Báo Đức: sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc đang sa hố

VietTimes – Estonia thông báo sẽ từ chối kế hoạch xây dựng đường hầm xuyên biển Baltic nối với Phần Lan. Đường hầm này là một trong những dự án của sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc.
Sáng kiến chiến lược “Vành đai, Con đường” gây nhiều tranh cãi về hiệu quả và cả hậu quả đối với các quốc gia tham gia (Ảnh: FT).
Sáng kiến chiến lược “Vành đai, Con đường” gây nhiều tranh cãi về hiệu quả và cả hậu quả đối với các quốc gia tham gia (Ảnh: FT).

Đây là diễn biến mới nhất cho thấy sáng kiến “Vành đai, Con đường” đang gặp phải trở ngại nghiêm trọng. Theo kế hoạch, đường hầm dưới đáy biển này dài 100 km, được sử dụng cho cả đường sắt và đường bộ, nối thủ đô Tallinn của Estonia với Helsinki, thủ đô của Phần Lan. Nếu được thực hiện, đây sẽ là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới.

Trang web chính trị Mỹ Politico ngày 31/7 đưa tin Bộ trưởng Bộ Hành chính công Estonia Jaak Aab nói trong một email: “Căn cứ tình hình đất nước hiện nay, chúng tôi có lý do để nghi ngờ rằng liệu dự án có thể được thực hiện do các yếu tố như môi trường, kinh tế và an ninh hay không”.

Chính phủ Estonia đã không nói rõ lý do từ chối khoản đầu tư này, nhưng đề cập rằng để có thêm chi phí cho "phát triển và duy trì lực lượng quốc phòng". Họ tuyên bố rằng sẽ trực tiếp thảo luận với chính phủ Phần Lan để xây dựng dự án thay thế.

Dự án xây dựng đường ngầm xuyên biển nối Talinn với Hensinki đã bị chính phủ Estonia bác bỏ (Ảnh: Zhihu).
Dự án xây dựng đường ngầm xuyên biển nối Talinn với Hensinki đã bị chính phủ Estonia bác bỏ (Ảnh: Zhihu).

Đối với Trung Quốc, dự án này giống như mở một tuyến vận chuyển hàng hóa đến Bắc Cực, là một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” quy mô lớn; nhưng chính phủ Estonia cho biết kế hoạch tài chính cho dự án đường hầm dưới biển là không rõ ràng và dự án “có nhiều lý do không phù hợp lợi ích công cộng”.

Theo Politico, các công ty Trung Quốc như Tập đoàn Đường sắt quốc tế, Tập đoàn Công trình Đường dắt và Tổng công ty xây dựng Giao thông Trung Quốc có thể đã nhận được hợp đồng.

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” là chiến lược kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đây là công cụ cốt lõi để Trung Quốc thúc đẩy tham vọng địa chính trị.

Trước đó, chiến lược này của Trung Quốc đã gặp phải thất bại ở một số quốc gia. Ngày càng có nhiều quốc gia cắt giảm quy mô đầu tư của Trung Quốc hoặc thậm chí hủy bỏ các dự án vì họ lo ngại rằng “Vành đai, Con đường” có thể mang lại một số rủi ro lớn cho quốc gia của họ.

Theo báo cáo của Trung tâm tư vấn Mỹ Center for A New American Society hồi tháng 4/2019, những rủi ro lớn này bao gồm: xói mòn chủ quyền quốc gia, thiếu minh bạch, gánh nặng nợ nần không thể trả, xa rời nhu cầu kinh tế địa phương, nguy cơ về địa chính trị, tác động xấu đến môi trường và nạn hối lộ, tham nhũng.

Báo cáo này đã đánh giá 10 dự án của Trung Quốc tại Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, Trung Đông, Trung Á, Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương, thấy rằng các dự án này đều có những rủi ro đã nói ở trên.

Công trình xây dựng cảng biển chiến lược Hambantotan ở Sri Lanka trong sáng kiến “Vành đai, con đường” (Ảnh: hket)
Công trình xây dựng cảng biển chiến lược Hambantotan ở Sri Lanka trong sáng kiến “Vành đai, con đường” (Ảnh: hket)

Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) bản Hoa ngữ ngày 2/8 đã đăng bài nhan đề “Vành đai, Con đường sa hố”. Bài báo viết, Viện nghiên cứu kinh tế Cologne, Đức mới đây đã công bố một báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai, Con đường" không chỉ mang lại rủi ro nợ nần lớn cho các nước chấp nhận nó, mà chính Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực tài chính không nhỏ.

