song phương, do đó Ấn Độ phải áp dụng sách lược tương tự để đối phó.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn truyền thông Ấn Độ, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri tuyên bố rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Thung lũng Galwan và vùng Ladakh là hoàn toàn không phù hợp với thực tế và Trung Quốc nên hiểu rằng họ có nghĩa vụ giảm bớt không khí căng thẳng trong làn sóng xung đột biên giới lần này. Ông nói rằng Trung Quốc có nghĩa vụ phải thực hiện tiếp cận thận trọng đối với quan hệ Trung-Ấn và sử dụng điều này để xác định phương hướng phát triển của quan hệ song phương.