Giải mã hiện tượng Kim Jong Un:

Bài 2: Cuộc gặp tất yếu hay “vế đối” Kim- Trump

VietTimes -- Bài toán quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên là một trong các bài toán tồn tại của lịch sử nhân loại, cho nên phải có các cá nhân nào đó xuất hiện vào một thời điểm thích hợp để giải quyết. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un là những người đủ năng lực để tham gia vào xử lý một phần của các tồn tại lịch sử.
TT Trump - Chủ tịch Kim: cuộc gặp lịch sử
TT Trump - Chủ tịch Kim: cuộc gặp lịch sử

Kim Jong Un- người giải quyết bài toán chính trị truyền thống

Có ý kiến thắc mắc rằng tại sao nhân dịp này Triều Tiên lại không làm cái việc “thoát Trung”?

 - Tất cả những người nói “thoát Trung”, nói chữ, là ấu trĩ, nếu không muốn nói đó là trẻ con. Không có cách gì để các nước nhỏ “thoát” khỏi nước lớn. Đấy là quy luật chính trị toàn cầu. Anh thấy đấy, bây giờ cái mà các quốc gia trên thế giới lo nghĩ nhiều nhất không phải là “thoát Mỹ” mà là “Mỹ thoát ra khỏi mối quan hệ với họ”. Nước Mỹ thời Donald Trump tỏ ra không còn gắn bó, thân thiện với NATO, với châu Âu, với G7 nữa... Dường như tổng thống Donald Trump đang làm cái việc là thử xem thiên hạ có đủ gan để không chơi với nước Mỹ không.

Rõ ràng không phải ngẫn nhiên mà người dân Mỹ chọn Donald Trump?

- Donal Trump đang làm ngược lại những thứ mà Barack Obama và Hilary Clinton làm. Người bình thường không chơi trò chơi ấy được.

Chưa bao giờ cái câu “cao nhân tắc hữu cao nhân trị” lại đắc dụng, lại đúng đến thế với trường hợp nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Có lẽ như thế thì đời sống chính trị thế giới này mới bớt đơn điệu, thế giới mới đa cực? Xin học giả Nguyễn Trần Bạt giải mã ngắn gọn về Kim Jong Un? Được đào tạo ở Thụy Sĩ chăng? Hay là sự rèn cặp của ông bố? Cú hích nào để làm nên sự vượt trội như thế?

- Có lần con tôi đi học ở Anh kể cho tôi nghe nó học về Leadership (người dẫn đầu, thủ lĩnh- XB tạm hiểu) trong giờ học chính trị. Tôi hỏi người ta nói gì về Leadership. Nó kể là họ cho ra khuôn viên của trường, ở đó có một cái vực, người ta treo một sợi cáp lên hai cái cây to ở hai bên vực và cho học sinh đu dây từ bên này sang bên kia.

Đấy là một trong các cách thức người ra rèn luyện để làm lãnh đạo. Các nhà chính trị nói chung là dát, thường làm chính trị bằng sự khôn ngoan. Đương nhiên khôn ngoan là cái không thể thiếu, nhưng khôn ngoan là phương pháp chính trị của người yếu. Muốn trở thành người mạnh thì phải có các phương pháp bổ sung. Phải quan sát cẩn trọng mới thấy cỡ thái y tầm cỡ bổ sung cái gì vào thang thuốc chính trị của mình. Người ta cứ nói Kim Jong Un là con ông cháu cha, nhưng giờ đây cả ông lẫn cha của ông ấy đều không còn mà Kim Jong Un vẫn đạt được những kết quả làm cả thế giới tròn xoe mắt. Rèn luyện chính trị là việc mà các nhà chính trị buộc phải làm thường xuyên.

Kim Jong Un đang giải quyết bài toán chính trị truyền thống của lịch sử để lại
 Kim Jong Un đang giải quyết bài toán chính trị truyền thống của lịch sử để lại

Với ông Kim sự tích tụ như thế nào để có Big Bang (vụ nổ lớn) như thời điểm vừa rồi?

