Bữa nhậu “quen thuộc” suýt lấy mạng người
Sáng 9/7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận ông N.N.T. (63 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, sau vài ngày ông ăn tiết canh và lòng lợn ở quán gần nhà.
Gia đình cho biết sau bữa ăn ba ngày, ông T. cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Đến sáng ngày 9/7, ông xuất hiện nhiều ban tím trên đầu, mặt, cổ và tứ chi, kèm theo khó thở nên được chuyển cấp cứu.
Trao đổi với VietTimes chiều nay, ThS.BS Phạm Thanh Bằng (Khoa Cấp cứu) cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, khó thở, chi lạnh, nổi vân tím toàn thân và xuất hiện ban tím nhiều vùng đầu, mặt. Bệnh nhân được đặt ống thở máy và lọc máu cấp cứu. Tuy nhiên, trong quá trình can thiệp, ông đột ngột ngừng tim và phải hồi sức tích cực.
Sau nỗ lực cấp cứu của 4 bác sĩ và hàng loạt nhân viên y tế khác, bệnh nhân đã tạm thời ổn định, nhưng nguy cơ diễn tiến nặng vẫn rất cao.
Vi khuẩn từ lợn có thể gây tử vong trong 24 giờ
Theo TS.BS Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, ông T. là một trong hai bệnh nhân đang phải điều trị tích cực vì sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis). Đây là loại vi khuẩn có thể lây từ lợn sang người qua đường tiêu hóa hoặc qua các vết thương hở khi tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn bệnh.
Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện như sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn tri giác. Đặc biệt, với thể nhiễm khuẩn huyết, bệnh nhân xuất hiện ban tím xuất huyết dưới da, bắt đầu từ vùng đầu – mặt – cổ rồi lan ra toàn thân. Trong nhiều trường hợp, bệnh tiến triển nặng trong chưa đầy 24 giờ, dễ dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến nhiễm liên cầu khuẩn lợn ở người là ăn các món chưa chín kỹ như tiết canh, lòng trần, nem chua… Vi khuẩn từ lợn bệnh có thể xâm nhập qua hệ tiêu hóa hoặc qua vết trầy xước trên da, đặc biệt ở những người giết mổ, chế biến hoặc chăm sóc lợn mà không có bảo hộ phù hợp.
TS. Hùng khuyến cáo mạnh mẽ: Tuyệt đối không ăn tiết canh, thịt lợn sống hoặc chưa chín kỹ, dù là món khoái khẩu. Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo hộ khi tiếp xúc với lợn, kể cả lợn khỏe trông bề ngoài; xử lý cẩn trọng các vết thương hở, tránh để vi khuẩn xâm nhập.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – nơi điều trị nhiều ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã nhiều lần tiếp nhận các bệnh nhân nguy kịch do liên cầu lợn, nhưng không phải ai cũng may mắn qua khỏi. Việc chủ quan, coi thường cảnh báo y tế và giữ thói quen ăn uống không an toàn có thể trả giá bằng tính mạng.