Hiểu đúng về khám chữa bệnh bằng BHYT, khám theo yêu cầu để không mất quyền lợi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỗi ngày, hàng nghìn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Để đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm y tế (BHYT), người dân cần nắm rõ điều kiện để được hưởng đúng tuyến, hiểu cách chi trả khi sử dụng dịch vụ.

Chuẩn bị giấy tờ đầy đủ – bước đầu để đảm bảo quyền lợi BHYT

BSCKII. Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai cho biết người tham gia BHYT khi đến khám, chữa bệnh (KCB) tại BV cần xuất trình thông tin về thẻ BHYT theo một trong các hình thức được quy định.

Nếu đã tích hợp thông tin thẻ BHYT vào căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử mức 2 trên ứng dụng VNeID, người bệnh chỉ cần mang theo các giấy tờ hoặc thiết bị có chứa thông tin này là đủ điều kiện tiếp nhận.

Trong trường hợp thông tin thẻ BHYT chưa được tích hợp, người dân cần mang theo thẻ BHYT hoặc mã số BHYT còn hiệu lực (có thể tra cứu trên hệ thống) và kèm theo một giấy tờ tùy thân có ảnh như căn cước công dân, hộ chiếu hoặc các giấy tờ xác nhận nhân thân hợp pháp khác.

z5807586776559_37cb99c1613407e90521d60bab8cd848.jpg
Người dân cần chuẩn bị đủ thủ tục khi đến khám ở tuyến chuyên sâu.

Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ cần xuất trình thẻ BHYT hoặc mã số BHYT; nếu chưa được cấp thẻ, cha mẹ có thể thay thế bằng giấy khai sinh, giấy chứng sinh (bản gốc hoặc bản sao) hoặc căn cước nếu đã có.

Trường hợp đang chờ cấp lại thẻ hoặc thay đổi thông tin thẻ BHYT, người bệnh cần mang theo giấy tiếp nhận hồ sơ cấp đổi và giấy tờ tùy thân để được đảm bảo quyền lợi khi đến khám.

Về vấn đề nhiều người dân băn khoăn là điều kiện để được hưởng BHYT khi khám tại BV tuyến trung ương như BV Bạch Mai, bác sĩ Trần Thái Sơn thông tin: Từ ngày 1/1/2025, theo quy định mới, BV Bạch Mai vẫn được xếp là cơ sở KCB tuyến trung ương, chuyên sâu kỹ thuật cao.

Vì vậy, để được hưởng quyền lợi BHYT khi khám ngoại trú, người bệnh cần đáp ứng một trong ba điều kiện: có giấy chuyển tuyến còn hiệu lực từ cơ sở y tế tuyến dưới; có phiếu hẹn khám lại do chính BV Bạch Mai cấp; hoặc mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh lý và nhóm bệnh hiểm nghèo, hiếm gặp, cần sử dụng kỹ thuật cao, được quy định tại Phụ lục 1 Thông tư 01/2025/TT-BYT.

Tuy nhiên, với các bệnh thuộc danh mục này, người dân cần lưu ý: nếu trong danh mục không ghi rõ được hưởng quyền lợi ngay trong lần khám đầu tiên thì chỉ sau khi có chẩn đoán xác định từ một cơ sở y tế đủ điều kiện, quyền lợi BHYT mới được áp dụng. Vì vậy, việc mang theo giấy tờ y tế như đơn thuốc, giấy ra viện trước đó là cần thiết.

Riêng đối với các trường hợp tái khám theo phiếu hẹn, người dân cần đảm bảo phiếu hẹn được cấp đúng mẫu và còn trong thời gian hiệu lực. Nếu có triệu chứng bất thường, người bệnh cũng có thể đến khám sớm hơn ngày hẹn.

Trong trường hợp không thể đến đúng hẹn vì lý do bất khả kháng, người bệnh nên chủ động liên hệ với BV để được hỗ trợ sắp xếp lịch khám lại, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi BHYT.

Trước xu hướng mở rộng tiếp cận y tế, chính sách cho phép KCB tại nhà có hưởng BHYT đang nhận được sự quan tâm lớn. Bác sĩ Trần Thái Sơn cho biết đây là một chính sách rất nhân văn, đặc biệt phù hợp với người cao tuổi, người bị bại liệt hoặc có khó khăn trong việc di chuyển. Tuy nhiên, để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT và đảm bảo chất lượng điều trị, cần có các hướng dẫn rõ ràng và phối hợp từ nhiều cơ quan liên quan.

Do đó, người dân được khuyến cáo nên ưu tiên khám trực tiếp tại các cơ sở y tế như BV Bạch Mai – nơi có đầy đủ phương tiện, kỹ thuật và đội ngũ chuyên môn đa khoa để chẩn đoán và điều trị chính xác.

z5807584812393_d79d05e217d6809b93732636eba1510a.jpg
Khám, chữa bệnh theo yêu cầu, bệnh nhân vẫn được chi trả BHYT theo mức được hưởng

Khám theo yêu cầu–cần hiểu rõ mức chi trả

Một điểm đáng chú ý nữa là quyền lợi BHYT khi sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu. Theo bác sĩ Trần Thái Sơn, người bệnh vẫn được Quỹ BHYT chi trả phần chi phí nằm trong phạm vi quy định (bao gồm thuốc, kỹ thuật, tiền giường...).

Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải tự chi trả phần chênh lệch giữa mức giá dịch vụ theo yêu cầu và giá khám do BHYT quy định. Chẳng hạn, nếu giá khám theo BHYT là 50.600 đồng/lượt và giá khám theo yêu cầu là 300.000 đồng/lượt, thì người bệnh chỉ phải tự thanh toán phần chênh lệch là 249.400 đồng. Quỹ BHYT vẫn chi trả phần giá khám chuẩn theo tỷ lệ thẻ BHYT, tùy mức hưởng 80%, 95% hay 100%.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng, không có sự phân biệt “thuốc theo yêu cầu” hay “thuốc BHYT”. Nếu thuốc thuộc danh mục được BHYT chi trả, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi như nhau, dù khám theo yêu cầu hay theo quy trình thông thường.