Báo cáo chỉ ra rằng theo ước tính, nợ của khu vực tư nhân trong nước của Trung Quốc đã đạt 160% GDP vào năm 2018; trong khi ở ngoài Trung Quốc, do thiếu dữ liệu chính thức, hành vi cho vay của các tổ chức tài chính Trung Quốc thiếu minh bạch. Hơn nữa, phần lớn các tổ chức tài chính Trung Quốc cho vay ở nước ngoài đều là các ngân hàng quốc doanh, rất khó để các cơ quan xếp hạng tín dụng có được dữ liệu liên quan để đánh giá.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc trong 20 năm qua đã âm thầm trở thành một trong những quốc gia chủ nợ chính trên thế giới. Viện nghiên cứu kinh tế (IW) của Cologne ước tính trong báo cáo rằng các khoản cho vay nợ hiện tại của Trung Quốc chiếm 1,5% tổng sản lượng của nền kinh tế toàn cầu và tổng số tiền Trung Quốc cho các nước đang phát triển và mới nổi vay đã vượt quá tổng số khoản cho vay của cái gọi là "Câu lạc bộ Paris" (tức 22 quốc gia phát triển trên thế giới).

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn tiền cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc đều bắt đầu từ sau sáng kiến "Vành đai, Con đường" năm 2013. Trong khuôn khổ này, 17% tổng nợ công của các nước châu Phi được nắm giữ bởi Trung Quốc (dữ liệu của Ngân hàng Thế giới WB). Nhiều quốc gia tham gia sâu vào sáng kiến "Vành đai, Con đường" như Pakistan, Ethiopia, Kenya, Sri Lanka và Belarus, các khoản nợ Trung Quốc đã vượt quá 10% GDP của họ.

Sau khi xây dựng xong, do không trả được nợ, Sri Lanka đã phải cho phía Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm (Ảnh: SCMP).
Sau khi xây dựng xong, do không trả được nợ, Sri Lanka đã phải cho phía Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm (Ảnh: SCMP).

Đại dịch COVID-19 năm nay đã làm cảnh ngộ nhiều quốc gia vốn nợ nần chồng chất bởi "Vành đai, Con đường" càng tồi tệ thêm. Xếp hạng tín dụng chủ quyền của 29 quốc gia, trong đó Pakistan và Ethiopia, đã bị các cơ quan xếp hạng quốc tế hạ thấp, điều này càng khiến các nhà đầu tư đẩy nhanh việc thoái vốn. Viện nghiên cứu kinh tế Cologne chỉ ra rằng do các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế có thể nắm bắt được quy mô vay thực sự trong khuôn khổ "Vành đai, Con đường", thứ hạng của các quốc gia này có nguy cơ còn bị hạ thấp hơn nữa.

Các học giả của Viện nghiên cứu kinh tế Cologne cho rằng một mặt các khoản nợ khổng lồ người Trung Quốc đã gây ra cho các quốc gia này sự phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào Bắc Kinh; mặt khác, rủi ro mặc định của việc không trả nợ đúng hạn cũng rất cao. Đối với Trung Quốc là bên cho vay, đây cũng là một thách thức rất lớn. Theo thống kê chính thức, mới tính đến năm 2017, quy mô nợ của các quốc gia dọc theo "Vành đai, Con đường" đã lên tới 215 tỷ USD, tương đương với 1,5% GDP của Trung Quốc trong cùng năm.

Các tác giả của bản báo cáo chỉ ra rằng, cái gọi là sự tăng trưởng kinh tế "mô hình Trung Quốc" từ lâu đã phụ thuộc rất nhiều vào việc mở rộng nợ và đầu tư. Tuy nhiên, hiện chính phủ Trung Quốc thận trọng trong việc cho vay và đầu tư trong quá trình tái khởi động kinh tế sau dịch bệnh, cho thấy Bắc Kinh đã nhận ra những hạn chế của mô hình tăng trưởng vốn có. Do đó, Viện nghiên cứu kinh tế Cologne cho rằng Trung Quốc cũng cần phải thay đổi suy nghĩ về đầu tư ở nước ngoài, đưa ra "quyết sách có tính cơ cấu" và áp dụng một loạt các biện pháp bao gồm xóa nợ, tái cơ cấu và tái cấp vốn.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng chú ý thấy rằng trong mười năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần giảm đáng kể hoặc miễn cho các khoản nợ của các nước châu Phi. Do đó, báo cáo cho rằng cả phía quốc gia tiếp nhận viện trợ và Trung Quốc trong khuôn khổ "Vành đai, Con đường" đều đang đối mặt với những rủi ro lớn, cho thấy có những vấn đề trong sự tiếp tục của bản thân mô hình Trung Quốc. Rất có thể đây là mức giá cao ngất  mà Trung Quốc phải trả cho sự gia tăng về địa chiến lược của họ.