Theo một giáo viên tiểu học ở tỉnh Kiên Giang, 3 năm trước, khi mới tiếp cận tài liệu “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”, giáo viên thấy lúng túng và khó khăn trong quá trình giảng dạy. Sau vài tháng thì quen dần và nay đã dạy thuận lợi hơn.
Mừng nhất là kết quả thu được bất ngờ, học sinh học theo sách “Công nghệ giáo dục” tiếp thu nhanh. Các em cũng phát âm chuẩn, nhanh, đọc to, rõ hơn so với cách dạy theo sách giáo khoa hiện hành. Cô giáo này cho rằng, nên dạy trẻ tiếp cận ngôn ngữ theo cách dễ nhất, hiệu quả nhất, chứ không nên đặt nặng tính khoa học vào để phân tích.
Trong khi đó, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hải Dương lại cho biết là trường của cô có áp dụng chương trình của GS Hồ Ngọc Đại và tôi thấy thay đổi là một thử thách quá lớn, không chỉ với trẻ nhỏ mà còn với phụ huynh và cả các giáo viên khối 2, 3, 4, 5 khi các em lên lớp.
Lấy ví dụ, ở trường của cô giáo này, các em học lớp 1 được dạy theo sách Công nghệ giáo dục, đánh vần "k" là "cờ". Khi lên lớp 2, giáo viên lại dạy theo chương trình, sách giáo khoa hiện hành. Cô giáo đánh vần "k" là "ca" và bị học sinh phản đối cho rằng cô dạy sai, dù cô đang dạy đúng theo sách giáo khoa. Như vậy là ai sai ai đúng?!
Giáo viên này cho rằng Bộ GD-ĐT nên thống nhất phương pháp dạy tiếng Việt trong cả nước, không nên cho phép song hành 2 cách đánh vần.
GS Hồ Ngọc Đại - Ảnh: Tri thức trẻ
|
Phát biểu với báo chí, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, phụ huynh hoang mang là do họ chỉ biết về những điều đã học, chỉ biết về cái cũ mà không biết cái mới. Ông cho rằng, cần phân biệt giữa “âm” và “chữ”. Trong đó, “âm” của tiếng Việt đã có từ hàng ngàn năm nay, còn “chữ” thì mới có được vài thế kỷ. Người lớn không nên theo trình độ của mình mà áp đặt với trẻ con.
Được biết, chương trình này của GS Hồ Ngọc Đại đang được giảng dạy tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước theo hình thức tự nguyện đăng ký. GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, phương pháp giảng dạy này là tối ưu, thuận tiện. Sau đó, lên các lớp học cao hơn thì sẽ có điều chỉnh để đưa về đúng chuẩn.
Khách quan đánh giá, TS Phạm Văn Tình – Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, thực ra cách gọi C, K, Q là “cờ” đã tồn tại hàng chục năm nay và số đông giáo viên tiểu học đã dạy như vậy để học sinh dễ tiếp thu thay vì phải gọi là “Xê”, “Ka”, “Quy”. Việc GS Hồ Ngọc Đại biên soạn sách giáo khoa cho cách gọi này chỉ là chính thức hóa cho cách dạy này mà thôi.
Ông cho rằng, chúng ta nên tôn trọng cách dạy của GS Hồ Ngọc Đại và cần lưu ý với ông về thực tế sau khi học sinh đã đọc thông viết thạo thì phải quay về với cách gọi là “Xê”, “Ka”, “Quy” cho đúng với chuẩn mà Bộ GD-ĐT đã quy định.