Ông Kim Jong-un bất ngờ sang Trung Quốc nhằm mục đích gì

Cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhấn mạnh vai trò chủ động của Trung Quốc trong quá trình giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un

Cuộc gặp này cho thấy rằng, Trung Quốc và Triều Tiên duy trì mối quan hệ đồng minh và đối tác, và Trung Quốc không mất đòn bẩy với Triều Tiên. Các chuyên gia  Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc đều đưa ra quan điểm này. Theo ý kiến của họ, cuộc đàm phán với Kim Jong-un ở Bắc Kinh là cách áp trả của Trung Quốc với những hành động gần đây của Mỹ nhằm tăng cường quan hệ với Đài Loan và những nỗ lực của Mỹ "gây chiến" về thương mại với Trung Quốc.

Mới đây, hầu như tất cả các nhà quan sát hơi ngạc nhiên khi thấy rằng, trong các cuộc thảo luận về quá trinh chuẩn bị các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Bắc Triều Tiên-Mỹ không ai nhắc đến yếu tố Trung Quốc. Điều này mâu thuẫn với quan điểm rằng, vấn đề Triều Tiên không thể được giải quyết nếu không có Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng nhất và đồng minh chính trị của CHDCND Triều Tiên. Sau cuộc đàm phán ở Bắc Kinh, mọi thứ đã rõ ràng. Nhà khoa học chính trị Nga Alexander Lomanov nhận định:

Ông Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh, và bằng cách này đã nhắc nhở với mọi người rằng, trên thực tế, nếu không có Trung Quốc thì không thể giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Trước khi tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 5, tất nhiên, cần phải gặp gỡ với các đối tác Trung Quốc để phối hợp lập trường, hoặc ít nhất nhận được sự tán thành và ủng hộ của họ.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim khiến cả thế giới bất ngờ
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim khiến cả thế giới bất ngờ

Sau khi Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên, một số chuyên gia đã rút ra kết luận rằng, Trung Quốc dứt khoát xóa Triều Tiên khỏi danh sách các nước đồng minh. Hóa ra, điều này là không đúng. Trung Quốc vẫn là một thế lực rất quan trọng. Hơn nữa, trong không gian công cộng không ghi nhận bất kỳ hành vi cho thấy sự bất mãn của Triều Tiên đối với Trung Quốc:  Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh, rạng rỡ bắt tay Chủ tịchTập Cận Bình, đã thảo luận với ông về những kế hoạch cho tương lai, xét theo mọi việc bao gồm cả lập trường của Triều Tiên tại các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ.

Các nhà quan sát cũng lưu ý rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã mời nhà lãnh đạo Kim Jong-un lại thăm Trung Quốc và đã chấp nhận lời mời của ông Kim Jong-un đến thăm CHDCND Triều Tiên. Tất cả điều này cho thấy rằng, mặc dù Trung Quốc ủng hộ lệnh trừng phạt quốc tế chống lại CHDCND Triều Tiên, hai nước vẫn đang duy trì quan hệ song phương.

Chuyên gia Lyu Chao, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc thuộc Viện Khoa học xã hội Liêu Ninh đánh giá:

"Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un là một thông tin bất ngờ đối với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và các sự kiện gần đây cho thấy rằng, chuyến thăm này là rất hợp lý. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ được tổ chức vào tháng 4, và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5. Trước đó, CHDCND Triều Tiên thấy cần thiết nên tổ chức cuộc tham vấn với nước láng giềng. Đây là một sự kiện hiển nhiên. Ngoài ra, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Kim Jong-un sau khi lên nắm quyền. Ông theo gương của tất cả cựu lãnh đạo Triều Tiên đã chọn Trung Quốc là điểm công du nước ngoài đầu tiên.

Chuyến thăm của ông Kim cho thấy rằng, ông coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Thời gian gần đây, trong mối quan hệ Trung Quốc -Triều Tiên đã ghi nhận những vấn đề, nguyên nhân chính là do Triều Tiên phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Hai bên có những bất đồng nghiêm trọng trong một số vấn đề. Theo tôi, chuyến thăm này sẽ giúp giải quyết các vấn đề gây sự lo ngại của cả hai nước. Chuyến thăm đã mang lại kết quả mong muốn. Mối quan hệ Trung Quốc-CHDCND Triều Tiên đã nhận được một động lực mới cho sự phát triển".

Ông Cheong Seong-chang - Trưởng Khoa Nghiên cứu Chiến lược Thống nhất tại Học viện Sejong của Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng rằng, ông Kim Jong-un đã đến Bắc Kinh với những đề xuất về cách giải quyết vấn đề hạt nhân:

"Nếu Triều Tiên không tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa, Chủ tịch Tập Cận Bình không có lý do để tán thành các hội nghị thượng đỉnh. Rất có thể, Triều Tiên đã thảo ra quan điểm chính thức về phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, dù Trung Quốc và Triều Tiên có những bất đồng nghiêm trọng, hai nước này không thể quá xa nhau. Ngay cả khi Bình Nhưỡng chỉ trích Bắc Kinh, trong mối quan hệ giữa hai quốc gia có một ranh giới nhất định mà hai bên không hề bước qua".