Hiện nay có một số quốc gia, trong đó có Mỹ, nhấn mạnh rằng Trung Quốc che giấu dịch bệnh và Tổ chức Y tế Thế giới rất yếu. Tổng thống Donald Trump thậm chí đã nói trong một cuộc họp báo vào ngày 30/4 rằng ông đã nhìn thấy bằng chứng về virus Corona mới có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết và đe dọa sẽ tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc. Ngoài ra cơ quan truyền thông Anh Sky News ngày 30/4 đã công bố một đoạn video về cuộc phỏng vấn Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Bắc Kinh, trong đó ông này tuyên bố Trung Quốc đã nhiều lần từ chối cho phép WHO tham gia điều tra nguồn gốc của virus Corona mới.
Theo Sky News, Tiến sĩ Gauden Galea, đại diện của WHO tại Trung Quốc, đã chấp nhận một cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh Sky News hôm thứ Năm (30/4), nói rằng Trung Quốc đã nhiều lần từ chối yêu cầu của WHO tham gia vào cuộc điều tra nguồn gốc của virus Corona mới. Ông cũng bày tỏ nghi ngờ về tính chính xác của số liệu “trong suốt thời gian từ ngày 2/1 đến ngày 16/1, vẫn chỉ có 41 người được chẩn đoán bị bệnh” mà Trung Quốc cung cấp.
Tiến sĩ Gauden Galea nói, ông biết rõ là phía Trung Quốc đang điều tra nguồn gốc của virus, nhưng WHO không được mời tham gia trong khi WHO luôn nộp đơn lên Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đề nghị cùng tham gia điều tra, nhưng yêu cầu này không hề được phía Trung Quốc trả lời. Ông Gauden Galea cho rằng Trung Quốc không có lý do gì để từ chối Tổ chức Y tế Thế giới, họ cũng nên điều tra nguồn gốc của virus và hiểu sự tiếp xúc giữa người và động vật. Chỉ có cố gắng tìm hiểu virus càng nhiều càng tốt mới tránh được sự tái bùng phát dịch bệnh.
Tiến sĩ Gauden Galea, đại diện của WHO tại Trung Quốc: Trung Quốc đã từ chối mời WHO tham gia cuộc điều tra về nguồn gốc virus Corona mới (Ảnh: Sky News).
|
Tiến sĩ Gauden Galea cũng chỉ ra rằng dịch Viêm phổi do virus Corona mới lúc đầu xảy ra ở Vũ Hán, Hồ Bắc và theo dữ liệu do phía Trung Quốc cung cấp, suốt từ ngày 2 đến 16/1 năm nay, chỉ có 41 ca được chẩn đoán. Ông tin rằng số người lây nhiễm này không thể nào được duy trì mãi ở mức 41 người như thế. Ông chỉ ra rằng việc điều tra dịch bệnh thời kỳ này là rất quan trọng; Trung Quốc cần trả lời câu hỏi về số người được chẩn đoán và công bố nhật ký phòng thí nghiệm virus Vũ Hán để giúp hiểu toàn cảnh về dịch bệnh.
Khi được hỏi liệu có lý do hợp lý nào để Trung Quốc không cho phép WHO tham gia điều tra hay không, ông Gauden Galea nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, không!”.
Ông cũng nói rằng dựa trên các bằng chứng có sẵn, WHO cho rằng virus này bắt nguồn ở Vũ Hán và nó có nguồn gốc từ thiên nhiên chứ không phải do con người tạo ra.
Gauden Galea cũng bảo vệ vai trò của WHO trong giai đoạn đầu của dịch bệnh bùng phát, nói rằng vào thời điểm đó, WHO chỉ biết được thông tin từ người Trung Quốc, bao gồm cả việc virus này có được truyền từ người sang người hay không. Ông nói rằng vào thời điểm đó, WHO thực sự rất lo lắng và tin rằng virus này đã lây từ người sang người, nhưng các trường hợp được báo cáo bởi phía Trung Quốc và kết quả điều tra sơ bộ không xác nhận. Do đó, WHO đã tuyên bố vào ngày 14/1 rằng theo một cuộc điều tra sơ bộ của Trung Quốc, không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể truyền từ người sang người. Đến 20/1, Trung Quốc mới công bố vi-rút lây từ người sang người.
Theo ông, Trung Quốc cần phải giải thích việc không có báo cáo các ca bệnh mới được xác nhận vào đầu tháng 1. Các quan chức Vũ Hán đã không báo cáo bất kỳ trường hợp mới nào từ ngày 3 đến ngày 16/1, nghĩa là số lượng chẩn đoán vẫn ở mức 41 trong suốt 14 ngày. Gauden Galea: “Liệu có đúng chỉ có 41 trường hợp trong suốt khoảng thời gian đó không? Tôi nghĩ điều đó là không thể. ⋯⋯ Vậy có nhiều trường hợp nhiễm bệnh hơn không? Trung Quốc cần trả lời những câu hỏi này”.
Chính phủ Australia đã đề xuất trước đó rằng một cuộc điều tra độc lập nên được tiến hành về nguồn gốc của coronavirus mới và một số nước châu Âu cũng đồng ý.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne lên tiếng yêu cầu tiến hành điều tra toàn diện về nguồn gốc virus Corona mới khiến Trung Quốc bất bình (Ảnh: AP).
|
Trước yêu cầu đòi điều tra của các quốc gia khác nhau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/4 đã đưa ra tuyên bố “Trung Quốc kiên quyết phản đối kiểu điều tra quốc tế giả định có tội, phản đối chính trị hóa việc điều tra quốc tế và phản đối bôi xấu Trung Quốc”; nhấn mạnh, đối với các cuộc điều tra quốc tế, “Trung Quốc luôn trung thực, cởi mở và ủng hộ trao đổi giữa các nhà khoa học”, nhưng kiên quyết phản đối việc “đưa Trung Quốc lên ghế bị cáo khi không có bất kỳ chứng cứ nào”.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) cũng bày tỏ sự bất bình: “Điều tra quốc tế thì phải có cơ sở. Tại sao cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus chỉ nhắm vào mỗi Trung Quốc? Có bằng chứng nào cho thấy có vấn đề ở Trung Quốc không? Vì sao không điều tra các quốc gia khác?”, “lại còn lấy số liệu ca bệnh làm mốc (để điều tra Trung Quốc). Một số quốc gia xuất hiện nhiều người bị bệnh, tử vong và lây nhiễm như thế, lẽ nào họ không có vấn đề sao?”.
Trong một diễn biến có liên quan, WHO sẽ đánh giá liệu có nên duy trì tình trạng khẩn cấp quốc tế hiện nay. Ngày 30/4, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom đã triệu tập một cuộc họp ủy ban khẩn cấp trong đó các chuyên gia sẽ xem xét những thay đổi mới nhất về dịch bệnh và đánh giá xem có nên duy trì các khuyến nghị khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế trước đó hay không, kết quả sẽ được công bố vào ngày 1/5.
Tổ chức Y tế Thế giới đã ra thông cáo báo chí vào thứ Năm (30/4). Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã triệu tập ủy ban khẩn cấp tại Geneva bằng cuộc họp qua điện thoại. Trong cuộc họp, các chuyên gia sẽ đánh giá tình hình mới nhất của dịch bệnh COVID-19. Dự kiến ngày 1 tháng 5, ông Tedros Adhanom sẽ đề xuất về việc có nên duy trì tình trạng “Khẩn cấp về y tế cộng đồng quốc tế” (PHEIC) được WHO tuyên bố áp dụng trước đó hay không.