Bài 1:
- Xuân Ba: Còn một biến số nữa thể hiện nguy biến sơn hà nhỡn tiền là đồng bằng Sông Cửu Long năm nay không có lũ! Mười mấy công trình thủy điện của Trung Quốc đã ngang ngược chắn đầu nguồn Mê Kong đắc lực làm cái việc biến mất ĐBSCL nay mai. Hằng số nào để giải cái biến số này?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi quen nhiều người ở Ủy ban sông Mê kông. Lâu rồi Ủy ban ấy tiêu tốn nhiều tiền mà không làm gì được Trung Quốc. Cái chính là chúng ta không biết lên án hiện tượng vô đạo đức của Trung Quốc. Người Mỹ vẫn lấy sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc là chính. Người Nga trước đây cũng dùng sức mạnh đối đầu với Trung Quốc. Nhưng sức mạnh là công cụ của những kẻ sốt ruột. Phải lấy lẽ phải, lấy cái lý sự, lấy đạo đức để chỉ trích một cách từ tốn, dần dần để uốn nắn chất lượng đạo đức trong hành vi của Trung Quốc.
|
Học giả Nguyễn Trần Bạt. (Ảnh: Internet)
|
Nói chuyện với Trung Quốc mà dùng sức mạnh thì kể cả Mỹ cũng sai. Anh có nhiều tiền thì nên dùng để tuyên truyền về tính vô đạo của ai đó. Nhưng mà có thật nó vô đạo không? Tôi cũng chưa bao giờ thấy trên thế giới này có ai thảo luận rằng người Trung Quốc có thật sự vô đạo đức không, hay những hành vi của họ là phản ứng của việc bị tước bỏ các quyền lịch sử, các ưu thế để sống một cách bình đẳng với các lực lượng khác của thế giới.
Cũng cần nói thêm, chúng ta chưa nghiên cứu người Trung Quốc thật sự. Trung Quốc không khó tính với Việt Nam theo những cách dễ nhìn thấy, mà họ giống như một người… chồng hay ghen vậy. Họ khắt khe hơn, quan sát kỹ lưỡng hơn và giám sát chặt chẽ Việt Nam hơn. Tức là, về mặt hệ tư tưởng, Trung Quốc xem Việt Nam là đồng minh, do đó họ giám sát Việt Nam như một dự phòng cho việc cân bằng lực lượng trên thế giới.
Vâng chúng ta có va chạm với Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng ta có thể im lặng trong một số trường hợp, nhưng riêng với quyền lợi dân tộc thì chúng ta không nhân nhượng được. Đấy là vấn đề nguyên tắc. Có thể là đồng minh với người Trung Quốc về tư tưởng chính trị, nhưng về mặt quyền lợi dân tộc thì quyết không! Những mâu thuẫn đó nhiều thời điểm đã làm cho mối quan hệ Trung - Việt đâm khó diễn đạt, không ổn định. Chính vì thế, Việt Nam vẫn cần có quan hệ tốt hơn nữa với người Mỹ để quan hệ của chúng ta với Trung Quốc trở nên cân bằng hơn.
Mỹ ư? Thưa học giả Nguyễn Trần Bạt, trong danh sách các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ thì số một là Trung Quốc, thứ hai là Mexico, thứ ba là Đức, thứ tư là Nhật. Việt Nam cũng ở trong top 10 đấy nhá...
- Việt Nam luôn lo lắng thường xuyên về các vấn đề trong quan hệ với Mỹ, nhưng không phải thặng dư thương mại. Anh nên nhớ chế độ chính trị chúng ta không đồng thuận về mặt nguyên tắc với nền chính trị Hoa Kỳ.
Người Mỹ tham gia vào hai cuộc chiến tranh Đông Dương, do đó về mặt nguyên tắc họ đã từng là kẻ thù trong nửa thế kỷ đối với chế độ chính trị hiện nay của Việt Nam. Cho nên, việc xây dựng các tiêu chuẩn và lòng tin quốc tế giữa hai quốc gia rất khó.
