Tham gia giao thông phải mang giấy tờ xe bản chính
Theo tờ Thanh Niên Online, sáng 19/5, đội CSGT Nam Sài Gòn, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) thực hiện tổng kiểm soát phương tiện đang lưu thông trên đường. Kế hoạch này bắt đầu từ ngày 15/5 đến 16/6/2020.
Trường hợp của chị Lưu Như Trang (ở đường Trần Xuân Soạn, Q.7) đang lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh về hướng Khu chế xuất Tân Thuận thì bị CSGT yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ.
Chị Trang xuất trình CMND photo cùng cà vẹt xe bản photo có chứng thực nhưng CSGT vẫn lập biên bản. Chị Trang ngạc nhiên, thắc mắc thì được trả lời tham gia giao thông phải mang theo giấy tờ bản chính. Bản photo không được chấp nhận.
Chị này cho biết thêm, do túng thiếu nên chị đã cầm giấy tờ xe, bản photo này chị đã đi chứng thực nhưng CSGT vẫn không chấp nhận.
CSGT lập biên bản., xử phạt lỗi "Điều khiển xe máy không có giấy đăng ký xe và bằng lái xe" với tổng mức phạt 1.350.000 đồng và thông báo sẽ tạm giữ xe cho đến khi chị mang đầy đủ giấy tờ bản chính đến trụ sở đội CSGT để nhận lại xe. Đồng thời, CSGT giải thích cho chị Trang biết các giấy tờ mang theo khi điều khiển phương tiện phải là giấy tờ bản chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phù hợp với loại xe đang điều khiển và còn hiệu lực. Người lái xe còn phải mang theo CMND hoặc thẻ căn cước công dân.
Chị Loan chấp nhận bị phạt và đặt xe ôm công nghệ để về quận 12. Ảnh: Thanh Niên
|
Cũng tại chốt giao thông trên, chị Trần Kim Loan (ở quận 12) chạy xe máy, cũng bị yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ dù không vi phạm lỗi ban đầu. Lúc này chị chỉ xuất trình được CMND.
Chị cho hay, do mình bị mất bóp nhiều lần, đã làm lại giấy tờ nhiều lần nên bây giờ quyết định để giấy tờ xe ở nhà cho chắc chắn. Chị không có thời gian đọc báo nên không biết đợt tổng kiểm soát này.
Không đôi co nhiều với CSGT, chị chấp nhận nộp phạt 1.350.000 đồng, cho họ giữ xe và tự mình đặt xe ôm công nghệ để về quận 12.
Tùy từng trường hợp mà CSGT có xử phạt hành chính hay chỉ nhắc nhở. Như trường hợp của một người đàn ông ở Q.7, do mượn xe con gái đi khám bệnh, vội không nói con gái đưa giấy tờ xe nên CSGT chỉ nhắc nhở, giải thích các loại giấy tờ cần thiết phải mang theo khi tham gia giao thông.
Được miễn giảm tiền phạt khi vi phạm giao thông
Nhiều câu hỏi đặt ra rằng người có hoàn cảnh khó khăn bị phạt khi tham gia giao thông có được miễn giảm hay không?
Trả lời vấn đề này, trên tờ VNE, luật sư Phạm Thanh Hữu - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, căn cứ Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cá nhân bị phạt tiền từ ba triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc mà không có khả năng thi hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông thì có thể được xem xét miễn, giảm tiền phạt.
Trong trường hợp này, người bị phạt phải có đơn đề nghị miễn, giảm phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong năm ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị miễn, giảm biết; nếu không đồng ý với việc miễn, giảm thì phải nêu rõ lý do.
Nếu Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định xử phạt thì UBND cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc miễn, giảm tiền phạt. Cá nhân được miễn, giảm tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.
Như vậy, việc có được miễn, giảm tiền phạt vi phạm giao thông hay không là do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể.