Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công việc xử lý thuốc kháng sinh trong môi trường nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam vừa công bố nghiên cứu thành công việc xử lý thuốc kháng sinh trong môi trường nước. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong góp phần ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở nước ta.

Xử lý thành công thuốc kháng sinh trong môi trường nước sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam
Xử lý thành công thuốc kháng sinh trong môi trường nước sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam

Đây là công trình do TS. Nguyễn Thị Thanh Hải và nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thực hiện, nhằm chế tạo vật liệu có khả năng hấp phụ và có hoạt tính quang xúc tác cao, giúp loại bỏ dư lượng thuốc kháng sinh trong môi trường nước.

Kết quả này giúp giải quyết vấn đề cấp thiết hiện nay là ngăn chặn sự xuất hiện của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Hải - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nói trên, dư lượng thuốc kháng sinh được xếp vào loại các chất ô nhiễm mới trong môi trường, do sự gia tăng sử dụng, thải bỏ vào môi trường và các hoạt tính sinh học của chúng.

thanhhaimoitruong3.jpg
TS. Nguyễn Thị Thanh Hải - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu (ảnh: VAST)

Vấn đề dư lượng thuốc kháng sinh trong môi trường nước được đặc biệt quan tâm vì tính chất phức tạp cũng như đặc tính ức chế các quá trình phân hủy các hợp chất hữu cơ.

Trong số nhóm kháng sinh thường được sử dụng trong điều trị bệnh, ciprofloxacin và levofloxacin thuộc nhóm quinolone hay còn gọi là fluoroquinolone (FQ), là loại thuốc được sử dụng nhiều thứ tư cho con người và rất hữu ích trong điều trị nhiễm trùng sau phẫu thuật.

Để kiểm soát rủi ro của thuốc kháng sinh nói chung và FQs nói riêng đối với môi trường và sức khỏe con người, việc tìm hiểu nguồn gốc và xử lý chúng trong môi trường đã và đang được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm. Loại bỏ dư lượng thuốc kháng sinh có trong nước thải trước khi thải ra môi trường xung quanh là điều rất quan trọng.

Sau quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Công nghệ môi trường đã chế tạo thành công vật liệu bismuth oxyiodide - BiOI có khả năng hấp phụ và quang xúc tác phân huỷ kháng sinh ciprofloxacin và levofloxacin (thuộc nhóm fluoroquinolone) trong môi trường nước.

Đồng thời, nhóm cũng xây dựng được quy trình chế tạo vật liệu BiOI trong điều kiện nhiệt độ phòng (BiOI-R) và phương pháp nhiệt dung (BiOI-S). Quy trình này dễ thực hiện, có độ lặp và tính ổn định cao.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công hệ thử nghiệm quang xúc tác sử dụng vật liệu BiOI-S và áp dụng loại bỏ dư lượng kháng sinh ciprofloxacin và levofloxacin trong mẫu nước thải y tế, hiệu quả xử lý kháng sinh đạt 84-89% dưới điều chiếu sáng của mặt trời.

Đây là một phương pháp có thể áp dụng vào thực tế để xử lý môi trường nước nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh.

thanhhaimoitruong2.jpg
Hệ xúc tác quang hóa quy mô 10L/ngày xử lý kháng sinh nhóm fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin) trong nước (ảnh: VAST)

Đáng nói là kết quả nghiên cứu này có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, bởi quy trình chế tạo và sử dụng vật liệu xử lý kháng sinh đơn giản, thuận tiện.

Sử dụng vật liệu mao quản trung bình BiOI để xử lý kháng sinh nhóm fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin) trong môi trường nước là quy trình công nghệ mới ở Việt Nam. Đây là loại công nghệ đơn giản, có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, tương đương với các công nghệ đang được ứng dụng ở các nước tiên tiến.

Với thành công này, nhóm nghiên cứu đã công bố hàng loạt bài báo trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.

Hiện, công trình này đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đăng ký sáng chế.

TS. Nguyễn Thị Thanh Hải cho biết, với những kết quả đã đạt được, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu quá trình phân huỷ của kháng sinh nhóm fluoroquinolon nói chung và ciprofloxacin, levofloxaxin nói riêng trong môi trường nước, để đánh giá được các dạng tồn tại cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phân huỷ chúng trong môi trường nước.