Chúng ta có khoảng gần 4 triệu người Việt sống ở Hoa Kỳ. Hằng năm, họ gửi về Việt Nam khoảng chục tỷ USD kiều hối. Không ít những người trong số này vẫn nấn ná chuyện cũ. Do đó, về mặt chính trị, Chính phủ Hoa Kỳ luôn luôn mấp mé ở trạng thái thiếu cân bằng trong quan hệ với Việt Nam. Chúng ta cũng buộc phải chiếu cố đến khía cạnh này, đến tâm lý này của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là mỗi khi chúng ta chiều chính phủ Hoa Kỳ trong quan hệ chính trị thì phải làm sao né được sự ghen tuông chính trị với Trung Quốc. Đấy là cái khó của những nước ở cạnh Trung Quốc. Lúc nào cũng có đủ khả năng để xử lý hai quan hệ đối ngoại quan trọng cùng một lúc là một việc vô cùng nan giải!
Ông có thể chia sẻ ở thì tương lai xa của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ?
- Tình thế bây giờ bắt đầu dằng dai. Chính quyền Trung Quốc chỉ cần làm cho nhân dân của họ chịu đựng quen với các trạng thái căng thẳng là người Mỹ thua. Người Mỹ đến Việt Nam đánh nhau phải dùng máy bay trực thăng để tắm. Tôi nhìn thấy máy bay trực thăng phun nước cho lính Mỹ tắm. Tức là người Mỹ tiến hành các cuộc đấu tranh trên thế giới này bằng tiêu chuẩn tiện nghi. Cho nên người Mỹ cần 10 đồng để tiến hành một cuộc chiến tranh thì người Trung Quốc chỉ cần một đồng.
|
"Chính quyền Trung Quốc chỉ cần làm cho nhân dân của họ chịu đựng quen với các trạng thái căng thẳng là người Mỹ thua" - Nguyễn Trần Bạt. (Ảnh: internet)
|
Như vậy nếu cần có một cuộc chiến tranh giữa người Mỹ và người Trung Quốc thì người Trung Quốc có thể tham gia lâu dài hơn nhiều bởi vì họ tiêu ít hơn. Nói đến Việt Nam thì cũng cùng quy luật như vậy. Cho nên Đảng ta chớ có biểu dương những kẻ tiêu nhiều, những đại gia sang trọng. Khi nhân dân Việt Nam mất đi thói quen chịu đựng gian khổ thì người thua đầu tiên là Đảng cộng sản chứ không phải ai khác.
Tôi có một buổi ngồi với anh em Nghệ An. Anh em Nghệ rất sốt ruột về việc làm thế nào để Nghệ An khá lên nhanh chóng. Tôi nói không có lý do gì để Nghệ An không khá lên được, nhưng không thể sốt ruột. Người Việt không có bất kỳ một năng lực sáng tạo nào để đảm bảo danh dự cho mình ngoài khả năng chịu khổ. Mất đi năng lực chịu khổ là mất đi năng lực cuối cùng mà một dân tộc cần có để bảo vệ độc lập của nó. Nhân dân trong thời đại internet luôn luôn có quyền và có khả năng khôn hơn nhà cầm quyền, đó là một nguy cơ về mặt triết học có thật đối với tất cả các nhà cầm quyền trên thế giới này, không phải chỉ có Việt Nam.
Thế thì nguyên lý "phụ mẫu chi dân" ( tạm hiểu, quan cai trị phải là cha mẹ dân- XB) bỗng dưng có… lý?
