Các công ty công nghệ đã cố gắng ngăn chặn video vụ xả súng ở New Zealand lan truyền trên mạng như thế nào?

VietTimes – Facebook, Google và Twitter đang nỗ lực gỡ bỏ các video liên quan đến vụ xả súng ở Christchurch, New Zealand hôm 15/3 vừa qua. Nhưng sự lan truyền của video này dường như vượt quá tầm kiểm soát của các trang mạng xã hội.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường sau khi vụ xả súng xảy ra (ảnh: Variety)
Cảnh sát có mặt tại hiện trường sau khi vụ xả súng xảy ra (ảnh: Variety)

Các hãng công nghệ lớn đang sở hữu các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Google, Twitter đang tìm cách xóa các video về vụ xả súng khiến 49 người chết và 49 người bị thương tại 2 nhà thờ ở Christchurch, New Zealand hôm thứ Sáu vừa qua.  

Video gốc của vụ xả súng được cho là của kẻ sát nhân người Úc có tên là Brenton Tarrant. Anh ta đã livestream trên Facebook toàn bộ vụ xả súng, từ lúc anh ta đi xe hơi đến nhà thờ, cho đến khi anh ta vác súng vào bắn từng người một.

Các tài khoản được liên kết với Tarrant cũng đã chia sẻ một tài liệu dài 74 trang về các chủ đề “da trắng thượng đẳng”, nhằm biện minh cho vụ xả súng. Tarrant là một kẻ theo tư tưởng cực hữu, chống nhập cư và coi người da trắng là thượng đẳng.

Video gốc sau đó đã được một số người sao chép và đăng tải lại trên Facebook. Mặc dù cảnh sát New Zealand đã yêu cầu công chúng không chia sẻ video liên quan đến vụ xả súng tang thương, nhưng video này vẫn tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Chân dung kẻ sát nhân ở New Zealand (ảnh: Heavy.com)
Chân dung kẻ sát nhân ở New Zealand (ảnh: Heavy.com)

Sáng ngày thứ Bảy, một ngày sau vụ xả súng đẫm máu ở Christchurch, New Zealand, Facebook thông báo hãng này đã gỡ bỏ đoạn livestream gốc và tài khoản đăng tải video đó. Hãng cũng đã xóa một tài khoản Instagram. Twitter cũng đã đình chỉ tài khoản của Tarrant.

Nhưng xóa video gốc không thể ngăn người khác tải lên các bản copy của video cũng như tài liệu tuyên ngôn “da trắng thượng đẳng” của Tarrant.

Nhiều người dùng đã tìm cách qua mặt bộ lọc nội dung của Facebook, Google bằng cách viết sai chính tả cho cái tên của video gốc hoặc tên kẻ sát nhân, để có thể tải và chia sẻ video.

Thậm chí một page khá nổi tiếng trên Facebook của Việt Nam cũng đăng tải video này, sau đó thì đã xóa đi nhưng các thành viên của page vẫn tiếp tục chia sẻ đường link video từ nước ngoài trong phần bình luận.

Google đã xóa một video được đăng lại sau khi trang Business Insider gắn cờ. Facebook cũng thừa nhận một nguồn video khác có trên nền tảng của mình sau khi được Business Insider thông báo.

"Trái tim của chúng tôi hướng về các nạn nhân, gia đình của họ và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi hành động khủng khiếp này", phát ngôn viên của Facebook, Mia Garlick, nói. "Cảnh sát New Zealand đã cảnh báo chúng tôi về một video trên Facebook ngay sau khi buổi livestream bắt đầu và chúng tôi đã nhanh chóng xóa cả tài khoản Facebook và Instagram của người quay và video”.

“Chúng tôi sẽ xóa bỏ bất kỳ lời bình luận nào cổ vũ cho hành động khủng bố này, cũng như các video về vụ khủng bố. Facebook sẽ tiếp tục làm việc với cảnh sát New Zealand khi các cuộc điều tra của họ vẫn đang diễn ra”, đại diện Facebook cho biết.

Twitter xác nhận họ đã gỡ xuống các bản sao của video.  "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước vụ xả súng ở thành phố Christchurch ngày hôm nay", một phát ngôn viên nói. "Twitter có các quy trình nghiêm ngặt và một đội ngũ chuyên trách để quản lý các tình huống khẩn cấp như thế này. Chúng tôi cũng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để tạo điều kiện cho các cuộc điều tra của họ".

Còn phát ngôn viên của Google thì khẳng định: “Trái tim của chúng tôi hướng về những nạn nhân của thảm kịch khủng khiếp này. Nội dung gây sốc, bạo lực sẽ không có chỗ đứng trên nền tảng của chúng tôi. Chúng sẽ bị xóa ngay khi chúng tôi phát hiện ra điều đó. Chúng tôi sẽ hợp tác với nhà chức trách”.

Nhà thờ nơi vụ thảm sát xảy ra (ảnh: Yle.fi)
Nhà thờ nơi vụ thảm sát xảy ra (ảnh: Yle.fi)

Tuy nhiên, Business Insider cho biết hiện vẫn tìm được các đường link đến tuyên ngôn của Tarrant trên Twitter và Google. Bằng cách nào đó, video vụ xả súng vẫn được chia sẻ trên Internet.

Các công ty truyền thông xã hội không phải là những đơn vị duy nhất bị chỉ trích. Các trang báo online như MailOnline, The Sun và Daily Mirror đã nhận được rất nhiều lời phàn nàn vì lưu trữ các phần phát ngôn của Tarrant hoặc các đoạn phim được chỉnh sửa của đoạn video gốc.

Xem ra, việc ngăn chặn một video xấu lan truyền trên mạng không hề dễ dàng đối với các trang mạng xã hội, khi người ta có trăm nghìn cách để qua mặt bộ lọc. VietTimes xác nhận cho đến khi bài viết này lên trang, một đường link video trên Internet vẫn chưa bị chặn.