Đó là những trao đổi đáng lưu ý theo công bố của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tại Hội thảo lần thứ 2 của Hội đồng Đối tác An toàn do TikTok Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS – thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) tổ chức.
Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên trong độ tuổi 15-24. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng internet (68%) hoặc học từ bạn bè (17%), rất ít học từ cha mẹ mình hoặc nhà trường, trong khi hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng CNTT, không dạy về sử dụng mạng an toàn. Chính vì thế, đây trở thành đối tượng nhạy cảm hàng đầu trên môi trường mạng.
Những người dùng Internet ở Việt Nam dành trung bình 3 giờ mỗi ngày để sử dụng mạng xã hội và chính trẻ em và thanh thiếu niên đang dẫn đầu trong việc tiếp thu và sử dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Để tránh rủi ro cho những người trẻ khi tiếp cận mạng xã hội, các doanh nghiệp không chỉ cần xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng phù hợp tuần thủ việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mà đặc biệt hơn, cần phải sẵn lòng chặn và bóc gỡ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo báo cáo của cộng đồng, các tổ chức trong liên minh tuân thủ nguyên tắc của liên minh và các tiêu chuẩn cộng đồng của doanh nghiệp.
“Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị tác động trong xã hội, đặc biệt trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng các em.
Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc chính sách TikTok VN (carvat xanh) và bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD trong phiên thảo luận.
|
Riêng khối doanh nghiệp công nghệ, việc thực hiện trách nhiệm và các tiêu chuẩn cộng đồng, cùng tham gia trong việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên - những khách hàng hiện tại và tương lai được an toàn và có những trải nghiệm ý nghĩa trên môi trường mạng là đặc biệt quan trọng”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD nói.
Là thành viên của Hội đồng Đối tác An toàn, MXH TikTok đồng thời công bố những biện pháp bảo vệ thông qua việc kết hợp công nghệ kiểm duyệt nội dung cùng với nhóm kiểm duyệt. Có mặt tại hơn 20 quốc gia và khu vực, bao gồm Việt Nam, hiện nay đội ngũ này có thể kiểm soát nội dung trên 36 ngôn ngữ - tăng 400% về mặt hỗ trợ ngôn ngữ so với năm ngoái.