Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt trọng tâm tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

a-minh-hoa-2220.jpg
Bài giảng số và xây dựng kho học liệu số ở các địa phương, trong nhà trường không thể thiếu và trở thành đòi hỏi tất yếu để đáp ứng yêu cầu.

Đây là 1 trong các nhóm nhiệm vụ Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai trong năm 2024.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, việc thứ nhất, Bộ sẽ tổ chức triển khai Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, triển khai Nghị quyết của Chính phủ về giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ, hoàn thành dứt điểm các văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng chưa hoàn thành trong năm 2023. Tập trung triển khai xây dựng Luật Nhà giáo bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Thứ ba, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 - 5 tuổi và Nghị quyết về đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non; trình Chính phủ ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại các địa bàn khu công nghiệp.

Cùng với đó, tổ chức triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12; thẩm định bổ sung sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (nếu có); biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số lớp 4, lớp 5.

Đặc biệt, "chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025" - thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ.

Thứ tư, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để từng bước khắc phục tình trạng thiếu nguồn tuyển giáo viên, nhất là đối với môn học mới, môn học tích hợp. Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới đối với đội ngũ nhà giáo, nhân viên ngành Giáo dục.

Thứ năm, triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tăng cường kiểm định quốc tế các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo.

Thứ sáu, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đề xuất Chương trình đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, xóa phòng học tạm, xây dựng trường chuẩn quốc gia và mua sắm, sửa chữa trang thiết bị dạy học tối thiểu và Chương trình đầu tư phát triển giáo dục đại học để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Chỉ đạo, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định.

Thứ bảy, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; giáo dục quốc phòng, an ninh; giáo dục thể chất và tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng văn hóa học đường; tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Triển khai có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên.

Thứ tám, tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến để trao đổi kinh nghiệm, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh việc thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam. Triển khai hiệu quả các đề án, chương trình học bổng đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước.

Liên quan ứng dụng chuyển đổi số, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số dùng chung toàn ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Và nhiệm vụ thứ 10 liên quan việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng pháp luật và thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong giáo dục và đào tạo. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo./.