- Dạy con là phải dạy hàng ngày, hàng giờ, dạy từ lúc chúng còn nhỏ. Người Việt hay dạy con bằng lẽ phải, bằng chân lý, tức là dạy nó thừa nhận một số lẽ phải của người khác. Tôi nghĩ dạy con là dạy cách đi tìm chân lý, đi tìm lẽ phải, chứ không phải thừa nhận một số lẽ phải nào đó. Chắc là những gia tộc như thế họ biết cách dạy con không bao giờ để cho các bản năng thấp kém hiện hình thành các hành vi.

Xin lỗi có vẻ như ông là một dạng fan của Chủ tịch Kim Jong Un?

- Tôi rất thích khuôn mặt ấy. Đấy là một nhà chính trị đi tìm cách giải quyết vấn đề chính trị truyền thống. Trong một bài viết tôi nói những vấn đề chính trị đương đại và những vấn đề chính trị truyền thống là hai loại vấn đề. Bài toán chính trị truyền thống bao giờ cũng khó hơn, bởi vì nó có từ trước, do thế hệ trước chưa giải quyết được, đành phải để lại cho thế hệ sau.

Kim Jong Un đang giải quyết bài toán chính trị truyền thống của lịch sử để lại. Cho nên người ta mới gọi cuộc gặp gỡ ấy là cuộc gặp gỡ lịch sử. Người Mỹ cũng thế, bán đảo Triều Tiên là vấn đề duy nhất về chính trị mà họ chưa giải quyết triệt để ở khu vực này.

Người Mỹ đã “trói gô” người Nhật Bản bằng bản Hiến pháp không cho phép nước Nhật có quân đội mà bây giờ người Nhật đã phải đấu tranh để sửa. Như thế là người Mỹ đã thành công trong việc “trói” người Nhật Bản ỷ lại vào Mỹ. Nhưng người Mỹ chỉ làm được một nửa điều đó ở bán đảo Triều Tiên.

Để xem kỳ này ông Trump có làm được gì ở đó không. Tôi e là khó. Người Triều Tiên sẽ học được bài học khôn ngoan hơn. Họ có thể tìm cách làm cho vũ khí hạt nhân của mình có hình dáng con chim bồ câu để quyến rũ “trẻ con” thế giới. Quan sát sẽ thấy nhiều nhà chính trị thế giới cũng đều mang dáng dấp “trẻ con” cả.

Ông Kim đang làm gì?

Chủ tịch Kim trong một chuyến thị sát
Chủ tịch Kim trong một chuyến thị sát 

Xin lỗi (vâng, lại phải xin lỗi) đột nhiên tôi đang có ý nghĩ Chủ tịch Kim hiện đang làm gì? Nhấm nháp dư vị ngọt ngào của kết quả cuộc gặp Thượng đỉnh hay đang quay cuồng  mải một với mưu chước nào đấy?

- Những người như thế không bao giờ làm gì một cách cụ thể mà người ta nghĩ. Chúng ta đã từng có thời kỳ dài xem loại người lao động bằng suy nghĩ là “bọn chỉ tay năm ngón”. Tôi chia hoạt động suy nghĩ ra làm ba tầng, tầng thứ nhất là tầng nghĩ để tìm ra những lẽ phải, tầng thứ hai là nghĩ để tìm ra chân lý; tầng thứ ba là tầng nghĩ để tìm ra quan hệ biện chứng giữa các chân lý (tức là triết học). Đấy là ba tầng của trí khôn. Việc xác lập các giá trị tư tưởng mới chỉ là một trong các công việc thôi, ở mức cao hơn phải vươn tới vẻ đẹp (lý tưởng) và sự sang trọng của nó (triết học) nữa.

