Báo cáo của Liên minh tình báo Five Eyes: Trung Quốc che giấu dịch và hủy chứng cứ

VietTimes -- Truyền thông Australia ngày thứ Sáu (1/5) đưa tin Liên minh tình báo Five Eyes gồm Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand đã hoàn tất một tài liệu nghiên cứu về dịch bệnh COVID-19, khẳng định Trung Quốc cố ý che giấu hoặc tiêu hủy các chứng cứ về dịch bệnh bùng phát.
Liên minh tình báo Five Eyes cho rằng Trung Quốc đã cố ý che giấu hoặc tiêu hủy các chứng cứ về dịch bệnh COVID-19 khiến dịch bệnh bùng phát toàn cầu (Ảnh: defensenews).
Liên minh tình báo Five Eyes cho rằng Trung Quốc đã cố ý che giấu hoặc tiêu hủy các chứng cứ về dịch bệnh COVID-19 khiến dịch bệnh bùng phát toàn cầu (Ảnh: defensenews).

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông ngày 2/5, tờ Daily Telegraph (Australia) đã công bố hồ sơ nghiên cứu dài 15 trang của Five Eyes, bao gồm việc phủ nhận virus lây truyền từ người sang người ban đầu của Trung Quốc; yêu cầu các bác sĩ biết chuyện im tiếng, tiêu hủy các bằng chứng trong phòng thí nghiệm và từ chối cung cấp các mẫu virus sống cho các nhà khoa học quốc tế điều tra dịch bệnh. Một số nội dung đã được báo chí đưa tin trước đó.

Phá hủy mẫu virus, che giấu thông tin về virus

Báo cáo đã sắp xếp dòng thời gian phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh để người ta có thể thấy rằng việc che giấu dịch bệnh của họ cuối cùng đã dẫn đến thảm họa lớn.

Bắt đầu từ ngày 31/12/2019, tức một ngày sau khi “bác sĩ Lý Văn Lượng lên tiếng cảnh báo”, Trung Quốc đã cho xóa các từ khóa như “biến thể SARS”, “chợ hải sản Vũ Hán” và “viêm phổi không xác định Vũ Hán”. Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia đã ra lệnh chuyển các mẫu virus đến các cơ sở thí nghiệm được chỉ định hoặc tiêu hủy, đồng thời cấm công bố các nghiên cứu về bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới.

Theo một cuộc khảo sát do Phòng thực nghiệm công dân của Đại học Toronto, Canada thực hiện, sau khi dịch bệnh bùng phát, đã có tới 45 từ liên quan bị cấm trên Internet Trung Quốc từ ngày 31/12/2019  và đến giữa tháng 2/2020, số nhóm từ bị cấm đã lên tới 516.

Vào ngày 1/1/2020, mặc dù không có bất kỳ điều tra nào về nguồn gốc của virus, đường lây nhiễm và số lượng người nhiễm bệnh chưa được xác định, chợ hải sản Vũ Hán đã ngay lập tức bị đóng cửa để khử trùng; đồng thời, Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Bắc đã yêu cầu tiêu hủy các mẫu bệnh phẩm. Đối với 8 cá nhân tiết lộ tin tức về virus, cảnh sát Vũ Hán đã nhanh chóng triệu tập điều tra và yêu cầu “tất cả công dân không bịa đặt, lan truyền tin đồn hoặc tin vào tin đồn” để kiểm soát sự lây lan của thông tin về dịch bệnh.

Vào ngày 3/1, Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc đã ra lệnh rằng các mẫu virus được chuyển đến cơ sở xét nghiệm được chỉ định hoặc tiêu hủy và lệnh “phong khẩu” (cấm tiết lộ) liên quan đến căn bệnh này đã được thực thi.

Ngày 5/1, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán đã ngừng cập nhật các ca bị bệnh mới cho đến ngày 18/1.

Ngày 10/1, ông Vương Quảng Phát (Wang Guangfa), một thành viên của nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia đến thị sát Vũ Hán, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CCTV rằng dịch bệnh “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”, “hầu hết các bệnh nhân đều nhẹ đến trung bình” và “không xuất hiện tình hình nhân viên y tế nào nhiễm bệnh”.

Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nơi được cho là xuất hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên (Ảnh: DF).
Chợ hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nơi được cho là xuất hiện các ca bệnh COVID-19 đầu tiên (Ảnh: DF).

Ngày 12/1, một nhóm do Giáo sư Trương Vĩnh Trinh (Zhang Yongzhen) đứng đầu tại Thượng Hải đã công khai trình tự bộ gene virus Corona mới đầu tiên trên thế giới. Phòng thí nghiệm này đã lập tức bị đóng cửa vào ngày hôm sau với lý do “để sửa chữa”.

Ngày 24/1, chính quyền Trung Quốc đã ngăn Viện Virus học Vũ Hán chia sẻ các mẫu virus phân lập được với Đại học Texas của Mỹ.

