Phải thể hiện được tinh thần hành động, tính đột phá
Chiều 8/7, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm tạo đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (CSSKND). Cuộc họp quy tụ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện bệnh viện, tổ chức quốc tế và các chuyên gia đầu ngành.

Phát biểu mở đầu, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh: Dù nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về y tế đã được ban hành trước đây, thì dự thảo lần này cần làm rõ “có gì mới, có gì khác”, từ đó chứng minh tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết mới.
Theo Phó Thủ tướng, ba nhóm nội dung lớn trong dự thảo cần được rà soát kỹ: Vấn đề dân số; CSSK theo nghĩa rộng (bao gồm dinh dưỡng, môi trường, vận động...); và điều trị khi có bệnh. Đồng thời, Nghị quyết phải thể hiện được tinh thần hành động, mang tính đột phá, không sa vào lý luận chung chung, và đặc biệt phải khả thi, có giải pháp đi kèm.
“Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết phải đạt các yêu cầu: Mang tính chiến lược; mang tính hành động và đột phá và bảo đảm tính khả thi, "đưa ra được các giải pháp và các điều kiện kèm theo để triển khai được, chứ không mông lung" – Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời, đề nghị các đại biểu thảo luận các nội dung được chọn để đột phá như thế nào, trong đó có cả vấn đề tổ chức bộ máy y tế khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đặt mục tiêu rõ ràng, xác định lộ trình, trách nhiệm cụ thể
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hệ thống y tế đang đối mặt với gánh nặng kép: Sự gia tăng nhanh chóng của bệnh không lây nhiễm, quá trình già hóa dân số, cùng với yêu cầu ngày càng cao từ người dân về chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, hệ thống vẫn còn nhiều điểm nghẽn về thể chế, tài chính, nhân lực, y tế cơ sở và khả năng tự chủ trong cung ứng thuốc, thiết bị. Do đó, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.
Theo bà Lan, Nghị quyết không nhằm thay thế các văn bản hiện hành, mà tập trung giải quyết những “điểm nghẽn” mới, đặt mục tiêu rõ ràng, xác định lộ trình và trách nhiệm cụ thể để tạo bước chuyển thực chất trong ngành y. Nghị quyết phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu", phải mang tính hành động (nói cách khác đây là Nghị quyết để thực hiện Nghị quyết).
Dự thảo Nghị quyết do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trình bày đặt ra các mục tiêu giai đoạn 2025–2030 như sau:
Mỗi năm tăng thêm ít nhất 1.000 bác sĩ về công tác tại y tế cơ sở theo hình thức hợp đồng thời hạn.
Giảm tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân xuống dưới 30%.
Từ năm 2026, người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí ít nhất một lần mỗi năm và có sổ sức khỏe điện tử suốt đời.
Đến 2030, chỉ số sức khỏe người dân và mức bao phủ y tế cơ bản đạt mức tương đương với các quốc gia phát triển; tuổi thọ trung bình vượt 80 tuổi, số năm sống khỏe tăng lên.

Tạo điều kiện để khu vực y tế tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, chú trọng đào tạo bác sĩ nội trú theo hướng “tinh hoa”. Ông cũng đề nghị tạo điều kiện để khu vực y tế tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công.
GS.TS Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, kêu gọi chính sách đột phá về thuế và đất đai để khuyến khích tư nhân đầu tư vào y tế vùng sâu, vùng xa. Ông khẳng định: “Nếu có chính sách tốt, chúng tôi sẽ làm thêm 2 bệnh viện nữa ở miền núi”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc nhấn mạnh: lương và chế độ đãi ngộ cán bộ y tế chưa tương xứng với tính chất đặc thù của ngành, cần có chính sách riêng biệt.
Bà Jennifer Horton – Phó Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam – đánh giá cao việc Nghị quyết lấy người dân làm trung tâm và chú trọng các yếu tố dự phòng. Bà lưu ý cần thay đổi tư duy của người dân, khuyến khích chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, đồng thời bảo đảm tài chính y tế thông qua chính sách giảm chi tiền túi.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu Bộ Y tế tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Ông nhấn mạnh cần Bộ Y tế cần làm rõ hơn các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chính sách lương thưởng cho cán bộ y tế; Xây dựng mô hình tổ chức hệ thống y tế địa phương theo hướng hai cấp (tỉnh và xã), bỏ trung gian; Rà soát, đối chiếu với các nghị quyết lớn khác của Bộ Chính trị về phát triển con người, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... để tạo sự đồng bộ về chính sách.
Nghị quyết đột phá về CSSKND sẽ không chỉ là một văn bản chiến lược, mà là lời cam kết chuyển hóa thành hành động cụ thể. Nếu được triển khai hiệu quả, đây sẽ là nền tảng nâng cao sức khỏe toàn dân, đưa hệ thống y tế Việt Nam bắt kịp xu thế của thế giới trong giai đoạn mới.

Áp thuế đồ uống có đường: Khẳng định vai trò “sức khỏe nhân dân là trung tâm”
