Cụ thể, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-BCT về việc kết thúc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc (mã vụ việc AD02).
Căn cứ Điều 16 Pháp lệnh chống bán phá giá của Việt Nam, thời hạn điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không quá 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra. Ngày 3/3, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh) đã kết thúc quá trình điều tra vụ việc AD02 và đã gửi dự thảo kết luận cuối cùng của vụ việc đến các bên liên quan.
Các bên liên quan trong vụ việc AD02 nêu trên đã đăng ký làm bên liên quan của vụ việc mà chưa nhận được dự thảo kết luận điều tra cuối cùng, vui lòng liên hệ với cán bộ phụ trách vụ việc để đảm bảo quyền và lợi ích của bên liên quan trong vụ việc theo địa chỉ: Phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh (25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam), điện thoại: (+84 4) 2220 5018.
Cơ quan này cũng lưu ý, các bên liên quan có ý kiến bình luận đến nội dung trong dự thảo kết luận điều tra cuối cùng, vui lòng gửi ý kiến bình luận dưới dạng văn bản đến Cục Quản lý cạnh tranh trước 17h ngày 10/3.
Trước đó, trong thời gian điều tra, ngày 1/9/2016, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sản phẩm thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc dao động từ 4%-38,34%.
Nhiều doanh nghiệp bị áp thuế ở mức cao như BX Steel Posco Cold Rollled Sheet (38,34%), Begang Steel (34,77%), Wuhan Iron & Steel Company (25,63%), các nhà sản xuất/xuất khẩu của Trung Quốc bị áp thuế chung là 38,34%.
Còn theo báo cáo công tác chính phủ do Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố, trong năm 2017, Trung Quốc sẽ giảm công suất thép của nước này ở mức khoảng 50 triệu tấn. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã cam kết cắt giảm công suất thép, song chưa đề ra mục tiêu cụ thể. Tuy nhiên, trong năm 2016, Trung Quốc đã giảm công suất sản xuất thép khoảng 65 triệu tấn.