Foreign Policy chỉ ra rằng, 20 năm sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chiến tranh càng ngày càng ít xảy ra, tuy nhiên 5 năm trở lại đây, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới, số người thiệt mạng tăng mạnh, rất nhiều người rơi vào cảnh li tán. Dường như năm 2016 không có nhiều sự cải thiện hơn năm 2015, với đà này, dự báo một tương lai đầy chiến tranh chứ không phải hòa bình.
Biển Đông
Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đã trở thành vòng đấu trí căng thẳng giữa các quốc gia, Mỹ không ngừng thách thức, chỉ trích hành vi xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc, trong khi những yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc về vấn đề lãnh thổ cũng khiến cuộc xung đột tranh giành đường biển giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc ngày càng căng thẳng hơn.
Tháng 5/2015, máy bay trinh sát của Mỹ áp sát đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang xây dựng sân bay trên đảo nhân tạo tại khu vực này, mở đầu cho cục diện căng thẳng giữa hai nước Mỹ - Trung. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter kêu gọi Trung Quốc ngừng cải tạo các vùng đất có tranh chấp về chủ quyền, đồng thời tuyên bố: “Với tiền đề luật pháp quốc tế cho phép, Mỹ sẽ duy trì hoạt động tự do hàng hải”.
Tháng 10/2015, một tàu chiến khác của Mỹ áp sát một hòn đảo có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa, dẫn đến những chỉ trích gay gắt của Trung Quốc, Bắc Kinh lu loa hành vi của Mỹ là phi pháp, đây là sự đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lãnh thổ của Trung Quốc (nhận vơ trái phép). Tháng 11/2015, tổng thống Mỹ Obama tuyên bố tài trợ quân sự cho Việt Nam, Indonesia và Malaysia khoản ngân sách trị giá 259 triệu USD, giúp đỡ các quốc gia trong khu vực tăng cường phòng ngự an ninh trên biển. Đây đều là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên biển Đông.
Theo Foreign Policy, Trung Quốc nên hiểu rằng, cách làm này của họ đang ép các nước láng giềng dựa vào Mỹ, tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ, ngược lại, Mỹ cần giữ lời cam kết, để bảo vệ nguồn tài nguyên toàn cầu, ủng hộ ngoại giao đa phương để triển khai những hành động mang tính thực chất, chứ không phải duy trì chủ nghĩa bá quyền quân sự của mình, các nước ASEAN nên thúc đẩy Mỹ đàm phán với Trung Quốc, tránh để cục diện biển Đông leo thang.
Syria và Iraq
Syria và Iraq đều là địa bàn hoạt động ráo riết của ISIS, các nước lớn trên thế giới đều có ảnh hưởng rất lớn về mặt quân sự đối với 2 quốc gia này, ngoài ra, song song với việc phải đối mặt với những thách thức chống khủng bố, cục diện trong nước của hai quốc gia này đều rất bất ổn, tranh chấp giáo phái diễn ra liên miên, càng khiến cuộc khiến tranh ở hai quốc gia có nguy cơ xảy ra hơn.
Năm 2015, sự trỗi dậy của ISIS dấn đến các cuộc tấn công liên tiếp của Mỹ, Pháp, Anh và Nga vào Syria, tuy nhiên không có quốc gia nào có thể đưa ra chiến lược đánh bại ISIS một cách hiệu quả. Thành kiến của Nga và các nước phương Tây càng khiến cục diện Syria vào tình thế tồi tệ hơn. Đồng thời, chiến lược chống khủng bố của các nước phương Tây tại Iraq phụ thuộc rất lớn vào các đợt tấn công vũ trang của người Kurd tại Iraq, trong đó dân binh dòng Hồi giáo Shi’ite của Iraq đóng vai trò chủ đạo, dân binh dòng Hồi giáo Shi’ite của Iran làm hậu thuẫn.
Tuy nhiên dân binh dòng Hồi giáo Shi’ite không những tấn công ISIS, mà còn tổ chức lực lượng phòng thủ tại Baghda và thánh địa của người Hồi giáo dòng Shi’ite, những điều này có thể dẫn đến sự bất mãn trong cộng đồng người Hồi giáo dòng Sunni tại khu vực do IS kiểm soát trên lãnh thổ Iraq.
Thổ Nhĩ Kỳ
Loạn trong giặc ngoài liên tiếp xảy ra, song song với việc chống khủng bố, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại xảy ra tranh chấp với Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Gần đây, những bức ảnh về nhóm phần tử cấp tiến người Kurd ở thành phố tự trị Diyarbakır thuộc miền Đông Nam thổ Nhĩ Kỳ mang súng tham gia vào cuộc tàn sát đẫm máu được công bố khiến xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công nhân người Kurd leo thang.
Đảng Công nhân người Kurd tiếp tục ủng hộ Đảng Liên hiệp dân chủ phân nhánh Syria (PYD), chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sự đoàn kết của hai thế lực người Kurd ở hai quốc gia sẽ khiến họ càng dễ phát động phong trào li khai giành độc lập, sự lo ngại này khiến chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không tập trung được nhiều thời gian và lực lượng cho chiến dịch chống khủng bố, điều này vô hình trung lại khiến người Kurd cho rằng chính phủ đang âm thầm cấu kết với tổ chức khủng bố.