Tôi có cậu bảo vệ thích nấu ăn, tôi bảo cậu ấy: “Cháu muốn nấu ăn thì phải tuân thủ  ba nguyên tắc: thứ nhất là phải nấu ngon, thứ hai là phải nấu đẹp, thứ ba là phải nấu sang trọng”. Nói chung, trong đời sống hầu hết người ta chỉ phấn đấu đến tầng ngon thôi.

Ngay cả trong chính trị cũng vậy, chính trị kiểu kiến tạo mới ở mức ăn ngon chứ chưa đẹp. Kiến tạo thì tức là “bố làm hộ con”. Nếu thế thì về lâu dài là có chuyện. Kiểu quản lý đẹp nhất trên đời này là không kiến tạo mà hiểu được các kiến tạo cuộc đời có.

Chủ tịch Kim và người em gái của mình
Chủ tịch Kim và người em gái của mình 

Cuộc gặp tất yếu?

Chuyện gặp giữa Donald Trump và Kim Jong Un như một tất yếu?

- Bài toán quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên là một trong các bài toán tồn tại của lịch sử nhân loại, cho nên phải có các cá nhân nào đó xuất hiện vào một thời điểm thích hợp để giải quyết. Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un là những người đủ năng lực để tham gia vào xử lý một phần của các tồn tại lịch sử.

Anh nghĩ gì về vai trò của những người tiền nhiệm với sự kiện lịch sử này?

- Nếu không có các hình thức và mức độ trước đó thì không đẩy đến tình thế này được. Đây là một chặng của lịch sử đương đại. Không có ông Kim Jong Il, không có hoạt động đàm phán con  thoi của tổng thống Carter thì không thể có ngày hôm nay. Sự kiên nhẫn của người Mỹ và nền chính trị Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên tạo ra quả bóng cho Donald Trump sút. Nhưng nếu quan niệm chỉ có mỗi Donald Trump thông minh mới làm được chuyện này thì sai. Kim Jong Un chắc chắn là thông minh không kém nên ông ấy mới đến Trung Quốc trước khi gặp Donald Trump.

Đến Trung Quốc Chủ tịch Kim có mắt chữ O mồm chữ A và  mở ngay  sổ ra để ghi cẩm nang ?

- Thực chất, đây là bài toán lớn, bài toán tồn tại của lịch sử chính trị khu vực, lịch sử chính trị Triều Tiên, lịch sử chính trị Trung Quốc và cả lịch sử chính trị của Mỹ. Cho nên công thức đàm phán 6 bên trước đây là sai. Khi người ta đang sùng bái các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề Triều Tiên thì phía Triều Tiên đã nói rằng họ muốn cuộc đàm phán trực tiếp với Mỹ, bởi đấy mới là những kẻ đối diện với câu chuyện thật sự. Vấn đề chính trị cơ bản của bán đảo Triều Tiên là vấn đề giữa người Mỹ và người Triều Tiên. Người Trung Quốc hiểu được điều này, họ kháng Mỹ, viện Triều, giúp đỡ Triều Tiên để chống Mỹ chứ không kháng Mỹ trực tiếp. "Kháng Mỹ viện Triều" là một phương châm chính xác ngay từ khi ấy. Bây giờ họ không kháng Mỹ , nhưng vẫn viện trợ cho Triều Tiên trong việc xử lý các quan  hệ liên quan đến xây dựng hòa bình giữa người Mỹ và người Triều Tiên.

Chủ tịch Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol-ju
Chủ tịch Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol-ju 

Khôn ngoan và cả cao thượng phải không, thưa ông?

- Đừng bao giờ hy vọng sẽ có sự cao thượng nào đó trong đời sống chính trị. Cao thượng là một trạng thái đạo đức, mà trong chính trị chỉ có các tiêu chuẩn đạo đức chứ không có trạng thái đạo đức. Không có tiêu chuẩn đạo đức cho các giải pháp chính trị thì hỏng, nhưng nếu để đạo đức lãnh đạo chính trị thì không thành công được.

(Còn nữa)