Một bệnh nhân “thập tử nhất sinh” vì vi khuẩn đa kháng thuốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Kể từ khi phát hiện bị nhiễm trùng do vi khuẩn đa kháng thuốc, người đàn ông hơn 60 tuổi đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm.

PGS. TS. Đào Xuân Thành – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)
PGS. TS. Đào Xuân Thành – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)

Nhằm tăng cường nhận thức cho người dân về phòng, chống kháng thuốc, tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng tuần lễ phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta”

Bên lề cuộc mít tinh hưởng ứng tuần lễ phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức vào chiều nay (25/11), PGS. TS. Đào Xuân Thành – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đã chia sẻ với PV VietTimes về một bệnh nhân lớn tuổi đang phải chống chọi với vi khuẩn đa kháng thuốc.

Đó là một bệnh nhân nam, hơn 60 tuổi, sống ở Hải Phòng, vào viện cách đây 2 tuần do bị bệnh rối loạn tắc nghẽn thông khí phổi và nhiễm trùng vì vi khuẩn đa kháng thuốc.

Theo PGS. TS. Đào Xuân Thành về mặt nguyên tắc, vi khuẩn chỉ có thể tiêu diệt bằng thuốc kháng sinh (Ảnh: Minh Thuý)

Theo PGS. TS. Đào Xuân Thành về mặt nguyên tắc, vi khuẩn chỉ có thể tiêu diệt bằng thuốc kháng sinh (Ảnh: Minh Thuý)

Trước đó, bệnh nhân đã đến nhiều bệnh viện khác nhau để điều trị. Lần điều trị đầu tiên của bệnh nhân là ở một bệnh viện tại địa phương. Sau khi điều trị ở bệnh viện này, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng. Sau đó, bệnh nhân đã đến một bệnh viện ở tuyến trên với mong muốn chữa trị dứt điểm, nhưng tình trạng nhiễm trùng lại ngày một nặng hơn. Sau khi mổ 2 lần ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân vẫn bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng này xảy ra là do cơ thể bệnh nhân có vi khuẩn đa kháng thuốc.

Về mặt nguyên tắc, vi khuẩn chỉ có thể tiêu diệt bằng thuốc kháng sinh bởi vi khuẩn rất nhỏ, mắt thường không thể nhìn thấy. Không chỉ vậy, việc phẫu thuật không có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, vì phẫu thuật viên chỉ có thể làm sạch những điểm có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo PGS. TS. Đào Xuân Thành, việc điều trị cho bệnh nhân này vô cùng khó khăn vì các loại thuốc kháng sinh gần như không có tác dụng, hoặc tác dụng rất ít, không đáng kể. Trong tương lai, quá trình điều trị cho bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn.

Qua tìm hiểu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tụ cầu vàng đa kháng, cơ thể có trực khuẩn mủ xanh (thường xuất hiện trong môi trường bệnh viện) và đến nay, bệnh nhân tiếp tục bị nhiễm vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đa kháng kháng sinh.

Một siêu vi khuẩn đa kháng thuốc (Ảnh minh hoạ)

Một siêu vi khuẩn đa kháng thuốc (Ảnh minh hoạ)

Bệnh nhân vừa được phẫu thuật vào hôm qua (24/11) và đang tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. “Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ đã làm sạch ổ nhiễm trùng, ổ viêm cho bệnh nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mô lành phát triển – giúp kháng sinh xâm nhập. Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh nhân tương đối xấu. Tính cả lần mổ vào ngày hôm qua tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân đã mổ tổng cộng 7 lần (các bác sĩ phát hiện vi khuẩn kháng kháng sinh của bệnh nhân ở lần mổ thứ 2)” – ông Thành nói.

Từ trường hợp của bệnh nhân trên, PGS. TS. Đào Xuân Thành khuyến cáo: Mỗi người dân phải sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách. Nếu chỉ hơi ho, sốt, đau,… thì không nên tự ý mua thuốc kháng sinh ở nhà thuốc để điều trị tại nhà. Mặc dù Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Quản lý Dược đã nỗ lực kiểm soát thuốc kháng sinh, nhưng vẫn chưa thể kiểm soát hết được. Vì vậy, cần có một chế tài mạnh mẽ hơn nữa để phòng, chống kháng thuốc.

Cùng với đó, các nhân viên y tế cần trang bị cho bản thân kiến thức cần thiết khi nào thì sử dụng thuốc kháng sinh và dùng thuốc kháng sinh thuộc loại nào. Thực tế, không ít bác sĩ muốn sử dụng thuốc kháng sinh mạnh nhất, đắt tiền nhất để điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh nhanh. Tuy nhiên, người bác sĩ điều trị không để bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh mà khỏi bệnh thì mới là bác sĩ giỏi.

TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)

TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Minh Thuý)

Cũng thông tin về vấn đề kháng kháng sinh, TS. BS. Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Trường Đại học Y Hà Nội - cho hay: Nhiều trường hợp bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng nhiễm trùng rất nặng như viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, các bác sĩ phải dùng những kháng sinh cực mạnh để điều trị. Tuy nhiên, nếu tìm được chẩn đoán hợp lý thì bệnh nhân sẽ không phải sử dụng kháng sinh nặng.

"Mỗi bác sĩ lâm sàng hoặc một nhân viên y tế đều phải lựa chọn kháng sinh phù hợp nhất, để có thể chữa trị hiệu quả cho bệnh nhân chứ không phải sử dụng kháng sinh phổ rộng, mạnh nhất" - TS. BS. Vũ Quốc Đạt nhấn mạnh.