Yemen
Từ tháng 3/2015 đến nay, cuộc chiến tranh ở Yemen do Arab Saudi đóng vai trò chủ đạo, Mỹ, Anh và các nước đồng minh thuộc khu vực vùng Vịnh hỗ trợ diễn ra liên miên, mặc dù tháng 12/2015 đã đạt được hiệp định hòa bình, đến ngày 14/1/2016 sẽ quay trở lại với bàn đàm phán, nhưng giải quyết hòa bình chiến tranh Yemen cần sự phối hợp của hai nước lớn ở Trung Đông là Arab Saudi và Iran. Tuy nhiên Arab Saudi vừa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, trong thời ngắn, hai quốc gia này không thể hòa giải ngay được.
Libya
Sự hợp nhất của Nhà nước Hồi giáo tại thành phố cảng Sirte bên bờ Địa Trung Hải của Libya đã gây cản trở cho những nỗ lực mà bấy lâu nay cộng đồng quốc tế cố gắng giải thích về cuộc khủng hoảng chính trị tại khu vực này. Sau khi kẻ độc tài Gaddafi bị lật đổ, nhiều đảng phái, bộ lạc và dân binh tranh nhau quyền kiểm soát các giếng dầu và nguồn khí thiên nhiên, đẩy cục diện vào cuộc hỗn chiến đa phương. Nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ Libya mới và các đối tác quốc tế là đoàn kết Libya , hiệp định mới được ký kết được coi là sự mở đầu tốt đẹp cho tiến trình hòa bình.
Afghanistan
14 năm sau khi Mỹ can thiệp vũ lực vào Afghanistan, Mỹ vẫn không thể cải thiện tình hình. Mặc dù Mỹ nhúng tay vào giải quyết Taliban, nhưng hiện tại tổ chức khủng bố Al Qaeda vẫn tồn tại, “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (ISIS) mới nổi cũng đang cắm rễ sâu trong lãnh thổ Afghanistan. Mỹ nói sẽ duy trì số quân đồn trú tại Afghanistan, NATO cũng cam kết tiếp tục ủng hộ về mặt tài chính đối với lực lượng quân đội Afghanistan. Tổng thống nước này Ashraf Ghani muốn đàm phán trở lại với Taliban, nhưng cuộc đàm phán có thành công hay không, còn phụ thuộc vào sự ủng hộ của các nước như Mỹ và Pakistan.
Nam Sudan
Tháng 7/2011, quốc gia non trẻ nhất tại châu Phi là Nam Sudan đã tách khỏi Sudan và chính thức ra đời, sau đó cuộc nội chiến ở Sudan bùng nổ, cho đến nay vẫn có 200.000 người dân sống dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện tại, đã có 24 lực lượng vũ trang hoạt động độc lập ở khu vực này, các đối tác thành viên giữa các chính phủ - gồm cả Mỹ và Trung Quốc buộc phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp, đôn đốc thủ lĩnh Nam Sudan tuân thủ lời cam kết về hiệp ước hòa bình, tránh để xảy ra chiến tranh, nếu không, khu vực này sẽ sa lầy vào cuộc hỗn chiến thảm khốc hơn.
Burundi
Tháng 7/2015, tổng thống Burundi Pierre Nkurunziz tuyên bố mong muốn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 3 liên tiếp, kế hoạch này dẫn đến sự phản đối của quân đội chính phủ và lực lượng vũ trang phe đối lập. Tháng 12/2015, Liên minh hòa bình châu Phi và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc quyết định có sự hỗ trợ cần thiết, với sự đồng thuận của chính quyền và các bên liên quan tại Burundi, để sớm chấm dứt bạo lực , ngăn chặn cục diện Burundi phát chiển theo hướng nội chiến và bạo lực trên quy mô lớn. Tuy nhiên tổng thống Burundi Pierre Nkurunziz bày tỏ sự phẫn nộ đồng thời tuyên bố Burundi sẽ “đứng lên” chống lại quân đội nước ngoài. Liên minh hòa bình châu Phi đã kêu gọi hai bên tiến hành vòng đàm phán mới vào ngày 6/1, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định, liên minh có đủ lực lượng để phản đối chính phủ Burundi hay không.
Khu vực hồ Chad
Nigieria, Niger, cộng hòa Chad và Cameroon đang phải đối mặt với vấn đề số phần tử khủng bố trong nước ngày một tăng cao, ISIS đã thâm nhập vào nhóm vũ trang Hồi giáo Boko Haram thông qua mạng Internet, và lực lượng vũ trang địa phương cũng chỉ có thể truy quét kẻ tấn công tự sát một cách hữu hạn. Chính quyền địa phương cũng phải đối mặt với sự phản đối của người dân địa phương do sự thối nát và hỗn loạn chính trị kéo dài nhiều năm, xã hội căng thẳng và vấn đề di dân thật sự nổi cộm.
Colombia
Cuộc đàm phán hòa bình của chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) tại La Habana đã đạt được nhiều bước đột phá, tuy nhiên tổng thống Colombia Juan Manuel Santos lại đẩy lùi kỳ hạn đình chiến cuối cùng. Các vấn đề nhạy cảm như quân đội giải trừ vũ trang và đảm bảo thực hiện cơ chế giám sát vẫn đang trong quá trình thảo luận, quân giải phóng dân tộc cũng buộc phải tham gia vào vòng đàm phán hòa bình. Ngoài ra, lực lượng quân đội vũ trang phi pháp hoành hành đã trở thành thách thức lớn nhất đối với vòng đàm phán hòa bình.
H.L