Theo báo cáo chính thức của Trung Quốc, ngày 25/1 họ đã chính thức liệt kê “có ba chiến trường lớn là dịch bệnh, dư luận và tâm lý”. Cùng ngày, Trung tâm an ninh WeChat đã ra “Thông báo về quản lý tin đồn liên quan đến bệnh viêm phổi do virus Corona mới”, đe dọa trừng phạt những người vi phạm với bản án lên tới 7 năm tù.

Phủ nhận virus truyền từ người sang người trong thời gian dài

Báo cáo cũng chỉ trích chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận virus có thể lây từ người sang người. “Mặc dù có bằng chứng cho thấy virus đã lây từ người sang người từ đầu tháng 12/2019, nhưng chính quyền Trung Quốc đã luôn phủ nhận cho đến ngày 20/1/2020”.

Liên minh Five Eyes cũng đề cập đến việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngay cả khi đã nhận được cảnh báo về virus truyền từ người sang người bởi các chuyên gia ở Đài Loan và Hồng Kông vào ngày 31/12 năm ngoái và ngày 4/1 năm nay, nhưng vẫn đứng về phía Trung Quốc.

Hiện tại, vẫn còn một tweet ngày 14/1 trên tài khoản Twitter chính thức của WHO có nội dung: “Kết quả điều tra sơ bộ được thực hiện bởi chính quyền Trung Quốc cho thấy không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy bệnh viêm phổi do virus Corona mới được tìm thấy ở Vũ Hán, Trung Quốc có thể lây lan từ người sang người”.

Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, tâm điểm của cuộc điều tra (Ảnh: AFP).
Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, tâm điểm của cuộc điều tra (Ảnh: AFP).

Nhiều lần gây sức ép với cộng đồng quốc tế để xây dựng hình ảnh sai lệch

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã nhiều lần gây sức ép với cộng đồng quốc tế với nỗ lực rửa sạch hình ảnh là nguồn dịch và hy vọng sẽ trở thành giải pháp cho dịch bệnh.

Báo cáo chỉ trích thái độ “đạo đức giả” của Trung Quốc đối với lệnh cấm du lịch; chỉ ra rằng vào tháng 2, Trung Quốc một mặt thực thi các biện pháp phong tỏa và cách ly cực kỳ nghiêm ngặt trong nước; mặt khác, trong suốt tháng 2, “gây áp lực cho Mỹ, Italy, Ấn Độ, Australia, các nước láng giềng Đông Nam Á và các nước khác, không thông qua hạn chế đi lại để bảo vệ chính mình”; phản đối các quốc gia không tuân theo khuyến nghị chính thức của WHO là “phòng dịch quá mức”.

Đồng thời, báo cáo cũng chỉ ra: “Hàng triệu người Vũ Hán rời khỏi Vũ Hán sau khi dịch bùng phát và trước khi phong tỏa vào ngày 23/1”.

Trên thực tế, thái độ của WHO về vấn đề này là “bên xướng bên họa” với Trung Quốc. Mặc dù dịch bệnh tiếp tục bùng phát, WHO mãi đến ngày 30/1 mới tuyên bố đây là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, nhưng vẫn không khuyến nghị bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào.

 Trung Quốc cũng nhiều lần gây sức ép với các nước khác nhau yêu cầu đánh giá tích cực mô hình chống dịch của Trung Quốc, hoặc từ bỏ các cuộc điều tra độc lập về virus.

Báo cáo viết: “Khi các nhà ngoại giao EU chuẩn bị báo cáo về dịch bệnh, Trung Quốc đã yêu cầu Brussels ủng hộ thông tin sai lệch của họ”.

Theo cơ quan truyền thông Đức, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã định du thuyết các quan chức Đức, đề nghị họ công khai ca ngợi các biện pháp phòng dịch của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Đức vào tháng 3 đã khuyến cáo các bộ của chính phủ không hợp tác với yêu cầu của Trung Quốc.

“Khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về virus, Trung Quốc đã đe dọa đình chỉ thương mại với Australia. Trung Quốc cũng phản ứng mạnh mẽ với yêu cầu minh bạch của Hoa Kỳ”; báo cáo cho biết.

Liên quan đến nguồn gốc của dịch bệnh, tài liệu nói rằng Australia tin rằng virus này xuất phát từ chợ hàng hóa ẩm ướt ở Vũ Hán và chỉ có 5% khả năng là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm, không đồng ý với các thành viên khác của Liên minh Five Eyes.

Theo Đông Phương, ngoài ra, có tin cho thấy Viện nghiên cứu virus Vũ Hán là nguồn dịch bệnh. Một số nhà khoa học chủ chốt đã làm việc hoặc được đào tạo trong phòng thực nghiệm của chính phủ Australia. Họ đã nghiên cứu mầm bệnh của dơi ở Australia như một phần của dự án hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Sau khi đến Viện nghiên cứu Vũ Hán, họ chịu trách nhiệm nghiên cứu các mẫu virus corona được tìm thấy trong các hang động ở tỉnh Vân Nam và tổng hợp ra một loại virus corona không thể chữa được.

Đến chiều 2/5, vẫn chưa thấy phía Trung Quốc có phản ứng về bản báo cáo điều tra này của Liên minh Five Eyes.