The Wall Street Journal ra hôm Chủ nhật (23/5) đưa tin, trước khi phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở Trung Quốc, đã có ba nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu virus Vũ Hán trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phải đến bệnh viện do bị ốm. Báo cáo không nêu rõ ba nhà nghiên cứu này bị bệnh gì, nhưng thời điểm họ mắc bệnh vào tháng 11/2019, sớm hơn một tháng so với trường hợp bệnh nhân nhiễm COVID-19 đầu tiên được công bố ở Trung Quốc.
Trong giai đoạn cuối cùng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một bản "báo cáo thực tế". Báo cáo này cho biết, “Chính phủ Mỹ có lý do để cho rằng một số nhà nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào mùa Thu năm 2019 và trường hợp bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được phát hiện ngay sau đó. Các triệu chứng bệnh của họ có liên quan đến coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) và giống như bệnh cúm theo mùa”.
Tuy nhiên, bản báo cáo của tình báo Mỹ do The Wall Street Journal đưa tin lần này cụ thể hơn, không chỉ cung cấp số người trong phòng thí nghiệm mắc bệnh và thời gian phát bệnh mà còn cho biết chi tiết về những lần họ đến bệnh viện khám bệnh.
Viện Virus Vũ Hán - nơi bị cho là xảy ra sự cố rò rỉ virus (Ảnh: Reuters). |
The Wall Street Journal cho rằng những chi tiết này sẽ tạo chứng cứ mới cho các bên liên quan thúc đẩy cuộc điều tra rộng rãi hơn về những rò rỉ trong phòng thí nghiệm của Viện Virus Vũ Hán. Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) - cơ quan ra quyết định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khai mạc vào hôm Thứ Hai (24/5). Người ta cho rằng những phát hiện mới này sẽ giúp tăng thêm tiếng nói kêu gọi tiếp tục các cuộc điều tra độc lập về việc liệu có rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.
Theo các báo cáo công khai trong giai đoạn đầu của đợt dịch bùng phát ở Trung Quốc, lần đầu tiên phát hiện các ca nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán là vào tháng 12 năm 2019. Ban đầu, mọi người nghĩ rằng Chợ Thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán là nguồn lây lan virus, nhưng các nghiên cứu sau đó đã bác bỏ quan điểm này. Vào thời điểm đó, nhiều nhà dịch tễ học và virus học cho rằng virus đã xuất hiện ở khu vực Vũ Hán từ trước tháng 12. Các học giả Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc điều tra về vật chủ chứa virus và đưa ra một số suy luận, nhưng sau đó đều bị bác bỏ. Một thực tế không thể chối cãi vào thời điểm đó là Viện Virus học Vũ Hán đã tiến hành nghiên cứu về virus coronavirus chủng mới trong nhiều năm và nó là mục tiêu bị nghi ngờ lớn nhất về khả năng xảy ra rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Các chuyên gia trong nhóm điều tra của WHO đến Viện Virus Vũ Hán hồi tháng 1/2021 (Ảnh: Reuters). |
Vào thời điểm đó, truyền thông Trung Quốc nghi ngờ rằng một thực tập sinh thạc sĩ của Viện virus học Vũ Hán đã bị nhiễm virus trong một sự cố và yêu cầu viện cung cấp tung tích của người này. Có thông tin cho rằng người nghiên cứu sinh này đã chết. Lãnh đạo viện từng xuất hiện cho biết người nghiên cứu sinh này đã nghỉ việc, sức khỏe tốt. Nhưng cho đến nay, người này chưa từng được xuất hiện trước công chúng.
Sau đó, giới cấp cao nhất của Trung Quốc được cho là đã ra lệnh cho lãnh đạo các cấp kiểm soát chặt chẽ và phong tỏa các dữ liệu virus và các kết quả nghiên cứu liên quan. Kể từ đó, mọi bài báo và phát biểu nào nghi ngờ và đặt câu hỏi về nguồn gốc của virus đều đã hoàn toàn biến mất khỏi các phương tiện truyền thông trong nước ở Trung Quốc.
Bằng cách này, việc điều tra xem liệu có sự rò rỉ virus ở Viện Virus Vũ Hán đều đã hoàn toàn bị dừng lại trước khi nó kịp chính thức bắt đầu. Đồng thời, Bắc Kinh bắt đầu một cuộc chiến tuyên truyền quy mô lớn chống lại đại dịch vì lo ngại rằng đại dịch có thể khiến cộng đồng quốc tế buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Trưởng nhóm điều tra Trung Quốc (trái) bắt tay chuyên gia WHO trước khi vào họp báo công bố kết quả điều tra (Ảnh: Reuters). |
Các quan chức và nhà khoa học Trung Quốc kiên quyết phủ nhận thông tin virus rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán, đồng thời ra sức tuyên truyền rằng virus này có thể đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trước khi bùng phát đại dịch Vũ Hán, chúng có thể được truyền đến Vũ Hán qua thực phẩm đông lạnh và các phương thức khác.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào Mỹ. Đầu tiên họ nói rằng các vận động viên Mỹ đã mang virus đến Vũ Hán trong Thế vận hội Quân sự Vũ Hán năm 2019. Sau đó, họ lại nói rằng virus có thể đến từ một phòng thí nghiệm trong một căn cứ quân sự ở bang Marylan của Mỹ.
Theo tin của Reuters, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng chính quyền Biden "vẫn còn nhiều câu hỏi nghiêm túc" về tình hình lúc ban đầu của đại dịch, bao gồm cả nguồn virus ở Trung Quốc. Bà này cho biết, Chính phủ Mỹ đang nỗ lực làm việc với WHO và các quốc gia khác để hỗ trợ các chuyên gia tiến hành đánh giá nguồn gốc virus mà không có sự can thiệp từ bên ngoài hoặc chính trị hóa.
WHO và Trung Quốc vào tháng 3 năm nay đã hoàn thành một cuộc điều tra chung về nguồn gốc của virus. Cuộc điều tra kết luận rằng một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm là "rất khó có thể xảy ra".
Các nhân viên công tác Trung Quốc ngăn cản các nhà báo hoạt động đưa tin về nhóm điều tra của WHO (Ảnh: AP). |
Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO phàn nàn rằng phía Trung Quốc đã không cung cấp các dữ liệu virus gốc về thời kỳ đầu cho nhóm chuyên gia của WHO. Mỹ và các nước phương Tây khác đã yêu cầu Trung Quốc công khai đầy đủ các dữ liệu gốc cho các chuyên gia độc lập.
Trước việc thông tin của cơ quan tình báo Mỹ được đăng tải trên The Wall Street Journal, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (24/5) rằng tin "ba nhà nghiên cứu ở Viện Virus Vũ Hán bị ốm" nhập viện hồi tháng 11/2019 là hoàn toàn sai sự thật. Ông cũng phủ nhận việc Viện Virus Vũ Hán đã tiếp xúc với coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) trước ngày 30/12/2019. Ông Triệu Lập Kiên nói rằng các nhân viên và nghiên cứu sinh của Viện Virus Vũ Hán chưa tiếp xúc với SARS-CoV-2 và "không hề bị lây nhiễm SARS-CoV-2" trước ngày 23/3/2021. Ông chỉ trích tin trên The Wall Street Journal là “không có thật”.