Tờ Thời báo Tài chính Anh bản tiếng Trung ngày 24/4 cho rằng Bình Nhưỡng bất ngờ giơ nhành ô liu ngoại giao và đưa ra sự nhượng bộ mang tính tượng trưng đã gây phỏng đoán phổ biến cho dư luận quốc tế: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn được gì từ các hội nghị thượng đỉnh sắp được tổ chức với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ?
Các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm khắc và sự đổ vỡ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc (đối tác thương mại chủ yếu của Triều Tiên) đã làm trọng thương nền kinh tế Triều Tiên.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân khi tiến hành đàm phán để đổi lấy việc bảo đảm an ninh và viện trợ kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế của Triều Tiên, giữ vững sự ổn định lâu dài của chính quyền hiện nay.
“Mục tiêu chủ yếu của ông Kim Jong-un trong các hội nghị thượng đỉnh sắp tới là giành lấy cơ hội “tạm nghỉ” trước các biện pháp trừng phạt, bởi vì đất nước của ông Kim cấp bách cần đến sự phát triển kinh tế” - Bong Young-shik, chuyên gia Triều Tiên từ Đại học Yonsei nhận định.
Chuyên gia này cho rằng: “Nền kinh tế Triều Tiên lệ thuộc nghiêm trọng vào buôn lậu và hoạt động thị trường hạn chế, trong khi đó những hoạt động này đã bị ngăn chặn bởi sự trừng phạt quốc tế. Ông Kim Jong-un chắc chắn đã cảm nhận được cuộc khủng hoảng kinh tế sắp diễn ra”.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa VII của Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức vào ngày 20/4 vừa qua, trên thực tế, ông Kim Jong-un tuyên bố nước này đã là một nước lớn về hạt nhân, do đó Triều Tiên không còn cần thiết tiếp tục thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo; tuyên bố “đường lối chiến lược mới” sẽ tập trung nguồn lực đất nước cho tái thiết kinh tế.
Ông Kim Jong-un cam kết muốn tạo ra một “môi trường quốc tế có lợi cho xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa”. Ông rõ ràng hiểu rằng việc nới lỏng trừng phạt và đầu tư nước ngoài rất quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước.
Ông Kim Jong-un rõ ràng đã thay đổi lập trường trong vấn đề thử hạt nhân và thử tên lửa, xảy ra vài ngày trước khi có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Hàn Quốc Moon Jae-in vào thứ Năm tuần này (27/4/2018). Sau đó, ông Kim còn có kế hoạch tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 tới.
Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi: Để đổi lấy nới lỏng trừng phạt và viện trợ kinh tế, ông Kim Jong-un sẵn sàng dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ở mức độ thế nào?
“Khôi phục giao lưu kinh tế giữa hai miền Triều Tiên có thể nói là sự lựa chọn đầu tiên của ông Kim Jong-un, bởi vì Washington không có nhiều khả năng nới lỏng trừng phạt, trừ phi họ nhìn thấy tiến triển thực sự của việc từ bỏ vũ khí hạt nhân” – chuyên gia Bong Young-shik khẳng định.
Hiện nay, thái độ lạc quan của dư luận quốc tế đối với việc đạt được đột phá ngoại giao trong vấn đề từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên đang tăng lên. Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Bình Nhưỡng không đặt điều kiện tiên quyết cho việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, đồng thời không tiếp tục lấy việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc làm điều kiện trao đổi để Triều Tiên “từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.
Vào cuối tuần vừa qua, Bình Nhưỡng còn tuyên bố, họ sẽ đóng cửa một bãi thử hạt nhân và chấm dứt thử tên lửa – những động thái này nhận được sự hoan nghênh của Washington và Seoul. Cho dù ông Donald Trump sau đó đã làm giảm nhẹ sự nhiệt tình ban đầu của mình, cho rằng Mỹ sẽ không dỡ bỏ trừng phạt trước khi Triều Tiên đã dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân một cách thực chất.
Mức độ thiếu lòng tin vào việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của cộng đồng quốc tế vẫn còn khá cao, bởi vì Triều Tiên đã 2 lần không thực hiện cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các quan chức ở Seoul và Washington đều tìm cách để không vấp phải những sai lầm trước đây, đó là tiến hành nhượng bộ về kinh tế, kết quả lại không thể ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
“Muốn Bình Nhưỡng từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân sẽ không dễ dàng. Ông Kim Jong-un cam kết 2 việc với người dân Triều Tiên: an toàn của chính quyền và phát triển kinh tế. Đối với việc thứ nhất, ông cần vũ khí hạt nhân. Nhưng đối với việc thứ hai, ông cần từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vì vậy, ông Kim rõ ràng rơi vào tình cảnh lưỡng nan” – chuyên gia Bong Young-shik phân tích.
Trong một bài phát biểu công khai lần đầu tiên trên cương vị nhà lãnh đạo Triều Tiên vào năm 2012, ông Kim Jong-un cho biết ông sẽ không để nhân dân “tiếp tục thắt lưng buộc bụng”, đồng thời đưa ra chính sách “cùng tiến” vào năm 2013 – thay thế chính sách “quân sự đi trước” của cha ông là Kim Jong-il, hơn nữa từ đó trở đi đã thúc đẩy một số cải cách theo cơ chế thị trường.
“Nếu không có phát triển kinh tế, ông Kim sẽ không thể bảo đảm sự tồn tại lâu dài của chế độ, trong khi đó phát triển kinh tế có nghĩa là cần cải thiện quan hệ với bên ngoài và từ bỏ vũ khí hạt nhân” – Giáo sư Koh Yoo-hwan từ Đại học Dongguk bình luận.
Giáo sư Koh Yoo-hwan dự tính, trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều sắp tới, ông Kim Jong-un sẽ tập trung vào kết thúc trạng thái thù địch, đồng thời nhận được cam kết về an ninh. Đối với vấn đề này, ông Kim sẽ sẵn sàng ký kết một hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 - 1953; sau đó, ông Kim sẽ thảo luận bình thường hóa quan hệ với Mỹ trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Ông Kim phải đưa ra một bản kế hoạch tổng thể cho phát triển kinh tế đất nước, đồng thời sau khi cảm thấy yên tâm với các cam kết an ninh, ông Kim rất có khả năng sẽ thúc đẩy thực hiện cải cách mở cửa mang tính tiệm tiến” - Giáo sư Yang Moo-Jin từ Đại học North Korean dự đoán.
Tuy nhiên, Lee Jong-nam, chuyên gia Triều Tiên từ Đại học Korea cho rằng ý tưởng phát triển kinh tế của ông Kim Jong-un có thể làm yếu đi sự kiểm soát của ông đối với đất nước.
Lee Jong-nam nói: “Một khi nước này mở cửa nền kinh tế bị cô lập và quy mô nhỏ của họ, tốc độ phát triển của họ có thể sẽ nhanh hơn nhiều so với Trung Quốc, điều này sẽ dẫn đến sự lan tràn nhanh chóng tư tưởng tư bản chủ nghĩa trong ý thức của người Triều Tiên. Khi đó, sự kiểm soát có hiệu quả của ông Kim đối với đất nước sẽ khó hơn nhiều”.