Biển Đông căng thẳng: Philippines hối hả mua máy bay, tàu chiến

VietTimes -- Trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng gia tăng, Philippines đang thúc đẩy thực hiện kế hoạch hiện đại hóa quân sự giai đoạn 2, theo đó Philippines sẽ mua 12 máy bay chiến đấu đa dụng mới cao cấp hơn FA-50, và 1 tàu khu trục tên lửa mới.
Tổng thống Philippines thử súng ngắm của Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Tổng thống Philippines thử súng ngắm của Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Tăng cường hiện đại hóa quân đội

Theo tờ Thương báo Philippines ngày 10/6, kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Philippines đang được đẩy nhanh, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đồng ý tăng mua vài máy bay chiến đấu đa dụng và một tàu chiến.

Ngày 9/6, quan chức quân đội Philippines cho biết, trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự giai đoạn 2, ông Rodrigo Duterte đồng ý mua sắm 2 phi đội máy bay chiến đấu đa dụng và một tàu khu trục tên lửa hải quân hoàn toàn mới.

Theo sĩ quan cấp cao Philippines, với cái gật đầu của ông Rodrigo Duterte, bước tiếp theo chính là xác định quy cách của máy bay chiến đấu và tàu chiến, sau đó do cấp cao Bộ Quốc phòng và sĩ quan quân đội thảo luận và phê chuẩn.

Phía quân đội Philippines cho biết hiện nay, không quân Philippines dự định mua trước 12 máy bay chiến đấu đa dụng.

Động thái mua sắm này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng do tình trạng Trung Quốc “quân sự hóa” phi pháp khu vực. Philippines một mặt khôi phục quan hệ với Trung Quốc, mặt khác đẩy nhanh các bước hiện đại hóa quân sự để tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Được biết, kế hoạch hiện đại hóa quân sự giai đoạn 2 của Philippines dự định hoàn thành trước năm 2020, chính phủ Philippines cấp 289 tỷ Peso ngân sách cho kế hoạch mua sắm này.

Máy bay chiến đấu FA-50 Philippines mua của Hàn Quốc. Ảnh: The Japan Times.
Máy bay chiến đấu FA-50 Philippines mua của Hàn Quốc. Ảnh:  The Japan Times.

Trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự giai đoạn 1, chính phủ Philippines đã mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc, làm cho không quân Philippines đã quay lại thời đại siêu âm. Ngoài ra, 2 tàu khu trục mà công ty công nghiệp nặng Hyundai Hàn Quốc chế tạo cho Philippines cũng sẽ bàn giao vào năm 2020.

Theo tờ Thương báo Philippines, Chính phủ Philippines hiện còn đang xem xét quy cách của máy bay chiến đấu đa dụng dự định mua mới, loại máy bay mới sẽ cao cấp hơn so với máy bay chiến đấu FA-50 hiện có.

Philippines giảm tần suất tuần tra Biển Đông?

Trong một diễn biến khác, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 11/6, nghị sĩ phe đối lập Philippines Gary Alejano dẫn nguồn tin “quan chức quân đội và chính phủ” cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã hạ lệnh cấm quân đội nước này tuần tra ở “khu vực tranh chấp” trên Biển Đông để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Philippines - Trung Quốc.

Tuy nhiên, quân đội Philippines đã phản đối, bởi vì điều này trái ngược với trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ và nhân dân Philippines của họ. Có điều ông Gary Alejano cho biết, quân đội và phủ Tổng thống Philippines đã đạt được “thỏa hiệp”, sẽ giảm tần suất tuần tra tuyến đường chiến lược trên Biển Đông xuống còn 1 lần/tháng.

Nghị sĩ Gary Alejano thuộc đảng Magdalo, Philippines. Ảnh: Rappler.
Nghị sĩ Gary Alejano thuộc đảng Magdalo, Philippines. Ảnh: Rappler.

Gary Alejano từng phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến Philippines, là thành viên của đảng Magdalo, một chính đảng cánh hữu của Philippines. Ông từng nhiều lần lên án Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông. Gần đây, ông đã có ý kiến yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines phải tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngày 9/6, người phát ngôn quân đội Philippines đã lên tiếng cho rằng thông tin “Tổng thống Philippines ra lệnh cấm quân đội tuần tra Biển Đông” do ông Gary Alejano đưa ra hoặc là tin giả.

Người phát ngôn này nói: “Tổng thống chưa đưa ra lệnh cấm như vậy. Trên thực tế, hoạt động tuần tra của chúng tôi ở biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông) chưa chấm dứt”.