- Muốn dạy dân thì phải có kiến thức, phải học. Không học thì làm sao dạy được dân. Có những quan chức khi khai lý lịch có dám nói mình học ở trường nào đâu. Phong giáo sư nhưng giáo sư ở đâu cũng không biết. Muốn dạy dân thì phải có tri thức, nhưng đó là một điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, nhân dân chỉ nghe những điều anh dạy khi nào anh có đạo đức. Lẽ phải mà không đi qua con đường đạo đức thì đều không được ai chấp nhận. Cho nên để có thể trở thành kẻ dạy dân phải có ba điều kiện: giỏi hơn dân, biết hơn dân và tốt hơn dân. Tôi nói với anh ngay từ đầu sơn hà nguy biến chủ yếu phụ thuộc vào việc chống tham nhũng.
Để giảm thiểu những biến số khiến sơn hà nguy biến và để thoát hiểm có thứ hằng số mà nhiều người chăm chắm là phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược như thay đổi thể chế chẳng hạn?
- Không, tôi không thích mệnh đề “thay đổi thể chế”. Con người chứ không phải thể chế.
Nhưng con người sinh ra thể chế?
- Con người không sinh ra thể chế. Thể chế là một trong các điều kiện để con người tồn tại và phát triển chứ không phải tất cả. Thể chế có giới hạn của nó. Thay đổi thể chế đến mấy cũng không phát triển được nếu anh không có tiềm năng, không có lực lượng, không có thực hành. Đừng bao giờ xem thay đổi chế độ là cách duy nhất có thể tạo ra tiến bộ xã hội. Cải cách thể chế cho phù hợp với năng lực chịu đựng của tất cả các lực lượng mới là cách phù hợp nhất.
Nhưng không ít ý kiến cho rằng nếu một thể chế đã hỏng hóc, chỉ có thể thay chứ không thể chữa?
- Không quan niệm như thế được, thể chế không tự nhiên xuất hiện mà có thể thay đổi dễ dàng. Thể chế này xuất hiện do cách mạng tháng Tám 1945. Thể chế này tồn tại cho đến bây giờ do hai cuộc kháng chiến khổng lồ. Thể chế là sản phẩm của lịch sử chứ không phải sản phẩm của ý muốn. Làm sao thay đổi thể chế được. Nhưng thể chế tồn tại trong không gian của đời sống. Nó buộc phải được sửa đổi, bổ sung thường xuyên để phục vụ sự biến động của con người.
Nếu như chúng ta cứ xoành xoạch thay đổi thể chế theo cơn hứng của một vài nhóm đấu tranh chính trị, một vài nhóm trí thức nào đó thì liệu có ai xem người Việt chúng ta là khôn ngoan không? Người ta không thể cứ động chút là dỡ nhà ra xây lại.
Hình như có một Nguyễn Trần Bạt cấp tiến, đổi mới nhưng thi thoảng vẫn phát lộ một Nguyễn Trần Bạt trì trệ, bảo hoàng…
- Thử làm khác đi mà xem. Nói thì dễ lắm, nhưng làm thì không ai sẵn lòng làm đâu. Không ai có thể thay đổi được lịch sử một mình. Không ai có thể xúi dại nhân dân thay đổi lịch sử. Trường Chinh nhìn thấy cơ hội chiến thuật hơn “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhìn thấy rằng nếu không gắn với đồng minh thì không có cơ may để tồn tại như một thực thể chính đáng sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cho nên gắn với đồng minh là sự thông minh chính trị.
Xin cảm ơn học giả Nguyễn Trần Bạt. Xin lỗi, thi thoảng lại đột ngột quấy quả học giả như này có phiền lắm không?
- (Cười) Với điều kiện các ký giả phải là đối tượng hấp dẫn với các câu hỏi hay. Như anh chẳng hạn, một nhà báo không phải chỉ vì được khen mà cả vì bị ghét nữa. Một số người can tôi không nên tiếp cận với nhà báo Xuân Ba. Nhưng không giấu gì anh, khi nào chúng ta còn đủ năng lực để hỏi và đáp, tức là chúng ta vẫn còn lý do để sống./.