“Hợp tác trong lo ngại”
Mạng Tin tức Liên hợp (UDN) Đài Loan cho hay khi chủ trì hoạt động kỷ niệm tròn 1 năm đổi tên vùng biển Benham Rise thành Philippine Rise vào ngày 15/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhấn mạnh, Trung Quốc hầu như đòi hỏi toàn bộ Biển Đông, "biển Tây Philippines đang từng bước bị nuốt chửng (giống như tằm ăn dâu)".
Biển Tây Philippines là tên gọi mà chính phủ Philippines đặt tên cho một phần Biển Đông do họ đòi hỏi chủ quyền, về cơ bản là phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines - theo UDN.
Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết Philippines đã không thể làm gì được trước hành động bồi đắp xây đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, "ta (Philippines) sẵn sàng chiến đấu, nhưng chúng ta có thể thắng không?".
Ông cho rằng nổ ra chiến tranh ở Biển Đông với Trung Quốc "không bằng giành lấy tất cả những thứ có thể lấy".
Đối mặt với những tiếng nói yêu cầu chính phủ phải cứng rắn lên từ các lực lượng trong nước, ông Rodrigo Duterte đã đề cập đến hội nghị song phương đầu tiên giữa ông với ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.
Ông Rodrigo Duterte cho biết khi đó ông đã trực tiếp đề cập đến tranh chấp Biển Đông với ông Tập Cận Bình. Ông nói: "Ngài Chủ tịch, chúng ta đều là nước có chủ trương chủ quyền đối với các đảo, đá ngầm ở Biển Đông. Trong tay tôi có kết quả trọng tài vụ kiện Biển Đông. Có một ngày, tôi sẽ đòi phần của chúng tôi ở Biển Đông, tôi sẽ khoan dầu".
Ông Tập Cận Bình trả lời rằng Trung Quốc và Philippines vừa mới khôi phục quan hệ hữu nghị, hai nước đang bước vào thời đại mới, hy vọng Philippines không nên mạnh mẽ mặc cả vấn đề Biển Đông, hai bên sẽ có thời cơ thảo luận nó trong tương lai.
Trong cuộc đối thoại lần này, Trung Quốc cam kết cung cấp nhiều viện trợ quân sự và kinh tế cho Philippines.
Ông Rodrigo Duterte đổ lỗi việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cho cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III. Ông cho rằng, trong nhiệm kỳ của mình, ông Benigno Aquino III đã giành chiến thắng trong vụ kiện Biển Đông, nhưng không thể ngăn chặn các hành động bành trướng thực chất của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu, ông Rodrigo Duterte tái khẳng định, Philippines sẽ không từ bỏ chủ trương đối với Biển Đông, Manila kiên trì đến nay, đã thành công trong việc làm cho Trung Quốc sẵn sàng tìm kiếm biện pháp giải quyết.
Ông Rodrigo Duterte nói: "Họ (Trung Quốc) đề nghị cùng thăm dò, khai thác với chúng ta (Philippines). Họ còn nói, có lẽ các bạn có thể được phần nhiều hơn một chút. Chúng ta đợi xem".
Ông Rodrigo Duterte còn cho rằng tranh chấp Biển Đông không chỉ liên quan đến Philippines và Trung Quốc, mà còn liên quan đến các nước và vùng lãnh thổ khác, vì vậy đây là tranh chấp địa - chính trị phức tạp.
Philippines lần đầu tiên có tên lửa
Bên cạnh phát biểu của ông Rodrigo Duterte, báo chí Đài Loan ngày 14/5 còn dẫn lời Tư lệnh hải quân Philippines Robert Empedrad cho biết họ đang có kế hoạch lắp tên lửa chống tăng Spike ER do Israel chế tạo cho tàu đổ bộ để tự vệ, những tên lửa này rất có thể sẽ đưa vào sử dụng trong 3 tháng tới.
Tư lệnh Robert Empedrad cho biết đảo của Philippines nhiều, có đường bờ biển dài nhất thế giới, cần tăng cường năng lực phòng thủ của hải quân, vì vậy lắp vũ khí tự vệ cho tàu đổ bộ là rất cần thiết. Trong tương lai sẽ còn mua sắm ngư lôi, tàu ngầm và các trang bị phòng thủ chủ yếu khác.
Tàu chiến được lắp tên lửa Spike ER chủ yếu sẽ được triển khai ở tỉnh phía tây của đảo Palawan và đảo Zamboanga Sibugay ở miền nam Philippines. Đảo Palawan có phía tây đối diện với Biển Đông, trong khi các đảo, đá ngầm luôn là điểm nóng tranh chấp giữa Philippines với các nước.
Một sĩ quan giấu tên của Philippines cho biết đây là lần đầu tiên Philippines sở hữu hệ thống tên lửa. Trong tương lai, khi tuần tra “khu vực trách nhiệm” (AOR), hải quân Philippines sẽ có khả năng răn đe hơn. Ngoài ra, trong kế hoạch hiện đại hóa quân sự của chính phủ Philippines, trong tương lai sẽ có nhiều tàu chiến hơn được trang bị hệ thống tên lửa.